Quản lý vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm: Những điều trông thấy

02:01, 28/01/2013
.

(QNg)- Đến tay người tiêu dùng, thịt gia súc, gia cầm (GSGC) trông thật "mát mắt" bởi màu đỏ au, tươi rói; còn nội tạng thì trắng phau. Nhưng nếu có dịp mục sở thị các điểm giết mổ thì chắc hẳn, nhiều người sẽ phải giật mình với vấn đề vệ sinh và chất lượng của loại thực phẩm này trước khi nó được đem ra thị trường.

Ngoài lò mổ tập trung ở Tịnh Hà (Sơn Tịnh) thì hiện nay, việc giết mổ GSGC vẫn thực hiện chủ yếu ở các điểm nhỏ lẻ. Cho nên, dù lượng GSGC ở tỉnh ta được giết mổ hằng ngày không nhiều (2-4 con heo và 2-5 con bò) nhưng các điểm giết mổ GSGC nhỏ lẻ vẫn chiếm phần lớn việc cung cấp thịt trên thị trường.  

 Bạ đâu vứt đó

Với lý do cần thịt sớm, chúng tôi được một bạn hàng vui vẻ dẫn đến lò mổ bò của ông Đ (Nghĩa Hành). Mới 2 giờ sáng nhưng 3 con bò béo núc đã bị hạ gục. Hai người đàn ông ước chừng 50 tuổi nhanh tay lột da, rồi thoăn thoắt lóc từng thớ thịt trông rất tinh tươm. Loáng cái, khoảng sân nhỏ đã chật kín sản phẩm từ thịt, xương đến nội tạng.

Điểm giết mổ gia cầm nhếch nhác, bẩn thỉu tại chợ đầu mối thành phố Quảng Ngãi.
Điểm giết mổ gia cầm nhếch nhác, bẩn thỉu tại chợ đầu mối thành phố Quảng Ngãi.


3 giờ sáng, không khí dần nhộn nhịp và tấp nập vì bạn hàng bắt đầu kéo đến lấy thịt. Nhìn đống thịt chưa kịp rửa nằm chễm chệ trên mặt sân đen ngòm, một số còn tràn ra cả nền đất và yên vị ở những vũng nước thải chưa kịp thoát mà tôi thấy buồn nôn. Chẳng bận tâm đến điều ấy, hơn chục người xúm lại, lựa chọn loại thịt mình cần. Thậm chí, có người còn tranh thủ thái thịt, rồi bỏ vào bịch ni lông để kịp giao cho các quán ăn. Cạnh bên, vài người đang vung búa "dần" xương, rồi thẳng tay vứt ra ngoài để các bà, các chị tha hồ chọn lấy. Thỉnh thoảng, chủ lò mổ chạy loanh quanh để kiểm tra việc mua bán và không quên "gửi" vào đống thịt, xương các loại chất thải từ đôi ủng cao su cũ rích, bẩn thỉu, hội hám. "Rửa lại là sạch hết. Có gì mà phải bận tâm. Ở đây là sạch đấy. Chứ ở một số lò khác, họ làm ẩu hơn nhiều", chị H., một bạn hàng lý giải.

Còn những điểm mổ heo, quy trình và mức độ mất vệ sinh cũng thật kinh khủng. Bởi, quanh những con heo bị phân mảnh là vũng nước không-còn-gì-đục-hơn bên cạnh các loại phế phẩm bốc mùi. Tuy nhiên, độ nhộn nhịp ở các lò mổ heo có phần kém hơn bò, vì tiểu thương không còn rủ nhau mổ rồi chia thịt như trước, mà mỗi người chọn cách tự xử lý 1-3 con heo/ngày để vừa có hàng bán tại chợ, vừa cung cấp cho bạn hàng là các quán ăn. Thế nên không có gì lạ khi mỗi ngày, người giết mổ trong một xã đã thịt tới 25-30 con heo để phục vụ thị trường.

Đáng ngại nhất vẫn là việc giết mổ gia cầm bởi nó diễn ra ở mọi lúc, mọi chợ. "Tôi chỉ việc vặt sạch lông là được. Chứ ở đây, nước đâu mà rửa cho sạch", bà H., người mổ gà, vịt thuê ở chợ đầu mối Quảng Ngãi (đoạn cầu Bầu Giang) cho hay. Nói đoạn, bà nhúng con gà mái "trần" vào chậu nước đục ngầu mà tôi chắc phải đến vài chục con gia cầm đã được nhúng trong ấy, trước khi bỏ vào túi ni lông để khách đến nhận. Chỉ trong vòng 15 phút, bà H. đã "lấy tiết" của hàng chục con gà, vịt giữa nền đất nhão nhoẹt, tanh tưởi-hỗn hợp của máu, nước thải và phế phẩm.

