Tây Trà: Chủ động di dời dân trong mùa lụt bão

02:09, 11/09/2012
.

(QNĐT)- Tây Trà là một trong những huyện miền núi xa nhất và khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ngãi, đây cũng là địa phương luôn chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ gây ra do địa hình ở đây khá hiểm trở. Chính vì vậy, công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn được luôn được huyện Tây Trà đặt lên hàng đầu.

TIN LIÊN QUAN


Những ngày qua, trên địa bàn huyện Tây Trà thường xuyên có mưa, tuy lượng mưa không lớn, nhưng nguy cơ xảy ra sạt lở núi vẫn tiềm ẩn. Chính vì vậy, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Tây Trà đã chỉ đạo các thành viên xuống từng địa bàn phụ trách để nắm tình hình và cùng với địa phương triển khai các biện pháp phòng chống. Nhất là rà soát lại những điểm có nguy cơ sạt lở núi, lở đất… từ đó có phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

 

Huyện Tây Trà là địa phương chịu nhiều thiệt hại nặng mỗi mùa mưa lũ về. (Trong ảnh: Sạt lở tại tuyến đường  Tây Trà).
Huyện Tây Trà là địa phương chịu nhiều thiệt hại mỗi mùa mưa lũ về. (Trong ảnh: Sạt lở tại tuyến đường Tây Trà vào mùa mưa năm 2011).


Ông Phan Văn Hiền-Phó Trưởng Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Tây Trà cho biết, so với nhiều huyện miền núi thì Tây Trà có địa hình tương đối hiểm trở, độ dốc cao, nền địa chất kém bền vững. Vì vậy rất dễ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở núi, lở đất mỗi mùa mưa lũ về.

Hầu như năm nào vào mùa mưa lũ huyện Tây Trà cũng bị thiệt hại nặng do sạt lở đất, lở núi. Trong mùa mưa lũ năm 2011 vừa qua, huyện tây Trà đã có 3 người chết do mưa lũ, hàng chục tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn bị hư hỏng nặng, nhiều nhà dân bị hư hỏng… Tổng thiệt hại gần 5,5 tỷ đồng.

Cũng theo ông Phan Văn Hiền thì một trong những vấn đề cấp bách trong công tác phòng chống lụt bão của huyện trong mùa mưa lũ năm nay là phải làm sao đảm bảo an toàn cho những hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Hiện toàn huyện còn 135 hộ với 626 nhân khẩu tại 15 điểm có nguy cơ sạt lở núi cao, trong đó xã Trà Quân có 15 hộ tại tổ 8, thôn Trà Ong; xã Trà Nham có 4 hộ tại thôn Trà Huynh và 3 hộ thôn Trà Vân; xã Trà Phong có 7 hộ; xã Trà Lãnh có 33 hộ; xã Trà Khê có 18 hộ.

 

Nhà tái sđịnh cư của người dân xã Trà Thọ, huyện Tây Trà.
Nhà tái định cư của người dân xã Trà Thọ, huyện Tây Trà.


Qua khảo sát thì xã Trà Nham, Trà Phong và thôn Trà Lương thuộc xã Trà Lãnh; thôn Cát, thôn Vuông xã Trà Thanh và xã Trà Khê có vết nứt xuất hiện ngay khu dân cư gây hiện tượng trụt đất. Những điểm còn lại vết nứt núi xuất hiện tạo hang hố to, dài gây nên hiện tượng trụt đất, sạt lở núi ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư. Thời gian qua, những hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở trên rất hoang mang, lo sợ, nhất là mùa mưa lũ đang đến.

Trước tình hình trên, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đã tổ chức lực lượng thanh niên xung kích, lực lượng dân quân du kích, an ninh thôn và thanh niên trong thôn tiến hành kiểm tra lại các khu vực có nguy cơ sạt lở… Khi có mưa lớn kéo dài hoặc trong tình trạng khẩn cấp thì tiến hành tổ chức di dời dân ra khỏi vùng sạt lở theo các phương thức ở xen ghép trong các hộ dân, các trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã hoặc dựng lều tạm để lánh nạn.

Với phương châm 4 tại chỗ, hiện Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện đã tiến hành cấp phát các mặt hàng thiết yếu do nhà nước hỗ trợ, những nhu yếu phẩm cần thiết, thuốc men tập kết dự trữ tại các thôn. Ngoài ra, các địa phương cũng đã vận động người dân chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, dầu thắp đề phòng khi mưa lũ gây chia cắt, cô lập.  Cùng với đó, huyện tiến hành hỗ trợ mỗi hộ trong vùng sạt lở 500 ngàn đồng.

Một mùa mưa lũ nữa đang về, với những phương án chủ động phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của mình, hy vọng huyện Tây Trà sẽ hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra.

 

M.Toàn
 


.