Những đứa trẻ viết ước mơ trên cát

08:08, 13/08/2012
.

(QNg)- Không còn bao lâu nữa là đến năm học mới, trong khi nhiều bạn cùng trang lứa đã được bố mẹ sắm sách vở, những bộ quần áo mới thì những em bán hàng rong ở bãi biển Mỹ Khê (Tịnh Khê, Sơn Tịnh) còn phải nặng gánh mưu sinh.  

TIN LIÊN QUAN


Những đứa trẻ... "vội lớn"

 Nhìn vóc dáng bé nhỏ, người gầy quắt đang liến thoắng chào mời khách mua hàng, không ai nghĩ Hoàng Nhật Bình năm nay đã bước sang tuổi 14. Cũng như những đứa trẻ bán hàng rong trên bãi biển này, tuổi thơ của Bình gắn chặt với những buổi chiều rong ruổi trên biển để mưu sinh. Bình tâm sự: Nhà em nghèo lắm, bố quanh năm tất bật với những chuyến đi biển, mẹ thì phải làm thuê trên thành phố lâu lâu mới về thăm nhà, em và em trai phải ở với bà ngoại. Mới 14 tuổi, nhưng Bình đã có "thâm niên" 7 năm bán hàng rong.

Em Sỹ dọn những món hàng ra bàn chuẩn bị cho một ngày mưu sinh.
Em Sỹ dọn những món hàng ra bàn chuẩn bị cho một ngày mưu sinh.


Mấy năm trước em bán kẹo, bánh tráng... nhưng trên biển giờ cấm bán hàng rong nên em chuyển sang mở "cửa hàng" bán đồ chơi trẻ em ngay trên biển. Nói "cửa hàng" cho oai chứ thực chất chỉ là một chiếc bàn nhựa đã cũ để trưng bày những món đồ chơi đầy màu sắc và một thùng xốp nhỏ chứa đồ chơi. Vừa sắp xếp đồ chơi ra bàn, Bình cho hay, một ngày mưu sinh của em bắt đầu từ 4 giờ chiều đến 7-8 giờ tối mới về. Với  em, bán hàng rong trên biển là cái "cần câu cơm", mỗi ngày Bình kiếm được vài chục ngàn, có ngày chẳng có đồng nào. Tuy thu nhập không có là bao,  nhưng cũng vơi bớt được phần nào những khó khăn cho bố mẹ.

Bình bộc bạch: Hồi đầu mới đi bán hàng, thấy các bạn cùng trang lứa được bố mẹ chiều chuộng, có quần áo đẹp, được đưa đi chơi, em tủi thân lắm nhưng lâu dần thấy quen, chỉ mong sao bán được nhiều hàng.  Nói rồi, Bình tranh thủ dọn hàng ra bàn, mời khách với hi vọng hôm nay sẽ bán được nhiều…

Cách điểm "cửa hàng" đồ chơi cửa Bình không xa là "cửa hàng" đồ chơi của "đồng nghiệp" Nguyễn Văn Sỹ (15 tuổi) cũng đang hồ hởi mời và giới thiệu các loại đồ chơi cho khách. Cũng như Bình, Sỹ gắn bó với bãi biển này đã hơn 7 năm nay. Gia đình khó khăn nên em phải tự bươn chải cuộc sống. Một món đồ chơi bán chỉ lời được vài ngàn đồng, tất cả số tiền lời đó em về đưa cho cha mẹ đóng tiền học. "Không chỉ trong dịp hè, em còn bán hàng ngay cả những ngày đi học, những ngày học buổi sáng, em tranh thủ bán hàng từ chiều cho đến tối vì lúc này khách đông, bán dễ. Những ngày lễ, chủ nhật thì em bán cả ngày"- Sỹ cho biết.

Không chỉ riêng Bình và Sỹ mà trên bãi biển Mỹ Khê chúng tôi còn bắt gặp những em nhỏ khác mưu sinh với nghề bán hàng trên biển. Mỗi em một hoàn cảnh, một nguyên nhân khác nhau để đến với "nghề" nhưng tất cả đều xoay quanh hai chữ mưu sinh.

Viết tiếp những ước mơ

Cuộc sống mưu sinh, gánh nặng gia đình cứ đè lên những đôi vai còn quá non nớt như thế. Lẫn khuất trong đám trẻ ấy vẫn có nhiều gương mặt ưu tư và đầy ắp nỗi niềm khó tỏ. Cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" vậy mà vẫn phải bon chen, tìm kiếm từng đồng một để trang trải bớt gánh nặng cho gia đình và cho cả bản thân của chính các em. Nhen nhóm trong nỗi cơ cực ấy là ước được cắp sách đến trường.

Em  Hoàng Nhật Bình khoe với chúng tôi, chuẩn bị em học lớp 9 rồi nên tiền ăn học sẽ rất tốn kém, mấy tháng hè em đã tiết kiệm được gần đủ tiền để phụ bố mẹ mua quần áo, sách vở cho năm học mới đấy. Dù sớm phải mưu sinh, nhưng không vì thế mà Bình lơ là việc học tập, liên tục 8 năm liền em đều đạt học sinh tiên tiến.  "Em thấy nếu không học thì cả đời vẫn như thế này thì khổ lắm" - Bình nói mà đôi mắt đượm buồn nhìn xa xăm ngoài phía biển.

Mặt trời đã dần xuống. Những quán xá trên biển đã lên đèn. Những dòng người hối hả đi về cho kịp bữa cơm tối thì trên bãi biển vẫn thấp thoáng những đứa trẻ lặng lẽ mưu sinh, với hi vọng cuộc sống, tương lai sẽ tốt đẹp hơn...        


Bài, ảnh: N.Đức
 


.