Thực thi pháp luật về An toàn vệ sinh lao động: Vấn đề cần được quan tâm

09:11, 22/11/2012
.

(QNg)- Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã có sự quan tâm đúng mức đến công tác ATVSLĐ, giúp người lao động phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc cho bản thân và gia đình.


Nâng cao nhận thức pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), hàng năm LĐLĐ tỉnh phối hợp với Sở LĐTB&XH tổ chức nhiều lớp tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ và cấp phát trên 1.000 tờ rơi, tranh, ảnh tuyên truyền cho các đối tượng là những người làm công tác quản lý lao động, người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nhằm đổi mới công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, năm 2011 LĐLĐ tỉnh đã tổ chức Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi với trên 100 an toàn vệ sinh viên tại các doanh nghiệp tham gia.

Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi do LĐLĐ tỉnh tổ chức năm 2011.
Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi do LĐLĐ tỉnh tổ chức năm 2011.


LĐLĐ tỉnh đã phân công 1 cán bộ công đoàn chuyên trách về ATVSLĐ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh (gồm: LĐLĐ tỉnh, Sở LĐTB&XH, Sở Y tế, Công an PCCC, Cứu hộ cứu nạn tỉnh) tiến hành kiểm tra việc thực hiện pháp luật ATVSLĐ, PCCN tại các doanh nghiệp. Mỗi năm đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức từ 20- 40 cuộc kiểm tra với các nội dung: Quản lý, kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy móc, thiết bị, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, công tác huấn luyện cấp thẻ an toàn cho đối tượng lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, việc thực hiện các chế độ chính sách và các biện pháp đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho người lao động. Qua kiểm tra cho thấy, 100% doanh nghiệp nhà nước, 50- 56% công ty cổ phần, công ty TNHH thực hiện tốt công tác này.

Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy việc quản lý, thực thi pháp luật ATVSLĐ vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tiềm lực công nghiệp của tỉnh còn thấp. Hầu hết các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ còn sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu, nhà xưởng sản xuất thô sơ, thiếu khả năng đầu tư cải thiện môi trường làm việc và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ để chăm lo, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người lao động. Vì vậy, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động vẫn còn cao.

Từ năm 2008- 2012 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 33 vụ tai nạn lao động, làm chết 22 người, bị thương nặng 28 người. Tuy nhiên, số liệu này chưa phản ánh đúng tình hình tai nạn lao động đã diễn ra trong thực tế, nhiều doanh nghiệp có hành vi che giấu, không khai báo khi có tai nạn lao động xảy ra. Nguyên nhân là do người lao động làm việc không đúng quy trình, nhận thức về ATVSLĐ còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục người lao động chấp hành tốt nội quy an toàn lao động, quy trình làm việc an toàn, quy trình vận hành an toàn đối với máy, thiết bị chưa kịp thời. Đối với doanh nghiệp, do thiếu vốn đầu tư mua sắm, thay đổi thiết bị, công nghệ hiện đại, muốn thu hồi vốn nhanh đã đầu tư thiếu bền vững và tìm cách cắt xén chế độ, chính sách BHLĐ của người lao động. Hệ thống pháp luật về ATVSLĐ chưa hoàn chỉnh, nhiều doanh nghiệp đã lách luật nhằm trốn tránh trách nhiệm; không đầy đủ các nội dung theo quy định, không tổ chức quản lý hồ sơ kỹ thuật, kiểm định, đăng ký các thiết bị máy móc và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Việc khai báo, điều tra tai nạn lao động đối với doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp thực hiện tốt công tác này với hơn 3.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật ATVSLĐ, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, điều tra, xử lý các vụ tai nạn lao động. Hướng dẫn các CĐCS xây dựng thoả ước lao động tập thể có nội dung về chế độ, chính sách BHLĐ, ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người lao động nâng cao nhận thức chấp hành nghiêm nội quy ATLĐ, pháp luật ATVSLĐ; từng bước làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, 5 năm qua, có 4.938 giải pháp của người lao động được vào ứng dụng vào thực tiễn sản xuất đem lại lợi ích kinh tế, cải thiện điều kiện làm việc và giảm nhẹ sức lao động.


       Bài, ảnh: Kim Huệ
 


.