Bao giờ núi Tròn hết bom mìn?

10:01, 30/01/2013
.

(QNg)- Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, song hậu quả do bom mìn để lại vẫn hết sức nặng nề đối với người dân xung quanh khu vực núi Tròn (Tịnh Sơn - Sơn Tịnh). Nhiều người sống xung quanh núi Tròn đã mất mạng, hàng chục người bị thương tật suốt đời. Và bài toán rà phá bom mìn hiệu quả vẫn chưa có lời giải đáp.

Hiểm họa nơi "núi chết"

Ông Nguyễn Văn Luận - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tịnh Sơn cho biết: Núi Tròn trước đây là căn cứ đóng quân của Mỹ - ngụy. Nơi đây từng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của quân giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mà đỉnh cao là chiến thắng Ba Gia oanh liệt. Để ngăn ngừa quân ta tập kích chiếm căn cứ, địch đã rải và cài rất nhiều bom mìn với đủ chủng loại như: Bom Bi, M83, M79, mìn Ríp ở khắp nơi trên núi. Việc gài mìn một vùng rộng lớn gây nguy hiểm cho quân và dân ta mỗi khi tiếp cận căn cứ của địch. Trong đó, mìn Ríp là một loại mìn cực kỳ nguy hiểm. Bọn địch dùng mìn này để bẫy bắt cán bộ, chiến sĩ ta hòng lấy tin tức. Bởi, một khi dẫm phải loại mìn này thì thường không mất mạng, nhưng bị cụt chân, cụt tay.  

 

Nguyễn Văn Đoàn, người hai lần là nạn nhân do bom mìn cũ sót lại.
Nguyễn Văn Đoàn, người hai lần là nạn nhân do bom mìn cũ sót lại.


Ông Nguyễn Hồng Nhân - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn cho biết: Sau chiến tranh, công tác rà phá bom mìn được Huyện đội Sơn Tịnh tích cực thực hiện. Tuy nhiên, do địa hình của núi Tròn hiểm trở, hơn nữa bom mìn còn sót lại trên diện tích rộng, nên vẫn chưa rà phá hết được. Đặc biệt là loại mìn Ríp rất khó rà phá, bởi chúng có cấu tạo rất đặc biệt. Vỏ mìn được làm bằng nhựa nên máy dò mìn không phát hiện được. Nhất là khi chúng nằm ẩn mình trong đất, hang đá, hoặc bụi rậm.

Chính vì thế mà trong khi nhiều loại bom mìn khác đã hoàn thành công việc rà phá thì mìn Ríp vẫn là một "ẩn số". Nguy hại hơn là loại mìn này có thời gian phân hủy rất lâu. Nhất là không hề thấm nước và mỗi lần bà con phát đốt rẫy, chúng cũng chỉ biến dạng khi gặp sức nóng chứ không hề phát nổ. Đặc tính của loại mìn này là chỉ phát nổ khi có lực va chạm, hoặc tương tác khi dẫm đạp lên nó. Vì vậy, loại mìn này là hiểm họa khôn lường đối với người dân quanh khu vực núi Tròn.

Biết loại mìn này nguy hiểm, nhưng người dân Tịnh Sơn vẫn chưa có cách nào thu gom xử lý được. Theo ghi nhận của PV thì hầu như năm nào tại khu vực núi Tròn cũng xảy ra tai nạn bom mìn. Người nhẹ thì cụt chân, thương tật suốt đời, khiến cho bao gia đình phải rơi vào cảnh bi đát.

Bao giờ hết bom mìn?

Ông Nguyễn Văn Đoàn ở đội 19 thôn Diên Niên, người hai lần dẫm phải mìn Ríp kể lại: Năm 1977, sau khi Huyện đội kết thúc đợt rà phá bom mìn, ông lên núi nhặt củi, nhưng không may đạp phải mìn Ríp và mìn đã "lấy đi" chân trái của ông. Đến năm 1991, trong một lần phát rẫy dưới chân núi để trồng cây, ông lại đạp phải mìn Ríp và thế là ông mất chân còn lại. Từ đó đến nay, mọi sinh hoạt của ông đều gắn liền với chiếc xe lăn.

Cách nhà ông Đoàn không xa là nhà của bà Nguyệt, ông Ba Nhì, những "thương binh" do mìn Ríp gây ra. Nếu ai không quen biết, hoặc từ nơi xa tới sẽ nghĩ rằng họ là những thương binh. Nhưng thực ra, họ chỉ là nạn nhân do bom mìn để lại. Một thực tế đáng buồn cho một vùng quê vốn chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, giờ luôn phải gồng mình gánh thêm hậu quả do bom mìn để lại. Tất cả những người dẫm đạp lên mìn Ríp ở khu vực núi Tròn đều có hoàn cảnh khó khăn.

Theo thống kê của xã Tịnh Sơn, từ năm 1975 đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra hơn 10 trường hợp chết, hơn 30 người bị thương tật vĩnh viễn do bom mìn gây ra. Trong đó chủ yếu vẫn là ở đội 19, thôn Diên Niên. Mới đây nhất vào khoảng tháng 10/2012, một nhóm 4 thanh niên ở huyện Sơn Hà lên núi Tròn đốt ong đạp phải mìn Ríp, hậu quả là một người mất chân.

 Ông Nguyễn Hồng Nhân - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn kiến nghị:  Chứng kiến cảnh hằng năm ở Núi Tròn đều xảy ra tai nạn bom mìn do chiến tranh để lại, chính quyền xã đã nhiều lần gửi công văn xin Huyện đội Sơn Tịnh về tổ chức rà phá bom mìn. Tuy nhiên, việc rà phá cũng chỉ thực hiện theo phương pháp cũ nên không đạt hiệu quả. Do đó, nỗi lo dẫm đạp phải bom mìn ở khu vực núi Tròn cứ đeo bám mãi người dân nơi đây mà chưa biết đến khi nào mới được tháo gỡ.
Ở xã Tịnh Sơn, ai cũng biết hiểm họa bom mìn luôn rình rập, nhưng vì mưu sinh, hằng ngày họ vẫn phải chấp nhận hiểm nguy, mạo hiểm lên núi khai hoang, phát rẫy trồng cây, chăn thả gia súc. Vì vậy việc rà phá mìn Ríp ở núi Tròn mong sớm được các ngành chức năng giải quyết.


Bài, ảnh: Thanh Sa
 


.