Mở lòng với "nỗi đau da cam"

10:10, 04/10/2012
.

(QNg)- Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng nỗi đau mang tên "da cam" vẫn còn in hằn trong bao mái ấm. Giúp những nạn nhân da cam vượt qua nỗi đau, từng bước dựng xây cuộc sống là nghĩa cử thể hiện sâu sắc lòng nhân ái, nghĩa đùm bọc đáng trân trọng, tôn vinh...

TIN LIÊN QUAN


 Mái ấm nghĩa tình

Cuối thu, khi những cơn mưa trút xuống báo hiệu mùa mưa bão bắt đầu là lúc nạn nhân da cam/dioxin nghèo Nguyễn Thị Tuyến, thôn An Ninh, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ có một mái ấm an toàn, vững chãi. Ngày về nhà mới, rất đông bà con thân thiết đến chia vui. Chủ nhân của căn nhà xúc động nghẹn ngào, bởi lần đầu tiên trong đời, bà Tuyến được trao tặng tận tay chiếc chìa khoá của căn nhà khang trang đến thế. Bà Tuyến cho biết: "Mái ấm này không chỉ đơn thuần là giúp tôi về chỗ ở mà còn cho tôi thêm niềm tin yêu cuộc sống, nỗ lực vượt qua khó khăn, sống vui, sống khoẻ những năm tháng cuối đời".

 

Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Quảng Ngãi trao quà cho bà Nguyễn Thị Tuyến tại lễ khánh thành nhà.
Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Quảng Ngãi trao quà cho bà Nguyễn Thị Tuyến tại lễ khánh thành nhà.


Bà Tuyến trước đây tham gia kháng chiến chống Mỹ, hiện là thương binh 3/4, có chồng là bộ đội. Cả hai vợ chồng đều bị nhiễm chất độc hoá học Dioxin. Chính vì nhiễm loại chất độc hoá học chết người ấy đã không cho tình yêu thuỷ chung, mặn nồng của vợ chồng bà có một đứa con. Sống với nhau mấy chục năm trời, 5 năm trước chồng bà sinh bệnh và ra đi mãi mãi. Một mình với suất hỗ trợ hàng tháng ít ỏi, nên bà Tuyến không có khả năng làm nổi căn nhà để ở. Thấu hiểu được nỗi khó khăn ấy, cán bộ, công nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Quảng Ngãi đã đóng góp, thông qua Hội Nạn nhân Da cam tỉnh hỗ trợ bà Tuyến 40 triệu đồng để làm nhà. Cộng với sự giúp đỡ của bà con lối xóm, bà Tuyến đã xây được căn nhà tương đối khang trang, trị giá 70 triệu đồng.

Ngày bà Tuyến về nhà mới, hàng xóm giúp thêm bà vài dĩa bánh ít, mấy cây bánh tét; Hội Nạn nhân Da cam tỉnh có một món quà nhỏ; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Quảng Ngãi tặng vài món đồ vật dụng gia đình. Đặc biệt, một phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phân xã Quảng Ngãi cùng Chủ tịch Hội Nạn nhân Da cam xã Phổ Ninh đã dùng tiền tiết kiệm của mình mua tặng bà Tuyến một chiếc tivi, để sớm tối "có tiếng nói" trong nhà, giúp bà Tuyến bớt đi cảnh tuổi già hiu quạnh.

 Mong chờ, hy vọng...

Từ đầu năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Quảng Ngãi đã vận động cán bộ, công nhân viên đóng góp 120 triệu đồng, chung tay xây dựng 3 căn nhà cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin nghèo. Ngoài bà Tuyến, ông Trần Khoa ở thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn và bà Nguyễn Thị Phượng, thôn 4, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức cũng có nhà mới trước mùa mưa bão năm nay. Hai gia đình này ở hai địa phương khác nhau nhưng họ có cùng hoàn cảnh của nỗi đau da cam và niềm vui đón nhận căn nhà mới vừa được hỗ trợ xây dựng bằng cả tấm lòng tri ân, chia sẻ của các cán bộ ngân hàng.

Ông Phan Thanh Long - Chủ tịch Hội Nạn nhân Da cam tỉnh cho biết: "Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Quảng Ngãi là một đơn vị làm tốt công tác giúp đỡ nạn nhân da cam của tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, chi nhánh đã hỗ trợ xây dựng 16 căn nhà cho nạn nhân da cam, với tổng số tiền gần 500 triệu đồng". Ngoài ra, tổ chức phi chính phủ MQI thông qua Hội Nạn nhân Da cam tỉnh hỗ trợ cho 5 hộ nạn nhân nghèo 150 triệu đồng (mỗi hộ 30 triệu đồng) để xây dựng nhà mới. Những căn nhà này đều phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa bão, thay thế những căn nhà dột nát, xiêu vẹo, đảm bảo chỗ ở an toàn cho nạn nhân da cam nghèo trong mùa mưa bão. Về phía Hội Nạn nhân Da cam tỉnh, trong 9 tháng qua đã vận động được hơn 2,2 tỷ đồng giúp đỡ nạn nhân da cam.

Hầu hết các gia đình nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin của tỉnh đang sống trong tình trạng nghèo. Cái vòng luẩn quẩn đói nghèo cứ mãi bám theo các gia đình này bởi con cái dị tật, sức khoẻ suy giảm, đau bệnh liên miên, số tiền trợ cấp ít ỏi. Tận mắt chứng kiến nỗi khổ mà những nạn nhân chất độc da cam đang từng ngày phải gánh chịu, mới hiểu họ đang khát khao mong chờ và hy vọng nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội như thế nào. Mở lòng mình, sẵn sàng chia sẻ với nạn nhân da cam là nghĩa cử nhân đạo sâu sắc, thiết thực góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.


Bài, ảnh: THANH NHị
 


.