Quảng Ngãi: Nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn

02:03, 22/03/2013
.

(QNĐT)- Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đã có hàng trăm công trình nước sạch hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần cải thiện chất lượng sinh hoạt, nâng cao sức khỏe cho người dân nông thôn.

Những ngày qua, anh Nguyễn Tấn Thiện-Đội trưởng đội thi công dịch vụ, thuộc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Ngãi luôn tất bật với các dự án công trình nước sạch tại xã Bình Trung và xã Bình Thới, huyện Bình Sơn. Đây là hai trong những công trình đang trong giai đoạn hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Với công suất từ 450-500m3/ngày/đêm, mỗi công trình có khả năng đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt từ 700-800 hộ. Anh Thiện nói: Cán bộ của mình nôn nóng một, nhưng người dân trong vùng dự án thì nôn nóng mười, bởi họ sắp được sử dụng nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh.  

 

Công trình nước sạch xã Bình Dương, huyện Bình Sơn
Công trình nước sạch xã Bình Dương, huyện Bình Sơn đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho trên 1.000 hộ dân trong xã.


Theo ông Nguyễn Văn Thuộc- Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Ngãi, thì những năm gần đây môi trường nguồn nước ở nông thôn hầu như không còn đảm bảo do nhiều yếu tố, đặc biệt là việc lạm dụng phân bón và các chất hóa học trong sản xuất nông nghiệp khiến cho nguồn nước ngầm, nước mặt  có dấu hiệu ô nhiễm và cạn kiệt, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người dân nông thôn.

Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau (Vốn mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vốn chương trình 134, 135, vốn các tổ chức Quốc tế tài trợ…) đã có hàng trăm công trình nước sạch nông thôn được triển khai xây dựng. Các dự án đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nâng cao đời sống sức khỏe cho người dân nông thôn, đồng thời nâng cao nhận thức trong mỗi cá nhân về vệ sinh công cộng, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê, tỷ lệ người dân được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở vùng nông thôn đến cuối năm 2012 là gần 78%, trong đó 60% là nước sạch đạt Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế bàn hành. Chỉ tính trong năm 2012, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã triển khai thi công 13 công trình nước sinh hoạt tập trung có quy mô cấp nước từ 100-1.000 hộ dân. Ngoài ra, còn có 21 công trình cấp nước và vệ sinh cho trường học nông thôn, trạm y tế, chợ nông thôn…

 

Nhiều công trình nước sạch ở miền núi không phát huy tác dụng, người dân phải sử dụng nước tự chảy từ các nguồn trên núi.
Các huyện miền núi dù được đầu tư nhiều công trình nước sạch, tuy nhiên do không phát huy tác dụng, người dân phải sử dụng nguồn nước tự chảy.


Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì một thực tế đáng nói hiện nay là nhiều công trình nước sạch không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí rất lớn. Nhất là các công trình đầu tư ở miền núi, vùng ven biển, vùng bị nhiễm mặn, sắt.

Ông Nguyễn Văn Thuộc- Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Ngãi cho rằng: Hiện nhiều công trình nước sạch ở các huyện miền núi sau khi đưa vào sử dụng một thời gian đã bị hư hỏng, xuống cấp. Nguyên nhân là sau khi ban giao cho địa phương, nhưng do không có kinh phí (phần lớn các công trình ở miền núi là không thu phí) nên địa phương không quản lý tốt, không có người vận hành khai thác, khi hư hỏng không chịu sửa chữa dẫn đến hư hỏng nặng.

Trước tình hình trên, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Ngãi sửa chữa, nâng cấp và đưa vào khai thác các dự án cấp nước từ 500 hộ trở lên, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nước sạch cho người dân.

Một vấn đề khó khăn nữa hiện nay là các công trình nước này 60% nguồn vốn từ ngân sách, còn lại là 40% người hưởng lợi đóng góp… Vì vậy rất khó thực hiện, bởi mức đầu tư cho công trình nước là rất lớn, việc huy động 40% là không thể. Trong khi đó, phần lớn các công trình sau khi đi vào hoạt động lại thu phí sử dụng nước của người dân.

 

Vì vậy để đạt được mục tiêu đến năm 2015, có trên 90% dân số nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh  quả là điều không đơn giản. Muốn đạt chỉ tiêu này cần có sự hỗ trợ của tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành liên quan nhằm tăng cường công tác quản lý, khai thác các công trình, đồng thời đa dạng hóa các loại hình đầu tư...

 

Hôm nay (22/3), Ngày nước thế giới
 

Hôm nay (22/3) là Ngày Nước thế giới với chủ đề "Hợp tác vì nước" và thông điệp "Nếu tất cả chúng ta cùng nhau chia sẻ, ai cũng sẽ có cơ hội sử dụng nước".
 

Mẫu băng rôn Ngày nước thế giới 2013. (Ảnh: Internet)
Mẫu băng rôn Ngày nước thế giới 2013. (Ảnh: Internet)


Đây là một sự kiện quốc tế được tổ chức hàng năm, nhằm thu hút sự chú ý của người dân trên khắp thế giới thấy được tầm quan trọng của tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước sạch và góp phần quản lý bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, vẫn còn khoảng 11% dân số thế giới, tương đương 780 triệu người không tiếp cận được với nguồn nước sạch. Cùng với những diễn biến bất thường của thiên tai do biến đổi khí hậu, nguồn nước đang ngày càng suy thoái và cạn kiệt.

Nước sạch được dự báo sẽ sớm trở thành tài nguyên quý giá và không thể thay thế được. Nước cũng đang là chủ đề đặc biệt quan trọng tại nhiều diễn đàn quốc tế. Những căng thẳng về nguồn nước đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp, xung đột, nhất là trong bối cảnh các quốc gia đẩy mạnh sử dụng nước cho phát triển kinh tế của riêng mình.

Với chủ đề “Hợp tác vì nước”, những ngày này Việt Nam cũng đang có nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày nước thế giới 22/3. Trên thực tế, mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực, song cho đến thời điểm này mới chỉ có 42% người dân nông thôn miền núi có nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Đây là nguyên nhân chính gây nên bệnh tật và đói nghèo cho nhiều vùng. Chính vì vậy, huy động nguồn lực xây dựng các công trình gắn với kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt cho khu vực này đang là trọng tâm của chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

 

 

Bài, ảnh: M.Toàn
 


.