Rùng mình nội tạng sơ chế

Dẫu bị vứt lăn lóc dưới nền bẩn hay được nước thải "rửa" qua, thì suy cho cùng, thịt vẫn còn cơ-hội-sạch vì nó sẽ được người tiêu dùng (NTD) vệ sinh lại sau khi mua về. Chứ với nội tạng thì quả là khó. Bởi, với kiểu sơ chế siêu tốc rồi cho ra lò những món ăn thơm lừng thì mấy ai biết được lòng lợn, bò vẫn còn bám đầy chất thải? "5 người mà phải giải quyết 4-5 con bò trong một đêm thì lấy đâu thời gian để làm sạch bộ lòng. Mình chỉ tẩy phân, còn lại là việc của chủ quán", ông Đ. thú nhận. Có lẽ với suy nghĩ ấy mà chỉ thoáng chốc, đống nội tạng của 3 con bò đã nằm gọn trong giỏ, chờ bạn hàng đến cân. Và, theo tìm hiểu của chúng tôi thì hầu như các lò mổ bò, bộ lòng thường được bạn hàng mua sống nên việc sơ chế chúng bằng "vòi bơm nước" rồi cho vào bịch ni lông, lên xe dong thẳng đến các chợ hoặc quán ăn cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, ở nhiều điểm mổ heo thì khác, nội tạng được chế biến thành món lòng luộc ngay tại lò. Điều đáng nói là lòng được quẳng vào nồi nước "cốt" (dùng để nấu cháo-PV) sau khi người ta "làm sạch" bằng cách: Dùng tay vuốt mạnh để đẩy chất thải ra ngoài rồi rửa dưới vòi nước đang chảy! "Nước sôi thế này thì đố con vi khuẩn nào sống nổi", vừa nói, ông S-một người giết mổ có thâm niên 15 năm vừa thản nhiên đổ mớ lòng lợn vào nồi nước đang nghi ngút khói. Loáng một cái, lòng đã chín. Các chủ quán cũng bắt đầu kéo đến để lấy hàng. Căn bếp vốn nhỏ lại càng chật chội và bí bách bởi người đứng kẻ ngồi cùng tiếng nói cười, bàn tán rôm rả. Và, mớ âm thanh hỗn tạp ấy khiến họ quên mất sự hiện diện của đống phế thải cạnh bên mà gia chủ chưa kịp dọn dẹp!

Nguy cơ "lọt" thịt không an toàn

Một điều chúng tôi nhận thấy trong suốt những ngày thâm nhập tại các lò mổ bò ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) là vắng bóng cán bộ thú y. "Chuyện này bình thường, có mới là bất thường", một chủ lò mổ cho hay. Bởi theo ông này thì, cán bộ thú y cũng có tạt vào, hỏi thăm tình hình làm ăn rồi cấp cho cái phiếu mổ bò suốt… cả tuần hoặc lâu hơn. Nhưng đó là họ thị sát ban ngày, chứ lò mổ hoạt động từ lúc 1 giờ sáng thì ai mà buồn kiểm tra!. Nghe thế, tôi làm vẻ lo lắng vì mối của tôi kỹ lắm, họ chỉ nhận hàng khi bò có giấy kiểm dịch thì một người bán thịt ở tận chợ Thi Phổ (Mộ Đức) liền trấn an bằng câu khẳng định chắc nịch: "Không lo đâu em. Ở đây uy tín lắm. Toàn mổ bò ngon không à". Nhưng khi tôi hỏi: "Bằng cách nào mà biết chắc bò ngon" thì chị này nói gọn: "Nhờ kinh nghiệm bán thịt từ 10 năm nay"!

 

Không có dấu kiểm dịch trên bì, người tiêu dùng đối diện với nguy cơ mua phải thịt gia súc, gia cầm kém chất lượng. Ảnh: T.NHỊ
Không có dấu kiểm dịch trên bì, người tiêu dùng đối diện với nguy cơ mua phải thịt gia súc, gia cầm kém chất lượng. Ảnh: T.NHỊ


