Tình yêu thương với trẻ khuyết tật

03:11, 22/11/2012
.

(QNg)- Khác với dạy học ở các trường phổ thông, đối với giáo viên ở Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh, nỗi vất vả của họ là không thể kể hết. Những năm qua, các thầy cô nơi đây đã không quản khó nhọc để ngày ngày lặng lẽ chở những chuyến đò ấm áp đầy tình thương đưa bao thế hệ học trò kém may mắn có điều kiện hòa nhập cộng đồng, giúp các em có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Cô Nguyễn Thị Xếp, quê ở tỉnh Thanh Hóa, vì điều kiện công tác đã chọn Quảng Ngãi làm quê hương thứ hai để sinh sống và làm việc. Trải qua một thời gian dài dạy học ở Trường tiểu học thị trấn Minh Long, năm 2007 cô chuyển về dạy ở Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh. 6 năm gắn bó với các em học sinh là ngần ấy năm cô Xếp trải nghiệm với nhiều cảm xúc, kỷ niệm khó quên.

 

Cô Nguyễn Thị Xếp đang hướng dẫn học trò tô những nét chữ đầu tiên.
Cô Nguyễn Thị Xếp đang hướng dẫn học trò tô những nét chữ đầu tiên.


Có dịp dự tiết học lớp 1B-lớp khó khăn về học do cô Xếp đảm trách, tôi mới hình dung được phần nào những vất vả của nghề giáo viên ở đây. Lớp học có 10 học sinh, nhưng em nào cũng "bệnh này tật nọ". Tôi nhìn em học sinh Hoàng Bảo Ân (15 tuổi), vẫn đang miệt mài tập viết những chữ cái đầu tiên của học sinh lớp 1, mới không khỏi xót xa, bởi sự thiệt thòi của các em khuyết tật tại đây. Vừa cầm tay giúp học trò tô những nét chữ còn ngoằn nghèo, cô Xếp cho hay: Lúc đầu vào trường, Ân chỉ ngồi thu mình một góc, cả ngày không nói tiếng nào, đôi mắt vô hồn nhìn vào khoảng không.

Hay như em Hoàng Minh Quân lúc mới vào thường đánh bạn, ném bút chì vào người cô, giành viết của bạn… nay đã biết nghe lời và có thể chào thưa lễ phép. Em biết nói những câu biểu lộ cảm xúc: "Ô ….ếp.. inh"; hay "e uốn i è" (cô Xếp xinh; em muốn đi tè). Nghe được những câu bộc lộ cảm xúc như vậy, cô Xếp đã cảm động rơi nước mắt vì vui sướng. Đó là kết quả của những ngày dài luyện tập, đầy những giọt mồ hôi mặn chát của cô và trò.

Đối với những trẻ bình thường, cô giáo chỉ cần nói một hoặc hai lần là trẻ hiểu. Nhưng đối với những trẻ khuyết tật ở đây thì giáo viên phải lặp đi, lặp lại rất nhiều lần, phải cầm tay từng em chỉ vào đồ dùng, hình ảnh nhiều lần, các em mới có thể nhận biết và ghi nhớ. Đa số những trẻ này đều có chung một điểm "lâu nhớ nhưng mau quên". Do đó, để dạy được những trẻ này thì người giáo viên cần phải có tính kiên nhẫn. Học sinh ở đây đủ mọi dạng tật khác nhau, với các chứng bệnh như chậm phát triển, bại não, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ… Chuyện các em vừa học vừa vệ sinh trong lớp, hay đánh bạn, đánh cả giáo viên là chuyện "bình thường". "Dạy học và chăm sóc cho học sinh khuyết tật, nếu không có tình yêu thương, lòng kiên trì nhẫn nại thì khó có thể làm được" - Cô Xếp tâm sự.

Còn với cô Trần Thị Ngọc Trâm, quê ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức) là một trong 4 giáo viên đầu tiên của trường. 7 năm đứng lớp là quãng thời gian cô gắn bó, chia sẻ nhiều buồn- vui cùng học trò và coi chúng như chính người thân trong một mái nhà. Là giáo viên dạy trẻ khiếm thính, điều khó khăn nhất mà cô trải qua là luôn phải sáng tạo trong các phương pháp giảng dạy để các em hiểu được ngôn ngữ qua các cử chỉ, hình ảnh phù hợp với sự tiếp thu của riêng từng em. Thời gian đầu giảng dạy cô chưa có nhiều kinh nghiệm, nên chưa hiểu được tính nết học trò. Nên cô càng quyết tâm dạy bảo để giúp các em vơi đi nỗi đau bệnh tật.

Đối với học sinh lớp 4  khiếm thính, cô Trâm không chỉ là cô giáo nâng bước các em trên hành trình tìm đến ánh sáng tri thức, mà cô còn là người mẹ thứ hai, là chỗ dựa tinh thần của các em. Chủ nhiệm lớp 4 năm liên tiếp, cứ mỗi học sinh cô nắm rõ hoàn cảnh, tính cách từng em. Thiệt thòi nhất là các em chưa một lần được biết đến ngày sinh nhật, nên để giúp các em vơi bớt thiệt thòi, cô tự bỏ tiền túi để tổ chức sinh nhật cho riêng mỗi em… Chính vì những gắn bó như vậy, nên khi giờ ra chơi, tôi nhìn thấy học sinh khiếm thính của cô đang ngồi hí hoáy viết thiệp, có em tự cắt dán những tấm thiệp nhỏ xinh để chuẩn bị dành tặng cô giáo nhân ngày 20/11. Tôi hiểu hơn về những tình cảm thiêng liêng mà thầy trò ở đây dành cho nhau.

Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh hiện có 16 giáo viên. Trường đang giáo dục và chăm sóc cho 80 trường hợp từ 6 đến 18 tuổi, thuộc nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Đa số các em là con hộ nghèo. Tại đây, hiện có 3 lớp dành cho trẻ bị thiểu năng trí tuệ và 6 lớp học cho trẻ bị khuyết tật nghe, nói. Có đến đây mới cảm nhận được sự miệt mài, kiên nhẫn mà không phải ai cũng làm được. Dạy cho các em học sinh bình thường tiếp thu bài học tận tường, chu đáo đã khó, thì việc dạy cho các em khuyết tật tiếp thu kiến thức bằng ngôn ngữ giao tiếp rất đặc biệt lại khó gấp bội. Vậy mà không một ai bỏ cuộc, không một ai chùn bước. Thay vào đó là những nụ cười, ánh mắt rạng rỡ của thầy lẫn trò.

Cầm trên tay tấm thiệp cũ của học trò cô Trâm đưa chúng tôi xem. Dù giấy đã úa màu, nét chữ ngoằn nghèo vụng về với lời chúc: "Chúng em chúc cô 20/11 vui vẻ và mạnh khỏe". Cô Trâm lặng lẽ quay ra sau giấu những giọt nước mắt đang rơi.


KIM NGÂN
 


.