Giải pháp nào cho học sinh biết bơi và tránh chết đuối

09:11, 05/11/2012
.

(QNg)- Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế và Tổ chức Unicef, hàng năm trên cả nước có khoảng 3.500 trẻ em bị chết đuối. Trong đó tỉnh Quảng Ngãi cũng không tránh khỏi sự rủi ro ấy. Để hạn chế đến mức tối đa trẻ em  bị tai nạn này cần hai khâu trọng yếu là dạy cho trẻ biết bơi và biết cách phòng tránh. Nói thì dễ nhưng làm được điều đó là rất khó.

TIN LIÊN QUAN


Trở lại cuộc sống ngày trước, nếu là trẻ em ở đô thị có thể học bơi nơi hồ bơi nhưng với số lượng ít ỏi. Số em còn lại nếu gần sông hồ thì tự học bơi lẫn nhau, trốn cha mẹ đi tắm, để rồi nhiều em biết bơi và cũng có trẻ bị chết đuối. Đối với nông thôn, "trường học bơi" là những bến sông, ao, hồ. Trẻ vừa chăn trâu vừa vui đùa học bơi lẫn nhau, em này dạy em kia hay người lớn trong gia đình, làng xóm dạy chúng. Nhờ thế mà khá nhiều trẻ nông thôn biết bơi, nhất là những khu vực gần sông nước. Trẻ em vùng ven sông, ven biển hầu như tất cả đều biết bơi và bơi giỏi mặc dầu không đúng với kỹ thuật bơi hiện đại. Nhưng cũng từ cách học ấy, nhiều em đã phải trả giá, từ bỏ cuộc sống ngay lúc còn thơ dại.

Hàng chục người lội sông tìm kiếm xác các nạn nhân trong vụ tai nạn đường sông xảy ra ở xã Phổ Quang (Đức Phổ) ngày 28/10/2012. Ảnh: T.SỰ
Hàng chục người lội sông tìm kiếm xác các nạn nhân trong vụ tai nạn đường sông xảy ra ở xã Phổ Quang (Đức Phổ) ngày 28/10/2012. Ảnh: T.SỰ


Trong điều kiện hiện tại, Nhà nước chưa đủ khả năng xây hồ bơi cho các nhà trường và những đầu tư khác xung quanh việc dạy bơi cho học sinh thì có thể vận dụng tích cực những gì hiện có từ truyền thống đến hiện đại. Đối với ngành giáo dục cần chỉ đạo các nhà trường giáo dục học sinh ý thức và những kỹ năng phòng tránh đuối nước. Coi đó như một phần bắt buộc trong chương trình học. các địa phương cần đầu tư cơ sở hồ bơi và tăng cường công tác dạy bơi tại các trung tâm thể dục thể thao tỉnh, thành phố, huyện.

Điều tra quy hoạch địa bàn và khuyến khích tư nhân mở trung tâm dạy bơi, có hồ và đội ngũ huấn luyện viên, người bảo vệ đạt tiêu chuẩn. Việc này đòi hỏi cấp có thẩm quyền cần cấp giấy phép hạn chế số lượng, chỉ nên cấp cho những cơ sở đạt tiêu chuẩn. Không để việc hồ bơi mọc lên tràn lan tùy tiện, nhằm giúp người đầu tư kinh doanh lâu dài thu được lợi nhuận.

Có thể đưa ra tiêu chuẩn học sinh hết THCS vào lớp, nếu có giấy chứng nhận đã qua khóa huấn luyện bơi thì được cộng điểm khuyến khích như nghề phổ thông vậy. Làm như thế thì cha mẹ các em sẽ dành một khoản kinh phí gia đình cho con học bơi, hoặc tự giúp con học bơi. Các trung tâm TDTT tỉnh, thành phố hay huyện có thể kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho những em biết bơi do người thân dạy.

Dạy cho trẻ biết bơi, phòng tránh chết đuối cũng là một việc làm mang tính nhân đạo. Nên các địa phương, ngành chức năng có thể kêu gọi mọi tổ chức xã hội, từ thiện, doanh nghiệp... ủng hộ công trình dạy bơi cho trẻ như những đóng góp nhân đạo khác. Trở lại vấn đề, giáo dục ý thức phòng tránh đuối nước cho trẻ em trước hết là nhiệm vụ của gia đình rồi đến nhà trường. Còn đối với bình diện xã hội, chính quyền cần tích cực và đa dạng hóa việc đầu tư có định hướng như đã bàn ở trên, để giúp tất cả trẻ em trên mọi vùng miền biết bơi và bơi đúng kỹ thuật. Điều này không những góp phần xóa bỏ những cái chếât thương tâm do đuối nước, mà còn giúp thanh thiếu niên mạnh khỏe.


 Bùi Văn Tạo
 


.