Quan tâm hơn đến "người gác cửa"

10:11, 06/11/2012
.

(QNg)- Năm 2012, UBND tỉnh chỉ đạo ngành tư pháp tập trung nâng cao chất lượng công tác tham mưu trong quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật trên địa bàn. Với ý thức trách nhiệm cao, Sở Tư pháp tỉnh đã làm tốt vai trò "người gác cửa" cho UBND tỉnh...

Tham mưu tốt, "thổi còi" kịp thời

Năm 2012, Sở Tư pháp đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho UBND tỉnh trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ tính riêng lĩnh vực tư pháp, năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành 5 văn bản quy phạm pháp luật, trình HĐND tỉnh ban hành 3 nghị quyết. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã thẩm định đúng tiến độ, kịp thời 160 dự thảo văn bản quy phạm gồm 28 nghị quyết, 126 quyết định và 6 chỉ thị. Đồng thời kiểm tra công tác ban hành văn bản tại 3 huyện là Bình Sơn, Tây Trà và Lý Sơn với 27.816 văn bản.

Cán bộ “một cửa” Sở Tư pháp kiểm tra, rà soát tính hợp pháp của hồ sơ hộ tịch có yếu tố nước ngoài để giải quyết trả kết quả cho người dân.
Cán bộ “một cửa” Sở Tư pháp kiểm tra, rà soát tính hợp pháp của hồ sơ hộ tịch có yếu tố nước ngoài để giải quyết trả kết quả cho người dân.


Qua thực hiện công tác tham mưu, Sở đã từ chối thẩm định 15 dự thảo văn bản quy phạm vì chưa tuân thủ đúng quy trình tổ chức lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân liên quan và ý kiến của cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính. Riêng hoạt động kiểm tra văn bản, Sở đã kịp thời "thổi còi" huyện Tây Trà, Bình Sơn và Lý Sơn đề nghị xử lý 17 văn bản quy phạm và 6 văn bản cá biệt có chứa nội dung quy phạm sai về thẩm quyền ban hành, nội dung quy định, căn cứ pháp lý và hình thức văn bản. Bên cạnh đó, qua kiểm tra 27 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND 14 huyện, thành phố trong tỉnh gửi đến trước khi ban hành đã kịp thời phát hiện, thông báo cho địa phương xử lý 3 trường hợp ban hành văn bản có sai sót về nội dung và vượt thẩm quyền.

Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản, trong năm Sở Tư pháp đã thực hiện công tác này trên hai lĩnh vực là bán đấu giá tài sản và môi trường. Đối với lĩnh vực bán đấu giá tài sản đã rà soát 39 văn bản do UBND tỉnh ban hành từ năm 1989 đến 2011, xác định 7 văn bản không còn hiệu lực hoàn toàn, 21 văn bản còn hiệu lực nhưng cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, 8 văn bản hết hiệu lực, 3 văn bản cần hủy bỏ. Hiện nay, Sở đang tiếp tục hoàn thiện việc rà soát 50 văn bản thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, để tham mưu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ những quy định không phù hợp, hết hiệu lực thi hành.    

Chính vì vậy, tại buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác tư pháp năm 2012, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn đã đánh giá: "Quảng Ngãi có bước tiến đáng kể trong xây dựng pháp luật, đảm bảo tính thực tế, tính khả thi; công khai, minh bạch, tạo điều kiện để người dân tham gia hoạt động xây dựng thể chế, góp phần làm cho pháp luật phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhà nước".

 Cần quan tâm hỗ trợ

Mặc dù nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng công tác "gác cửa" của Sở Tư pháp hiện vẫn còn nhiều khó khăn, cần thiết phải được quan tâm hỗ trợ từ nhiều phía. "Cái khó" lớn nhất trong hoạt động rà soát văn bản là công việc khá phức tạp, kéo dài thời gian thực hiện; đồng thời, yêu cầu phải có đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu; sự phối hợp của nhiều sở, ngành liên quan. Trong khi đó, lĩnh vực này của HĐND và UBND tỉnh chỉ có Sở Tư pháp thực hiện, nên không đủ nhân lực và thời gian tập trung thường xuyên; pháp luật quy định về hoạt động rà soát văn bản hiện chưa đồng bộ, rõ ràng đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai thực hiện công tác này.

Đối với cấp huyện và xã, hiện nay còn nhiều địa phương tham mưu xây dựng và thi hành pháp luật hiệu quả chưa cao, nhất là soạn thảo, thẩm định, góp ý, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm. Tồn tại này theo UBND tỉnh là do việc bố trí, kiện toàn lại đội ngũ công chức tư pháp chậm; đồng thời chưa dành sự quan tâm đúng mức cho công tác văn bản. Thậm chí có một số địa phương, đơn vị còn chưa bố trí kinh phí cho công tác này hoặc bố trí nhưng lồng ghép với kinh phí chung của các hoạt động văn hóa xã hội khác.

Riêng công tác pháp chế, mặc dù đến nay tỉnh đã xây dựng xong phương án kiện toàn cơ quan pháp chế trình Bộ Nội vụ xem xét. Tuy nhiên, về biên chế của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không quy định phòng pháp chế hoặc biên chế chuyên trách làm công tác pháp chế vì vậy rất khó có cơ sở để triển khai thực hiện xây dựng bộ máy cơ quan pháp chế. Hiện tại, biên chế năm 2012 tỉnh không bố trí cho công tác pháp chế, nên việc kiện toàn cơ quan pháp chế phải đưa vào kế hoạch 2013.

Không chỉ "người gác cửa" của UBND tỉnh cần sự quan tâm mà với chức năng, thẩm quyền đã được phân cấp, các cơ quan tư pháp địa phương cũng rất cần "người chủ quản" là UBND huyện, thành phố quan tâm đến biên chế, kinh phí. Đó là sự quan tâm cần thiết nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật trên địa bàn.


Bài, ảnh:THANH NHỊ
 


.