Hơn 5 năm vác đơn kêu oan

01:12, 25/12/2012
.

(QNg)- Bản án có hiệu lực và đã được thi hành cách đây hơn 5 năm. Và cũng ngần ấy năm, người bị thi hành án vẫn một mực kêu oan và nhận được sự đồng tình ủng hộ của rất nhiều hộ dân trong khu dân cư. Vì sao lại có chuyện này?
 

"UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Uỷ ban Tư pháp của Quốc Hội xem xét, có ý kiến đề nghị Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao chỉ đạo kiểm tra, xem xét đối với Bản án số 13/2006/DSPT ngày 2/3/2006 của TAND tỉnh Quảng Ngãi. Trong trường hợp không kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị TAND tối cao làm sáng tỏ, giải thích cụ thể cho địa phương bằng văn bản về những vấn đề mà bà Lâm Thị Bông còn hoài nghi về các chứng cứ và lập luận không đồng tình với Bản án"- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa.

Năm 2001, bà Lâm Thị Chình phát sinh tranh chấp đất với bà Lâm Thị Bông (SN 1947) và bà Lâm Thị Cúc (đều là con của cụ Nguyễn Thị Thêm) ở phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi. Theo hồ sơ địa chính, thửa đất mà các bên phát sinh tranh chấp có chung một nguồn gốc, nhưng đã được phân chia ranh giới rõ ràng, các bên sử dụng ổn định, thực hiện nghĩa vụ thuế cho Nhà nước và được đề nghị cấp giấy chứng nhận năm 1991.

 

Năm 2000, Nhà nước có thu hồi và đền bù một phần đất của những hộ trên để mở đường Nguyễn Du, nhưng cũng không có bên nào khiếu nại. Do đó, UBND tỉnh đã có quyết định bác đơn của bà Chình (uỷ quyền cho con gái đứng tên là Nguyễn Thị Quyên) yêu cầu bà Cúc trả lại quyền sử dụng đất. Thế nhưng, vụ việc tranh chấp giữa bà Chình với bà Bông lại được Toà án thụ lý. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 13/2006 đã đồng ý đơn yêu cầu của bà Chình, buộc vợ chồng bà Bông, ông Trĩ trả lại 550,5m2 đất tại thửa 989 cũ (số hiệu mới là 445, 440 và một phần thửa 446 -bản đồ đo vẽ năm 1993).

 

Bà Bông ngày càng già yếu bên ngôi nhà xuống cấp.
Bà Bông ngày càng già yếu bên ngôi nhà xuống cấp.


Không đồng tình với nội dung bản án, vợ chồng bà Bông liên tục phát sinh đơn kêu oan từ đó đến nay. Tuy nhiên, do bản án đã có hiệu lực pháp luật nên ngày 12/10/2007, Cơ quan THA dân sự thành phố Quảng Ngãi đã tiến hành cưỡng chế bàn giao QSDĐ cho bà Chình.

 

Đến ngày 22/1/2008, UBND thành phố cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Quyên (con gái bà Chình) đối với phần diện tích đất toà đã tuyên xử. Phần đất này sau đó được chuyển nhượng cho bà Huỳnh Thị Phúc. Lúc này, vụ việc trở nên phức tạp, bà Bông tiếp tục gửi đơn kêu oan, đồng thời chống đối quyết liệt việc sử dụng đất của bà Phúc. Còn bà Phúc thì cho rằng đã có đầy đủ giấy tờ hợp pháp nên liên tục trong năm 2010 và 2011 đã huy động hàng chục đối tượng đến trấn áp gia đình bà Bông để tiến hành xây dựng, gây mất trật tự nghiêm trọng tại địa phương, buộc cơ quan công an thành phố phải vào cuộc xử lý.     

Theo vợ chồng bà Bông, cơ sở để gia đình bà kêu oan là: Bản di chúc lập ngày 11/7/1991 với diện tích 2.950m2 là không có thật. Lẽ ra, bản di chúc này phải được giám định trước khi xét xử, nhưng toà không làm mà vẫn lấy đó làm chứng cứ để xét xử là không đúng. Đồng thời, trong quá trình xét xử, toà không sử dụng thông tin trong sổ kê khai đăng ký ruộng đất (mẫu 5b) mà lại sử dụng số liệu trong đơn kê khai của bà Chình. Mặt khác, việc bà Bông sử dụng đất ổn định từ năm 1978, đã làm nghĩa vụ của người sử dụng đất và có tên trong sổ 5b thì căn cứ vào điều khoản nào của Luật Đất đai năm 2003 mà toà lại tuyên xử chấp nhận đơn yêu cầu đòi lại đất của bà Chình...

Trong công văn gửi TAND tối cao tháng 2/2012, TAND tỉnh cũng đã ghi nhận điều này: "...gia đình đương sự (bà Bông) khiếu nại với thái độ vô cùng bức xúc và gửi kèm nhiều tài liệu mới bổ sung nên TAND tối cao cần xem xét, giải quyết để đảm bảo trật tự xã hội tại địa phương...".

Điều đáng nói ở đây là, việc kêu oan của vợ chồng bà Bông đã nhận được sự đồng tình rất lớn của người dân tổ dân phố 4, phường Nghĩa Chánh. Trong đơn gửi các cơ quan chức năng họ cho rằng Bản án dân sự phúc thẩm số 13/2006 là oan sai cho gia đình bà Bông nên đã tham gia cản trở việc sử dụng đất của bà Phúc. Nghiêm trọng hơn là, trong cùng một hệ thống pháp luật mà giữa cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp lại đưa ra kết quả nhận định, xử lý khác nhau trong vụ tranh chấp đất giữa bà Chình với bà Cúc, bà Bông. Do đó, chính quyền địa phương thật sự lúng túng không thể đưa ra biện pháp kiên quyết xử lý đối với bà Bông, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Phúc. Chính vì thế nên vụ việc này đã trở thành điểm nóng, phức tạp tại địa phương kéo dài từ nhiều năm nay. Đây cũng chính là lý do để UBND tỉnh kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương chỉ đạo xem xét lại Bản án dân sự phúc thẩm số 13/2006 của TAND tỉnh Quảng Ngãi.


Bài, ảnh: Đức Nguyễn

 


.