Bao giờ sạch "bóng" xe công nông, xe cơ giới tự chế?

05:11, 16/11/2012
.

(QNg)- Đã hơn 5 năm triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấm xe công nông, xe cơ giới tự chế hoạt động và hỗ trợ chuyển đổi nghề, chuyển đổi xe cho các hộ dân, nhưng đến nay, việc xóa sạch "bóng" xe công nông, xe cơ giới tự chế trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều nan giải.

Theo thống kê, Quảng Ngãi hiện có khoảng 2.000 xe công nông, xe cơ giới tự chế lưu thông, tập trung nhiều nhất ở các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Sơn Tịnh và một số huyện miền núi.

"RA ĐƯỜNG SỢ NHẤT CÔNG NÔNG"...

Đã 5 năm trôi qua, kể từ ngày Nghị quyết 32/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông có hiệu lực, người tham gia giao thông vẫn thường xuyên bắt gặp hình ảnh những chiếc xe công nông, xe cơ giới tự chế đang vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu chạy nghênh ngang trên đường. Hằng ngày, chứng kiến những chiếc xe công nông "vô tư" lưu thông trên Quốc lộ 1A, bất chấp nguy hiểm, anh Nguyễn Thanh Lâm (thị trấn Sông Vệ, Tư Nghĩa) không khỏi bức xúc. "Hễ ra đường là "đụng" xe công nông chở đủ thứ hàng hóa, vật liệu xây dụng cồng kềnh, chằng buộc không chắc chắn. Chính vì xe tự chế nên những chiếc xe này chẳng theo một kiểu mẫu hay kích thước nào. Nhìn xe ai cũng biết không an toàn. Đã thế, các "bác tài" cứ vô tư phóng nhanh, vượt ẩu trên đường. Nhiều xe chạy bạt mạng làm người đi xe máy phải dạt vào lề. Thấy mà ớn lạnh"- anh Lâm lắc đầu ngán ngẩm nói.

 

h
"Đội quân" xe công nông  chờ chở cát trên sông Trà Bồng.


Còn anh Huỳnh Xuân Sơn (Nghĩa Lâm, Tư Nghĩa) cứ băn khoăn, không biết "hệ số an toàn" của loại xe này đến đâu, nhưng lúc nào cũng chở đầy cát, đất, đá. Còn chỗ ngồi của tài xế thì trống hươ, trống hoác dưới là ghế trên che bằng... bạt. Hơn nữa, để tránh sự tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, các chủ phương tiện thường vận chuyển hàng hóa vào ban đêm. Xe không đèn, lại thiếu còi nên rất nguy hiểm cho người đi đường. Hầu hết các loại xe công nông, xe cơ giới tự chế đang hoạt động là nơi tập hợp rất nhiều cái "không": Xe không đăng ký, đăng kiểm; không có giấy phép; không đèn sáng; không còi. Còn tài xế thì không có bằng lái và phần lớn đều "mù" Luật Giao thông đường bộ. Chính vì vậy, các phương tiện này được xem là "hung thần xa lộ", là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thời gian qua. Có thể kể đến vụ tai nạn giao thông gây chết người do xe công nông gây ra trên địa bàn xã Bình Châu (Bình Sơn) vào ngày 27/12/2011. Trên đoạn đường liên thôn thuộc thôn Định Tân, cháu Nguyễn Gia Tuấn (8 tuổi, ngụ thôn Định Tân) điều khiển xe đạp đến nhà bạn chơi, bất ngờ bị xe công nông không biển số do Nguyễn Đức (43 tuổi, ngụ thôn An Hải, xã Bình Châu) điều khiển va vào. Vụ tai nạn làm cháu Tuấn chết tại chỗ.     

Đó chỉ là một trong nhiều trường hợp người dân trở thành nạn nhân trực tiếp của xe công nông, xe cơ giới tự chế. Dù đã có quy định cấm hoạt động, nhưng người dân vẫn băn khoăn tự hỏi, nguyên nhân vì đâu loại phương tiện này vẫn vô tư tồn tại? Phải chăng chủ trương lớn của Chính phủ nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đang bị chủ phương tiện phớt lờ, chính quyền bỏ ngỏ.

