Những khuôn mặt rám nắng

09:10, 21/10/2012
.

(QNg)- "Ở xóm nhỏ này bao đời người phụ nữ dáng người khô khốc, da dẻ rám nắng", một cụ ông trạc tuổi 80 bảo thế khi chúng tôi đến xóm Ghe (ở thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh). Ông lão đúc kết sau gần một thập kỷ chứng kiến những người vợ, người mẹ tảo tần mưu sinh vì cuộc sống gia đình.  

TIN LIÊN QUAN


Chúng tôi ngạc nhiên khi lần đầu tiên đặt chân đến xóm Ghe. Đôi bờ sông Trà, cách nhau mươi mét, thế mà bên kia sông là TP Quảng Ngãi náo nhiệt, còn xóm Ghe bên bờ bắc đậm chất làng quê yên ả. Nơi đây, đúng như câu nói của ông lão chúng tôi gặp ở đầu xóm, phụ nữ tảo tần mưu sinh vì cuộc sống gia đình.

 

Tảo tần mưu sinh bằng nghề đãi sạn.
Tảo tần mưu sinh bằng nghề đãi sạn.


Xóm Ghe có hơn 120 nóc nhà. Ở mỗi nóc nhà hiện hữu bàn tay chai sạm, khuôn mặt rám nắng của những người vợ, người mẹ một đời tần tảo mưu sinh. Theo chân anh Ngô Thanh Tuấn (trưởng xóm), chúng tôi đến thăm nhà các hộ dân. Cứ nghĩ chị em có mặt ở nhà lúc về chiều như bao làng quê khác, nhưng ở xóm Ghe thì không. Người đi đánh bắt cá, người đi bán cá, mò cua, bắt ốc… chưa trở về nhà. "Sông Trà ưu đãi nên người dân xóm Ghe có kế sinh nhai. Đàn ông, phụ nữ dầm mình dưới nước, lúc thì ban ngày, lúc ban đêm, khi thì đãi sạn, lúc đi lưới, đi chài…", trưởng xóm Ngô Thanh Tuấn giải thích.

Chúng tôi may mắn gặp được chị Trần Thị Phi Yến (43 tuổi). Không xinh đẹp nõn nà, thế nhưng phụ nữ ở xóm Ghe luôn đẹp trong mắt mọi người. Họ mộc mạc, chân tình và luôn rực sáng bởi đức hi sinh. Chị Yến mở lòng: "Ui chao. Phụ nữ xóm này khổ lắm! Ngày nào cũng đội mủng sạn nặng hơn 30 ký trên đầu". Chị Yến làm nghề đãi sạn đã hơn 20 năm. Cứ 1 hoặc 2 giờ sáng, chị thức giấc cùng chồng ra sông đãi sạn.

 

Mặc cho đôi bàn chân bỏng rát vì nước "ăn", chị vẫn cố sức cào, nhũi, xúc và đội mủng sạn trên đầu lội vào bờ bán kiếm tiền nuôi 3 đứa con ăn học (đứa lớn đang học ĐH Bách khoa TP HCM, đứa lớp 8, đứa lớp 2). Vào mùa hạ, nước sông Trà cạn dần, chị đi nhủi hến. "Vất vả mấy cũng được, miễn là có tiền nuôi con ăn học", chị Yến nói. Cũng giống như chị em cùng xóm, chị Yến mặc cho ảnh hưởng sức khỏe bởi công việc đòi hỏi sức vóc nam giới, chị vẫn ngày đêm cần mẫn lao động. Chị Yến chân chất bảo: "Nói thiệt, đời mình thiếu chữ nên phải ráng cho con ăn học. Học không phải nhất thiết để làm cán bộ, mà học để có kiến thức thông hiểu chuyện đời, chuyện của xã hội mà sống cho tốt".  

Nhà ở xóm Ghe san sát nhau. Thoáng chốc chúng tôi đã đi qua hàng chục ngôi nhà. Nhà của chị Phạm Thị Tuyết (42 tuổi) ở cạnh bãi sạn. Trong nhà ngó ra thấy dòng người qua lại tấp nập trên cầu Trà Khúc. Vợ chồng chị Tuyết vừa ăn tối xong ngồi nghỉ ngơi đợi màn đêm buông xuống lại ra sông đánh bắt cá. Ở xóm Ghe, dường như nhà nhà đi làm lúc nửa đêm. "Nghề này vô chừng lắm, lúc có, lúc không. Có thì hôm được trăm nghìn, hôm hai trăm, hôm chẳng có đồng nào", chị Tuyết bộc bạch.

 

Qua câu chuyện kể, chị Tuyết làm việc quần quật, đêm đi đánh bắt cá, ngày thì bán cá, rồi nhà lại cơm nước, giặt giũ, chỉ bảo con cái… Chẳng những thế, chị Tuyết còn tranh thủ đất trống ở Gò Bành (những mô đất nhoi lên giữa sông Trà) trồng khoai, trồng ớt… Thế mà khi nói đến nỗi nhọc nhằn của bản thân, chị nở nụ cười thay cho lời nói. Đối với chị, nỗi vất vả ấy là niềm hạnh phúc, vất vả để gia đình được đủ đầy, yên vui.

Anh Lê Rân (chồng chị Tuyết) nhìn vợ bảo: "Hồi bả đi làm sạn ốm còn 30kg, nặng bằng mủng sạn chứ mấy. Người trông khô khốc thế mà cứ đi làm không chịu nghỉ ngơi. Nghĩ lại thấy tội cho vợ. Thế nên cứ động viên nhau có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều". Nói đến phụ nữ ở xóm Ghe, chị Phạm Thị Minh Hiếu-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Sơn Tịnh, nhận xét với niềm trân trọng: "Chị em ở xóm Ghe trình độ văn hóa không cao như những nơi khác, làm việc thì nặng nhọc vượt quá sức khỏe của nữ giới. Vì con cái, gia đình, các chị thức khuya dậy sớm, tảo tần. Có lẽ vì thấy bố mẹ quá vất vả nên trẻ em, học sinh ở đây không có trường hợp bỏ học giữa chừng, nhiều cháu học đại học, cao đẳng".

Mặt trời ló dạng. Nước sông Trà óng ánh tuyệt đẹp. Phụ nữ ở xóm Ghe người trở về sau đêm đánh bắt, người vã mồ hôi xúc và đội sạn trên đầu. Nét đẹp của sự tảo tần, hi sinh của những người mẹ, người vợ ở xóm Ghe mãi long lanh, trong sáng như dòng Trà Giang.


P.Lý
 


.