Vượt lên số phận

01:08, 10/08/2012
.

(QNĐT)- Anh Trương Quang Trung (thôn Mỹ Danh, xã Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh) là một trong số nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2 bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc hóa học dioxin. Với những đau đớn, dị tật mang theo mình suốt đời, tưởng chừng anh sẽ phải cam chịu sống trong bất hạnh. Thế nhưng với niềm tin và ý chí kiên cường, anh tự vượt lên số phận bằng công việc hết sức bình dị.
 

TIN LIÊN QUAN


Bà con nhân dân ở cái xóm nhỏ của xã Tịnh Hiệp đã quen với hình ảnh chàng thanh niên Trương Quang Trung (sinh năm 1979) với đôi chân tật nguyền cặm cụi làm việc ở cái tiệm sửa xe đạp nhỏ xíu của mình. Ngày qua ngày, cuộc sống của anh cứ trôi đi thật lặng lẽ như vậy. Nhưng ít ai biết, đằng sau những điều tưởng chừng quá đỗi đời thường ấy lại ẩn chứa một nghị lực phi thường của chàng trai trẻ.

Năm 1965, ông Trương Phong- cha của anh Trung đã nối tiếp truyền thống gia đình đi thanh niên xung phong ở lứa tuổi đôi mươi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau nhiều năm bôn ba mở đường, chuyển tải lương thực ra chiến trường ở khắp các tỉnh miền Trung, ông trở về quê hương, lập gia đình với mơ ước sẽ có cuộc sống giản dị.

 

Hằng ngày, chàng trai đầy nghị lực Trương Quang Trung vẫn miệt mài làm việc ở tiệm sửa xe đạp nhỏ của mình
Hằng ngày, chàng trai đầy nghị lực Trương Quang Trung vẫn miệt mài làm việc ở tiệm sửa xe đạp nhỏ của mình


Thế nhưng, ông đâu ngờ, chính những năm tháng chiến tranh ấy đã khiến cho ông nhiễm loại chất độc có tác hại ghê gớm trong người. Để rồi người con trai cả trong số 7 người con của ông phải gánh chịu hậu quả của chất độc màu da cam ấy.

Ngay từ mới lọt lòng mẹ, anh Trung đã mang dị tật ở đôi chân, không thể đi đứng bình thường như bao đứa trẻ khác. Để nuôi anh khôn lớn, cha mẹ anh đã phải hao tốn rất nhiều mồ hôi và nước mắt. Tài sản của gia đình cũng dần khánh kiệt theo từng cơn đau như thắt ruột của cậu con trai cả.

Ở cái tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống, anh Trung càng hận bản thân mình vì không giúp gì được gia đình mà chỉ bất lực ngồi nhìn đôi chân tàn tật. Với ý chí vươn lên, anh xin gia đình sắm chiếc nạn gỗ để anh đi học nghề. Đắn đo mãi, anh mới nghĩ ra cái nghề phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Đó là nghề sửa xe đạp.

Thế là, từ miền quê nghèo Tịnh Hiệp, chàng trai nghèo lặng lẽ khăn gói xuống thị trấn Sơn Tịnh để học nghề. Mấy tháng học nghề là mấy tháng mồ hôi quyện với nước mắt và mùi dầu mỡ rơi lã chã trên khuôn mặt nhăn nhó vì bị từng cơn đau hành hạ. Anh Trung tâm sự: Người bình thường học nghề đã khó. Huống gì mình tàn tật thế này. Nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc lắm. Nhưng nghĩ lại, bỏ nghề rồi thì cứ phải sống bám vào gia đình mãi sao. Cứ tự nhủ như vậy là tôi có động lực hơn.

May mắn bắt đầu mỉm cười với chàng thanh niên tật nguyền vào năm 2002. Sau khi học nghề được mấy tháng, anh Trung được lọt vào danh sách khám, mổ miễn phí để giảm bớt dị tật ở chân tại Đà Nẵng. Cuộc phẫu thuật càng giúp anh có cơ hội vươn lên, kiếm sống bằng nghề mình đã học.

Với đôi chân được chỉnh hình để đi lại dễ dàng hơn, anh Trung mở tiệm sửa xe đạp ngay tại quê nhà. Cái tiệm nghèo ở vùng quê nghèo chỉ rộng vỏn vẹn khoảng 15m2. Nhưng đó là nơi làm việc, sinh hoạt và là nơi chắp cánh ước mơ của chàng trai da cam.

 

Nghề sửa xe đạp chính là công cụ khẳng định giá trị bản thân của anh
Nghề sửa xe đạp chính là công cụ khẳng định giá trị bản thân của anh


Tính đến nay, anh Trung đã gắn bó với nghề sửa xe đạp 10 năm tròn. Quãng thời gian đầy vất vả nhưng cũng đầy tự hào bởi anh đã có một số vốn lận lưng. Và quãng thời gian ấy cũng đủ hun đúc nên một lòng yêu nghề đến cháy bỏng trong anh.

“Nhiều người nghĩ đây là nghề nghèo khó, chỉ kiếm được ba cọc ba đồng. Nhưng với tôi, đó là công cụ để tôi khẳng định được giá trị của bản thân và không còn là gánh nặng cho gia đình. Nhiều lúc bị cơn đau hành hạ, tôi tưởng phải bỏ nghề để nghỉ ngơi. Thế nhưng, chỉ được mấy hôm là thấy nhớ, thấy tay chân thừa thãi đến khó chịu”- Nụ cười hiền tười và ánh mắt cương nghị luôn xuất hiện trên khuôn mặt chàng thanh niên chịu thương chịu khó.

Anh Trung cho rằng: Mình bị tật ở chân. Đó là thiệt thòi rất lớn so với nhiều người. Nhưng mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người vì có được đôi tay lành lặn và cái đầu tỉnh táo. Vậy hà cớ gì mà không tận dụng để nuôi sống bản thân.

Có lẽ, với nghề sửa xe đạp, anh chẳng bao giờ có cuộc sống giàu có, no đủ như bao người. Nhưng ít ra, anh đã có thể bám lấy nghề, sống bằng số tiền ít ỏi tự làm ra mà không phải khiến gia đình lo nghĩ.

Anh nói, uớc mơ của anh cũng giản đơn lắm. Đó là có vài triệu đồng để đầu tư tân trang, mua sắm một số thiết bị cần thiết cho tiệm sửa xe. Nhưng tôi biết, và cả anh cũng biết ước mơ ấy thật khó thực hiện. Bởi, số tiền ấy không phải là nhỏ bên cạnh nhiều mối lo cơm, áo, gạo, tiền.

Dù đi lại còn khó khăn, dù vẫn hay bị nhiều cơn đau hành hạ đến buốt xương, nhưng anh Trung cứ miệt mài lao động ở cái tiệm sửa xe nhỏ xíu ấy. Bà con ở vùng quê nghèo này cũng như những ai biết đến anh đã mãi ghi vào lòng hình ảnh đẹp đẽ ấy của người con trai đầy nghị lực.


Thanh Phương
 

 


.