AI DUNG TÚNG "HUNG THẦN"?

Để "hiện thực hóa" mục tiêu của Nghị quyết 32, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 548/QĐ-TTg, ngày 24/9/2009 về việc hỗ trợ thay thế xe công nông, xe cơ giới tự chế. Theo đó, mỗi chủ phương tiện được hỗ trợ 5 triệu đồng khi thực hiện thay thế xe và thêm 4 triệu đồng khi chuyển đổi sang nghề khác. Thực hiện quyết định này, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho 3.042 chủ phương tiện, trong đó, xe cơ giới ba bánh: 530 xe; xe lôi máy, xe công nông: 2.512 xe. Tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thống kê của Thanh tra Sở Giao thông vận tải, hiện vẫn còn trên 2/3 số phương tiện đã được hỗ trợ theo Quyết định 548 hoạt động trên các tuyến giao thông. Tại sao các chủ phương tiện đã nhận được hỗ trợ mà vẫn cho xe hoạt động? Không khó để trả lời những hoài nghi này. Khi nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, nơi đường sá đi lại còn khó khăn.
 

TP. QUẢNG NGÃI: GẦN 20 XE LÔI MÁY HOẠT ĐỘNG "CHUI"
Trong thời gian qua, khoảng 20 chiếc xe lôi máy có xuất xứ từ Trung Quốc đã xuất hiện trên địa bàn TP Quảng Ngãi. Theo các cơ quan chức năng, đây là phương tiện chưa được phép lưu thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Như vậy, số xe lôi máy này hiện đang hoạt động "chui".

Trước năm 2008, chính quyền các địa phương là cơ quan quản lý xe công nông, xe cơ giới tự chế. Sau đó, cơ quan chức năng của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và Sở Giao thông- Vận tải dựa vào số lượng xe đăng ký tại UBND các xã, phường, thị trấn để kiểm định, cho đăng ký biển số để hoạt động tạm; đồng thời, số lượng phương tiện được quản lý tại địa phương là cơ sở để UBND tỉnh hỗ trợ. Hơn nữa, chính quyền địa phương là nơi sâu sát với dân nhất. Do đó, việc xe công nông, xe cơ giới tự chế "đường hoàng" hoạt động lẽ nào chính quyền địa phương không biết? Thậm chí có trường hợp, khi Thanh tra giao thông bắt các xe vi phạm, rồi gửi nhờ ở UBND xã để đưa về cơ quan xử lý, nhưng ngày hôm sau những chiếc xe này bỗng dưng... biến mất!

Một số lãnh đạo các xã miền núi cũng thừa nhận, dù đã có đầy đủ các văn bản pháp quy không cho xe công nông, xe cơ giới tự chế hoạt động, nhưng chủ phương tiện thường là "chỗ quen biết" nên vẫn để cho xe lưu thông. Mặt khác, khi bắt gặp xe công nông, xe cơ giới tự chế "hoành hành" trên Quốc lộ, Tỉnh lộ, lực lượng chức năng thường cũng "ngại" xử lý, vì tài xế đều là người nghèo, dùng phương tiện này để chở hàng thuê kiếm sống.  

XỬ LÝ QUYẾT LIỆT VÀ ĐỒNG BỘ

Trong 4 năm qua, lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải đã tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các loại phương tiện bị đình chỉ. Qua đó đã xử lý 2.543 lượt xe công nông, xe cơ giới tự chế và 235 lượt xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông, tịch thu, sung công quỹ 2 xe tái vi phạm.

   Xe công nông vô tư chở rơm rạ trên đường ở xã Bình Thanh Tây (Bình Sơn).
Xe công nông vô tư chở rơm rạ trên đường ở xã Bình Thanh Tây (Bình Sơn).

