Mong được... sửa nhà

08:10, 12/10/2012
.

(QNg)- Dẫu biết ngôi nhà của mình đang dần "đuối" sức và có thể đổ sập bất cứ lúc nào, nhưng 6 hộ dân ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) vẫn phải chấp nhận nương náu trong âu lo, sợ hãi.  

6 hộ này vốn là công nhân của Nông trường 11/3, tiền thân của Trung tâm kỹ thuật mía Quảng Ngãi (TT), trực thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi hiện nay. Nhằm tạo điều kiện cho công nhân có chỗ ở, Nông trường 11/3 đã bán lại các phòng làm việc dôi dư để họ cải tạo, nâng cấp. Từ đó đến nay đã gần 30 năm, 6 hộ vẫn chưa có được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thậm chí nhà cửa bị hư hỏng cũng không được tu sửa, xây mới vì TT cho rằng: 6 hộ này đang ở "bất hợp pháp" trên phần diện tích đất do TT quản lý!

30 năm sống trong nhà… rách

Chiều mưa, ngôi nhà 3 gian thấp lè tè của bà Bùi Thị Sương chẳng khác nào bãi chiến trường vì thau lớn, xoong bé nằm ngổn ngang dưới nền để… hứng nước! Trên tường, nhiều vết nứt chi chít, chạy loằng ngoằng khiến tôi cũng đứng ngồi không yên mỗi khi nghe gió rít. Do ngôi nhà được xây dựng quá lâu nên vữa đã bong tróc, để lộ những mảng gạch lớn; trần nhà thì thấp đến nỗi muốn áp sát nền. "Thế nên, mùa nắng thì nóng hầm hập, mưa thì nước cứ thế mà "trút". Khổ thân", bà Sương than. Tôi hỏi: "Nhà "rách" thế, sao ông bà không sửa"? Bà Sương bảo rằng: "Muốn lắm. Thậm chí chồng tui phải viết đơn cầu cứu chính quyền cho lợp lại cái mái. Nhưng mà cũng làm… lén, chứ TT mà thấy là họ… phạt"!

 

Một trong những nhà kho của Trung tâm kỹ thuật mía Quảng Ngãi bị cỏ dại vây quanh, cửa đóng then cài.
Một trong những nhà kho của Trung tâm kỹ thuật mía Quảng Ngãi bị cỏ dại vây quanh, cửa đóng then cài.



Còn ngôi nhà của ông Đặng Văn Lang thì vừa "rách" vừa chật chội, lại nằm chênh vênh ngay dưới chân vách núi. Thế nên vào mùa đông, khi thấy mưa to gió lớn là vợ chồng, con cái ông phải đi... sơ tán. Đối với nhà của ông Nguyễn Hữu Thân thì thoạt nhìn, trông có vẻ "lành" nhất vì mới được tu sửa lại. Nhưng mỗi khi có cơn gió mạnh lướt qua là nó lại... lắc lư, khiến ông đêm nằm thấp thỏm.

Ngoài bà Sương, ông Lang, ông Thân thì còn có 3 hộ dân khác cũng chung thảm cảnh ở nhà "rách" gần 30 năm nay. Tuy nguy hiểm, nhất là mỗi khi mưa bão nhưng 6 hộ này vẫn phải bấm bụng tá túc vì ngoài nơi này, họ cũng chẳng biết ở đâu.

Cần hướng giải quyết thấu tình đạt lý

Theo phản ánh của người dân thì việc nhà cửa hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và tính mạng đã được họ nhiều lần báo lên TT, mong được TT tạo điều kiện để họ tu sửa, xây mới.  Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Lai - Giám đốc TT thì: "Đất của Nhà nước nên TT không có quyền hạn cho phép các hộ này phá dỡ nhà cũ để xây mới. Hơn nữa, trước đây Nông trường 11/3 chỉ bán tài sản trên đất, chứ không bán đất.  Tuy nhiên, người dân không đồng tình với cách trả lời này vì cho rằng phiếu thu của Nông trường 11/3 ngày ấy có ghi là bán nhà ở. "Bởi nhà phải ở trên đất. Hơn nữa, nếu chỉ bán tài sản trên đất nhưng sao ngần ấy năm, chúng tôi vẫn ở và sản xuất bình thường trên phần diện tích ấy mà Nông trường 11/3 cũng như TT hiện nay không thu hồi?", bà Sương gặn hỏi. Trả lời câu hỏi này, ông Lai cho rằng: "Đó là vì TT... nể tình họ từng là công nhân của Nông trường cũ!".

 Qua tìm hiểu thì ngoài phần đất nền nhà mà 6 hộ đang ở, thì có gần 1 ha nằm trong vùng diện tích (hơn 19 nghìn m2) do Nhà nước giao TT sử dụng để trồng và sản xuất mía giống. Nhưng lạ một điều là gần 20 năm nay, loại cây phủ lên nó không phải mía mà là keo lai, mì, bắp... do người dân canh tác. Nhận thấy TT sử dụng đất không đúng mục đích, chính quyền xã Hành Thiện đã nhiều lần đề nghị TT nên có hướng giao lại cho địa phương quản lý nhưng ông Lai cho rằng: "Phần diện tích này nằm trong vùng xây dựng của TT nên phải giữ lại".

Tuy nhiên, việc "giữ" đất này đang vấp phải sự phản đối mạnh của người dân và chính quyền nơi đây vì thực tế, TT có "giữ" mà không "dùng". Hơn nữa, khu vực này tiếp nối và liên hoàn với các khu dân cư của thôn Phú Lâm Tây; còn nhà kho, bãi chứa luôn trong tình trạng cửa đóng then cài từ nhiều năm nay. "Trong khi quỹ đất của địa phương eo hẹp thì TT lại sở hữu một phần lớn diện tích đất sản xuất nhưng lại sử dụng không đúng mục đích, hoặc bỏ hoang khiến người dân rất bất bình. Ngay cả phần diện tích trên, chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị các cấp sớm thu hồi, trả lại cho địa phương giao cho dân nhưng đến giờ vẫn chưa thấy động tĩnh", ông Mai Duy Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hành Thiện khẳng định.
Mùa mưa bão đang đến gần, 6 hộ dân ở thôn Phú Lâm Tây lại một lần nữa phải sống trong sự thấp thỏm, âu lo. Họ chỉ mong TT và chính quyền các cấp cần có hướng giải quyết thật thấu tình đạt lý, tránh hiện tượng doanh nghiệp thừa đất bỏ hoang trong khi dân lại không có ở.


    Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.