Thi hành án dân sự: Còn nhiều bất cập

10:03, 21/03/2013
.

(QNg)- Dù đã có nhiều cố gắng trong thực thi nhiệm vụ, nhưng do nhiều nguyên nhân nên số vụ việc thi hành án (THA) dân sự trên địa bàn tỉnh còn tồn đọng nhiều, thậm chí là số vụ việc thi hành quá tải, ảnh hưởng đến công tác thực thi nhiệm vụ THA trên địa bàn.

Năm 2012, các cơ quan THA dân sự tỉnh đã thụ lý hơn 6.100 việc. Số việc có điều kiện thi hành là hơn 4.200 vụ, đã thi hành xong 3.773 việc. Tổng số tiền thụ lý hơn 308 tỷ đồng, đạt 75% (vượt 1% chỉ tiêu giao). Ông Trần Quang Nam- Phó Cục trưởng Cục THA Dân sự tỉnh cho biết, khó khăn nhất trong công tác THA là do người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án; người THA đang thụ hình, hoặc thụ hình xong về đi khỏi địa phương không rõ địa chỉ, không có tài sản thi hành.

Một vụ cưỡng chế THA tại huyện Bình Sơn.
Một vụ cưỡng chế THA tại huyện Bình Sơn.


Có những người THA ở địa phương, nhưng nghĩa vụ thi hành quá lớn, không có tài sản để thi hành hoặc có tài sản nhưng tài sản không thuộc diện kê biên, tài sản có giá trị thấp so với nghĩa vụ phải thi hành. Vì vậy, khi cơ quan THA lên phương án áp dụng biện pháp cưỡng chế THA thì giá trị tài sản chỉ đủ cho chi phí tiến hành cưỡng chế, không giải quyết được số tiền phải THA, dẫn đến không thể xử lý được.

Đối với người phải THA đã đủ tuổi thành niên bị phạt tù, nhưng gia đình của người thanh niên đó (nhất là cha mẹ của người thành niên phạm tội nhưng còn sống phụ thuộc vào gia đình) thường kiên quyết không thi hành thay cho người THA. Họ cho rằng, người phải THA đã có quyền công dân và tự chịu trách nhiệm về phần dân sự của mình. Trong khi đó pháp luật chưa ràng buộc trách nhiệm của gia đình người phải THA trong việc thi hành thay phần nghĩa vụ dân sự cho con em đã thành niên nhưng còn phụ thuộc vào gia đình trước khi phạm tội.

Mặt khác, những năm gần đây các  tranh chấp về kinh tế, dân sự và lao động ngày càng nhiều. Nhiều công ty, doanh nghiệp là đối tượng phải THA nhưng chưa có điều kiện để thi hành. Do đó, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công tác THA dân sự trên địa bàn tỉnh, lượng án tồn đọng còn nhiều. Đơn cử như, Công ty Chế biến Lâm sản xuất khẩu Hồng Phước (KCN Quảng Phú), Công ty TNHH Choeng Woon Vina (KKT Dung Quất)… phải THA các khoản án phí và trả nợ cho các tổ chức, cá nhân trên 100 tỷ đồng. Riêng Công ty Choeng Woon Vina dù đã kê biên tài sản, thẩm định giá và đã 9 lần giảm giá để tổ chức bán đấu giá nhưng đến nay vẫn chưa bán được tài sản của công ty…

Bên cạnh những khó khăn khách quan, thì việc thiếu nhân lực, trình độ chuyên môn của một bộ phận cán bộ công chức, chưa đồng đều và tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ cũng làm ảnh hưởng đến công tác THA. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện chưa đáp ứng đủ cho công tác THA. Trong khi đó, Luật THA còn nhiều bất cập, còn nhiều điều, khoản của Luật chưa cụ thể, trong khi văn bản hướng dẫn thi hành chưa có. Chẳng hạn chưa có hướng dẫn về trình tự thủ tục thu và xử lý tiền chi phí xác minh điều kiện THA theo yêu cầu của người phải thi hành án; chưa quy định về việc xử lý tài sản tạm giữ để đảm bảo THA; một số quy định về thẩm định giá còn bất cập.

Những nguyên nhân trên vừa gây ảnh hưởng đến công tác thực thi nhiệm vụ của ngành THA dân sự, vừa gây thiệt hại về quyền lợi cho người được thi hành án.


    Bài, ảnh: X.Thiên  
 


.