Tuy nhiên, việc xử lý chỉ giải quyết "phần ngọn" của vấn đề. Giải pháp căn cơ nhất là chính quyền địa phương cần thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho dân, kiên quyết không cho xe công nông, xe cơ giới tự chế lưu hành vì bất cứ lý do gì. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp đã nhận tiền mà không thực hiện chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi nghề. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng, UBND xã, phường, thị trấn và Mặt trận, đoàn thể cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhằm huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể người dân.

Song song với công tác tuyên truyền, Nhà nước cũng cần có chính sách cụ thể để chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ vốn lớn hơn cho chủ phương tiện. Vì hiện nay, nhiều phương tiện thay thế xe công nông vẫn khó đến tay người dân nghèo.  
 

*Ông Huỳnh Ngà- Chánh Thanh tra Sở Giao thông- Vận tải:
Trên thực tế, việc xử lý và tịch thu các loại xe công nông, xe cơ giới tự chế hiện rất khó khăn, vì kinh phí để thực hiện các công việc như: Vận chuyển xe vi phạm về bãi giữ (khoảng cách này thường rất xa), bảo quản xe tại bãi giữ và  kinh phí đầu tư xây dựng nơi tạm giữ "đủ chuẩn"... rất lớn. Hơn nữa, cơ chế tịch thu sung công quỹ còn nhiều điểm khó thực hiện; các chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Do đó, để xe công nông, xe cơ giới tự chế không còn hoạt động, ngoài sự mạnh tay của lực lượng chức năng, thì chính quyền các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các loại phương tiện này trên địa bàn. Đặc biệt, người dân cần phải tự giác chấp hành pháp luật.

*Ông Võ Đình Chí- Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa):
Trước đây, xã Nghĩa Thương có khoảng 20 xe công nông, xe cơ giới tự chế thuộc diện bị đình chỉ hoạt động theo Nghị quyết 32. Thời gian qua, UBND xã đã hỗ trợ các chủ phương tiện theo Quyết định 548 và vận động các chủ phương tiện chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên vẫn còn 6 chủ phương tiện lén lút cho xe hoạt động. Lãnh đạo xã sẽ tiếp tục vận động và tìm hướng hỗ trợ cho chủ phương tiện để họ chấm dứt lưu hành loại xe này và thay thế bằng các phương tiện phù hợp với quy định.

*Ông Dương Văn Minh- Trưởng Công an xã Sơn Thành (Sơn Hà):
Hiện nay có quá nhiều "lò" sản xuất, lắp ráp xe công nông, xe cơ giới tự chế theo kiểu tự phát, thiếu sự quản lý, giám sát của ngành chức năng đã khiến cho số lượng xe thô sơ, tự chế khó kiểm soát. Trong khi đó, người dân các huyện miền núi thường sử dụng các phương tiện này để vận chuyển keo, vì tính tiện lợi của nó. Hiện tại, xã Sơn Thành có khoảng 8 chiếc xe công nông, xe cơ giới tự chế. Thiết nghĩ, để dẹp bỏ được loại phương tiện này, Nhà nước cần có chính sách định hướng sắp xếp nghề phù hợp với năng lực cho chủ phương tiện và tài xế.
 
*Ông Huỳnh Học - thôn Trà Bình, Tịnh Trà (Sơn Tịnh):
Nguyên nhân của tình trạng xe công nông, xe cơ giới tự chế vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép là do nhu cầu sử dụng của người dân vẫn còn. Thực tế phương tiện này có kích thước nhỏ, gọn nên di chuyển thuận lợi tại các tuyến đường nhỏ hẹp ở nông thôn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển nguyên liệu, vật tư và sản phẩm sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp của nông dân. Hơn nữa, giá cả vận chuyển bằng các loại xe này thường rất rẻ, tài xế lại dễ kiếm nên hầu hết người dân đều muốn thuê các phương tiện này. Do đó, để xe công nông, xe cơ giới tự chế "mất bóng" thì các cơ sở sản xuất xe tải hạng nhẹ (đạt chuẩn) cần có hướng hỗ trợ giảm giá mua xe cho người dân, để họ dần thay thế xe công nông, xe cơ giới tự chế.

 


N. ĐỨC - N.TRIỀU
 


.