Với thịt heo, công tác kiểm soát càng khó vì số điểm giết mổ nhỏ lẻ rất lớn. Chỉ tính riêng một xã như Đức Hiệp (Mộ Đức) mà đã có hơn chục người hằng ngày giết mổ 20-30 con heo (bằng lượng heo được xử lý tại lò mổ tập trung của tỉnh, ở xã Tịnh Hà, Sơn Tịnh-PV). Và, con số này sẽ còn tăng trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới. Tuy nhiên, điều khiến người tiêu dùng lo ngại là cùng với việc "bỏ qua" công tác kiểm tra vệ sinh và an toàn trong giết mổ thì hiện nay, dấu kiểm dịch-"tem" an toàn trên bì lợn cũng đã… biến mất! Thế nên ở hầu hết các chợ (tập trung tuyến huyện, xã), thịt "trắng dấu" được bày bán tràn lan khiến người tiêu dùng chẳng phân biệt được đâu là tốt, đâu là xấu. "Thôi thì phó mặc vào uy tín của người bán hàng chứ giờ, gian thịt nào cũng thiếu "tem" hết mà", bà Nguyễn Thị Thu Hiền ở thôn Chú Tượng, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) bộc bạch.

Còn tại chợ Nghĩa Dõng (TP Quảng Ngãi)-chợ gia cầm lớn nhất tỉnh, người ta thường bắt gặp cảnh mua bán gà, vịt tấp nập, nhộn nhịp ngay cả… khi dịch cúm H5N1 xảy ra (như hồi đầu tháng 8/2012). Xảy ra tình trạng này, nguyên nhân được cho là phần vì các thương lái "chẻ" hàng, lén lút vận chuyển vào lúc sáng sớm hoặc nửa đêm gây khó khăn cho lực lượng chức năng; phần vì người tiêu dùng bàng quan với dịch. Tuy nhiên, nếu việc kiểm soát đầu vào của gia cầm được thực hiện chặt chẽ ngay tại chợ thì, liệu thương lái có dễ dàng thực hiện việc mua bán như thế?

Người tiêu dùng lãnh đủ

Thật ra, việc người tiêu dùng bị lừa, tiêu thụ phải thịt GSGC kém chất lượng giờ không còn là chuyện lạ. Thậm chí, dù biết rõ mười mươi rằng, người giết mổ ấy nổi danh với việc thu mua rồi bán cả thịt bò bệnh, lợn bệnh nhưng nhiều người cũng chỉ biết rồi nói với nhau nghe, chứ tuyệt nhiên không thông báo với lực lượng chức năng. "Cũng có báo nhưng sau khi bị nhắc nhở, xử phạt hành chính thì họ hoạt động và tiêu thụ trong vòng bí mật", một bà nội trợ cho hay. Còn với bà Đỗ Thị Hùng ở xã Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) thì cho rằng: "Đến lúc GSGC đã thành phẩm rồi thì đố ai biết được thịt nó tốt hay xấu, mắc bệnh hay không". Sự hoài nghi của bà Hùng là không phải không có cơ sở. Bởi với những điểm kinh doanh giết mổ GSGC không tập trung thì hàng thường được thu mua, vận chuyển theo kiểu "lãnh địa ai nấy hoạt động". Cách làm này giúp họ "tránh" được hai trạm kiểm dịch tại huyện Đức Phổ và Bình Sơn, tạo điều kiện để GSGC không đảm bảo chất lượng "lọt" sàn rồi thẳng tiến đến tay người tiêu dùng.

Với nội tạng-mảnh đất tiềm ẩn các loại bệnh thì vẫn có mặt đều đặn ở nhiều hàng quán và chợ. Tuy nhiên, với kiểu sơ chế "siêu tốc" tại lò mổ thì ai dám đảm bảo phế thải cùng vi khuẩn có hại ký sinh trong ấy đã được loại sạch? Vì vậy, tạm bỏ qua cái bẩn do bụi bặm, ruồi nhặng bu vào thì điều khiến người tiêu dùng quan tâm chính là "chất" bên trong những mớ lòng đang được giới thiệu là ngon và sạch kia. Bởi, "tôi lấy lòng đã được chế biến (luộc) sẵn tại lò rồi về bán kiếm lời, chứ thời gian đâu mà "xả" lại bấy nhiêu hàng", vừa nói, bà H., một người bán lòng lợn ở chợ Nghĩa Dõng (TP Quảng Ngãi) vừa phe phẩy chiếc quạt trên mâm nội tạng heo.

 

                  ***


Tết Nguyên đán đang đến rất gần, đồng nghĩa với lượng thịt GSGC trên thị trường gia tăng đột biến. Đây chính là cơ hội "vàng" để thịt GSGC kém chất lượng có dịp tung hoành. Do đó để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng cũng như tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đã đến lúc tỉnh ta cần phải mạnh tay hơn với việc quản lý vận chuyển, giết mổ GSGC.  


Bài, ảnh: M.H


.