Quy định bán thịt trong 8 tiếng: Bất cập giữa quy định và thực tế

08:08, 24/08/2012
.

(QNĐT)- Thông tư 33 của Bộ NN&PTNT được ban hành nhằm hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong việc sử dụng thịt chất lượng trong bữa ăn hằng ngày. Thế nhưng, thông tư này dù chưa có hiệu lực đã gặp phải nhiều vướng mắc từ phía tiểu thương lẫn cơ quan chức năng.

TIN LIÊN QUAN


Hàng kinh doanh sản phẩm thịt tươi sống ở khu B chợ tạm Quảng Ngãi vào lúc 11 giờ trưa khá thưa thớt khách mua. Chị Nguyễn Lê Nhi- Chủ sạp thịt heo than thở: Hàng quán càng ngày ế ẩm. Do chuyển vào chợ tạm chưa bao lâu nên các chủ hàng thịt nơi đây bán buôn rất hạn chế, khách hàng cũng không nhiều. Thêm cái quy định bán thịt trong 8 tiếng sau khi giết mổ thì chỉ có nghỉ bán thôi.

“Thông thường, chúng tôi thường đến lò mổ để lấy hàng vào khoảng 4-5 giờ sáng để bán đến khi hết hàng là khoảng 6-8 giờ tối trong ngày. Như tôi đây, chỉ lấy khoảng 20 kg thịt thôi nhưng cả buổi sáng chỉ bán được vài ký. Nếu theo quy định mới thì chẳng lẽ mười mấy ký thịt còn lại phải đem bỏ khi qua 10-11 giờ trưa. Như vậy thì số thịt bỏ đi còn nhiều hơn số thịt được bán đến tay người tiêu dùng”- Chị Nhi phân tích.

 

Nhiều tiểu thương kêu khó trong việc thực hiện Thông tư 33
Nhiều tiểu thương kêu khó trong việc thực hiện Thông tư 33


Đồng quan điểm với chị Nhi là chị Võ Kim Huệ- một tiểu thương bán thịt khác ở chợ tạm Quảng Ngãi. Chị Huệ cho rằng, nếu theo quy định thì chúng tôi phải chạy tới lò mổ 2 lần/ngày để lấy thịt bán. Chi phí vận chuyển, rồi công sức này nọ cũng tốn một khoảng khá lớn. Như vậy thì tiền mặt bằng, điện nước để thuê chỗ bán tiểu thương còn chưa chắc đủ khả năng trả huống gì là thu lợi nhuận để trang trải cuộc sống gia đình. Để bù lỗ số thịt quá thời gian, tiểu thương sẽ phải tăng giá thịt.

Bộ NN&PTNT ra thông tư mới nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong việc sử dụng thịt chất lượng trong bữa ăn hằng ngày. Thế nhưng, có lẽ thông tư này cần phải xem xét và sửa đổi nhiều để phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Thông tư yêu cầu, thịt và phụ được bày bán phải có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y và có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định, không được dùng hóa chất để bảo quản thịt và phụ phẩm tươi sống.

Thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ. Đối với trường hợp được bảo quản ở nhiệt độ từ 0-5 độ C thì chỉ được bày bán trong vòng 72 giờ từ khi giết mổ. Đối với phụ phẩm là dạ dày, ruột non và ruột già bảo quản ở nhiệt độ từ 0-5 độ C chỉ được bày bán trong vòng 24 giờ kể từ khi giết mổ.

Chị Trần Thị Phong ở phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi không khỏi băn khoăn: Nếu thực hiện được như vậy thì người tiêu dùng chúng tôi rất hoan nghênh vì có thể sử dụng thịt tươi sống đạt chất lượng đúng nghĩa. Nhưng Thông tư này cần được áp dụng phù hợp và phát huy hiệu quả trong thực tế.

 

Việc quản lý thời gian bán thịt trong 8 tiếng sau khi giết mổ cũng gặp phải nhiều bất cập
Việc quản lý thời gian bán thịt trong 8 tiếng sau khi giết mổ cũng gặp phải nhiều bất cập


Vì việc quản lý thời gian bán theo quy định sẽ là một vấn đề nan giải cho cả người tiêu dùng lẫn cơ quan chức năng. Hiện tại, việc kiểm dịch và xác định nguồn gốc thịt tại các chợ thành phố và nông thôn để hạn chế nguồn thịt trôi nổi đã rất khó. Thì giờ đây việc kiểm soát chất lượng thịt theo Thông tư 33 lại càng khó khả thi.

Mặt khác, Thông tư 33 này vẫn chưa quy định rõ mức xử phạt cụ thể là như thế nào nếu phát hiện trường hợp vi phạm. Do đó sẽ rất khó khăn trong công tác quản lý, kiểm dịch tại các chợ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuận- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Thông tư 33 của Bộ NN&PTNT được ban hành đúng với chủ trương nhằm hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ sản phẩm thịt và phụ phẩm. Thời gian quy định phải bán thịt sau 8 tiếng kể từ khi giết mổ chỉ là cái mốc tiêu chuẩn để đảm bảo rằng thịt vẫn đảm bảo chất lượng và hợp vệ sinh.

Với tư cách là cơ quan quản lý, chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là căn cứ chất lượng sản phẩm tại thời điểm kiểm tra, chứ không căn cứ vào thời gian sau giết mổ. Hằng ngày, cơ quan thú y vẫn kiểm tra rất chặt chẽ việc thịt được giết mổ và đưa ra thị trường hợp với tiêu chuẩn Việt Nam.

Ngày 3/9 tới, khi Thông tư này có hiệu lực thì liệu có sự xáo trộn nào trên thị trường mua bán sản phẩm thịt tươi sống khi còn quá nhiều vướng mắc ở phía tiểu thương lẫn cơ quan quản lý. Trước nhiều ý kiến trái chiều về Thông tư 33, thiết nghĩ ngành chức năng cần có sự khảo sát xã hội học trước khi áp dụng vào thực tế một Thông tư hay văn bản quy định nào đó.

 

Sửa quy định phải bán thịt trong 8 giờ đồng hồ


Sau khi nhận được nhiều ý kiến trái chiều đối với Thông tư 33, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần ngày 21/8 cho biết, cơ quan chuyên môn của Bộ đã trình dự thảo sửa đổi Thông tư số 33 quy định chỉ được bày bán thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ.

Theo ông Tần, Bộ đang rà soát kỹ lại các quy định trong dự thảo để kịp ký ban hành trước ngày 3.9 tới, thời điểm Thông tư số 33 có hiệu lực thi hành. Trong trường hợp thông tư sửa đổi chưa được ban hành trước ngày 3.9 thì Bộ sẽ gia hạn thời gian thi hành thông tư này.

Ông Tần cho rằng, quy định chỉ được bán thịt tươi sống trong 8 giờ đồng hồ nhằm giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội sử dụng thịt an toàn. Tuy  nhiên, quy định này rất khó thực hiện, vì trên thực tế rất khó xác định miếng thịt nào đang bày bán đã quá 8 tiếng đồng hồ kể từ khi giết mổ và chưa đưa ra được các chế tài để kiểm soát. “Bộ đã phê bình cơ quan soạn thảo Thông tư 33”, ông Tần cho biết.

 


Thanh Phương


 

 


.