Người "vác tù và hàng tổng"

06:11, 26/11/2012
.

(QNg)- Không có bất kỳ nguồn trợ cấp nào, nhưng cụ Bùi Út, trưởng khu dân cư Gành Cả (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, Bình Sơn) vẫn ngày đêm lặng lẽ làm tốt công tác vận động, hoà giải của mình. Điều duy nhất níu cụ làm cái  việc "vác tù và hàng tổng" này đơn giản chỉ là tấm lòng vì xóm làng quê hương.

Tìm đến nhà  lần thứ 3 mới gặp được cụ Út. Vẫn minh mẫn ở cái tuổi 82, cụ Út mỉm cười khẳng khái: "Tôi cứ đi lòng vòng khắp xóm, hiếm khi ở nhà. Đôi chân còn đi được ngày nào, thì cứ đi thôi...".
 
Đôi chân không mỏi

Ngót 20 năm gắn bó với công việc mà cụ vẫn nói đùa rằng đó là công việc hai không: Không phụ cấp và không phương tiện. Thế nhưng cụ Út chưa một lần nản lòng. Không có phương tiện để đi lại thì đi bộ. Đôi chân của cụ in dấu trên khắp hang cùng ngõ hẻm của vạn Gành Cả.

Mỗi khi cần thông báo tin tức mới, cụ Út lại lấy chiếc loa ra làm bạn đồng hành.
Mỗi khi cần thông báo tin tức mới, cụ Út lại lấy chiếc loa ra làm bạn đồng hành.

Xóm Gành Cả có khoảng 250 nóc nhà thì cụ Út thuộc làu từng ngôi nhà, từng cái tên chủ hộ. Bởi trong suốt quãng thời gian làm trưởng khu dân cư của mình, nhà nào cụ cũng đến. Khi thì đến hoà giải, lúc lại tuyên truyền chính sách mới hoặc vận động bà con. Mới đây nhất là lần vận động mọi người trong xóm đóng tiền làm đường bê tông để thuận tiện cho việc đi lại. Từ lúc vận động đến khi con đường được đưa vào thi công là cả một hành trình khó nhọc của người trưởng khu dân cư cần mẫn. Từ giữa trưa đến chập choạng tối, là khoảng thời gian cụ lặn lội đến từng nhà để vận động đóng góp.

Thế nhưng, ngày nhìn thấy đường bê tông phẳng lì, cụ Út lại hồ hởi: "Làm công việc này là thế đấy! Tuy vất vả, nhưng khi nhìn thấy thành quả, thấy bà con đi lại được thuận tiện hơn, là trong lòng lại thấy vui!"

Rồi cụ chỉ cho tôi xem, phương tiện "tác nghiệp" tự chế của mình. Đó là một chiếc loa cũ kỹ, 1 bộ âm ly và chiếc micro đã hoen rỉ. "Nhìn thế thôi, nhưng là vật bất ly thân của tôi đấy! Ngày trước, mỗi lần có thông báo mới là tôi phải lặn lội đến tận nhà. Nay thì chỉ cần vác nguyên bộ này, đến nhà một vài người, xin cắm nhờ ổ điện rồi nói qua micro, thế là cả xóm cùng nghe", cụ Út say sưa giải thích.

Bất chấp trở ngại

Không phải lúc nào, những hy sinh thầm lặng của cụ Út cũng được bà con trong xóm thông cảm và thấu hiểu. Đôi lúc, gác lại chuyện riêng để đi làm chuyện  công, mà cụ còn bị trách móc vì "xen vào chuyện người khác".

Nhớ lại những kỷ niệm "cười ra nước mắt", cụ Út bồi hồi: "Cái khổ nhất khi đi làm việc chung là hoà giải. Bởi, ai cũng muốn mình đúng nên chẳng những hoà giải không thành, mà còn bị vạ lây". Nhiều phen đi hoà giải, không chỉ mất công lên xuống cả chục lần, mà cụ Út còn bị hành hung, do các bên đang căng thẳng, không giữ được bình tĩnh. Có lần, cụ còn bị chủ nhà xông vào bóp cổ. "Lúc người ta thả tay ra, nước mắt tôi cứ thế mà tuôn do bị ngạt thở. Nhưng sau đó, tôi lại tiếp tục khuyên tiếp nên hai người đó phải chào thua. Hoà giải xong đến mãi sau này, lúc nào gặp lại nhau, ai nấy đều cười nắc nẻ khi kể lại kỷ niệm đó. Cùng xóm, cùng làng cả mà!" - cụ Út nhớ lại.

Rồi cả cái lần cụ vận động bà con trong xóm làm cống thoát nước để tránh tình trạng ngập nước vào mùa mưa lũ. Nhận thấy được lợi ích, nhiều người nghe xong, bắt tay vào đóng góp để xây dựng ngay, nhưng có một số người lại phản đối quyết liệt. "Một số người còn mê tín. Họ sợ đào cống, phạm phải long mạch rồi sẽ gặp tai ương, nên phản đối đến cùng", cụ Út giãi bày. Thế nên khi cụ Út đang đứng giám sát việc đào cống thoát nước, một số hộ dân quá khích đã bắt cụ trói lại rồi dẫn lên UBND xã Bình Châu. Phải được các cán bộ xã khuyên can, phân tích đúng sai, cụ Út mới được cởi trói trở về nhà.

Tưởng rằng cụ Út nản lòng sau đợt ấy, thế nhưng cụ vẫn hăng say tiếp tục công việc của mình. Nhắc về chuyện bị trói, cụ cười giòn tan: "Do tôi thuyết phục chưa kỹ mà. Với lại sau đó, anh em thấy lợi ích hoạt động của cống thoát nước nên đến nhà xin lỗi tôi, kêu tôi bỏ qua". Rồi cụ lại cười xoà, cùng làng với nhau, ngày xưa còn uống chung 1 giếng nước, thì giận nhau làm gì.

***


Chiều xuống, cụ Út khệ nệ vác chiếc loa ra để chuẩn bị cho công việc thường nhật của mình. Cụ vừa lau chùi chiếc loa, vừa tần ngần ao ước: "Tôi chẳng ước mong mình được trả công hậu hĩnh, cũng chả cần xe cộ để đi lại làm gì. Vì tôi còn khoẻ, tôi còn đôi chân. Chỉ mong sao có chiếc loa cầm tay gọn nhẹ, có thể vừa đi vừa nói được. Chứ vác nguyên cái loa, thêm bộ âm ly thế này, chạy tới nhà này nhà kia xin cắm nhờ ổ điện, đôi lúc sức già tôi cũng mỏi lắm!"...


Bài, ảnh: Ý THU
 


.