Người dân “vùng lõm” ở Quảng Ngãi mỏi mòn chờ điện - Kỳ 2: Hi vọng có điện

09:08, 04/08/2012
.

(QNg)- Quảng Ngãi là một trong 7 tỉnh của cả nước vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tiến hành lập Dự án cấp điện cho các thôn, làng chưa có điện, với tổng mức đầu tư khoảng 700 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ 2012 đến 2020. Việc phủ điện cho "vùng lõm" theo chủ trương này là đúng đắn, cần thiết, nhưng thực hiện không ít khó khăn…
 

TIN LIÊN QUAN


Những con số buồn!

Từ năm 2009 đến nay, tận dụng nhiều nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn từ Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững, nhiều dự án công trình điện đã được khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đến nay, 100% số xã của 6 huyện nghèo đều đã có điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số thôn thuộc các xã do địa hình khó khăn, phức tạp nên chưa có điện.

Cán bộ ngành điện đảm bảo công tác cấp điện cho nhân dân.
Cán bộ ngành điện đảm bảo công tác cấp điện cho nhân dân.


Theo thống kê của Sở Công thương, hiện tại trên địa bàn tỉnh  còn khoảng 30% số hộ được cấp điện chưa đảm bảo bền vững. Tức là câu, kéo, đấu nối bằng phương tiện cấp điện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, chưa được thụ hưởng chính sách cấp điện theo đúng quy định của Luật Điện lực. Điều đáng nói là, mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhiều dự án cấp điện, nhưng Quảng Ngãi vẫn còn khoảng hơn 20% số hộ dân sinh sống ở 6 huyện nghèo: Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ từ bao đời nay vẫn chưa có điện. "Đó là con số đáng buồn, là lực cản lớn đối với công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Ngành điện đã biết rất rõ và đang rất quan tâm, nỗ lực để xóa các điểm dân cư "trắng" điện bằng mọi cách" - ông Trương Quang Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết.

Một thực tế khác mà lâu nay người dân trong tỉnh có nhiều bức xúc trong việc cấp điện đó là việc đơn vị cấp điện bắt dân "gánh" thay trách nhiệm! Cụ thể: Theo Luật Điện lực, đơn vị cấp điện phải có trách nhiệm cấp điện đến trước công tơ cho hộ dùng điện, nhưng khi triển khai thực hiện Dự án năng lượng nông thôn RE II, chỉ có khoảng 70% hộ dân được hưởng chính sách này. Trong đó, bên dự án đầu tư đến trước công tơ khoảng từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng; hộ dùng điện phải bỏ ra bình quân từ 500.000 đồng đến 800.000 đồng để mua thiết bị sau công tơ, thực hiện đấu nối sử dụng điện. Còn lại 30% số hộ dân "nằm ngoài dự án" phải bỏ tiền túi "bao luôn" phần chi phí mà đáng lẽ dự án phải đầu tư để tự mua trang thiết bị, kể cả công tơ để kéo điện về nhà, tổng mức từ 1,3 triệu đồng đến 2,8 triệu đồng/hộ mới có điện để sử dụng. Số tiền ấy đối với thu nhập của dân nghèo, dân vùng nông thôn không phải là nhỏ!

Tia hy vọng!

Trao đổi vấn đề này, ông Trương Quang Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: "Hiện, Sở Công thương đang phối hợp cùng với đơn vị tư vấn tiến hành lập Dự án cấp điện cho các thôn, làng thuộc các xã được hưởng chính sách như Tây Nguyên  quy định tại Công văn số 588/TTg-CP ngày 20/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng mức kinh phí dự kiến khoảng 700 tỉ đồng". Theo kế hoạch, tháng 9 này công tác lập thủ tục đầu tư sẽ hoàn thành. Sau đó, Sở Công thương sẽ trình UBND tỉnh xem xét, gửi đến cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khi dự án phê duyệt, theo chức năng, Sở sẽ hướng dẫn các đơn vị cấp điện và chính quyền triển khai thực hiện ngay.

Ông Trương Quang Dũng cho biết thêm: Dự án này sẽ ưu tiên cho những địa bàn khu dân cư dễ triển khai, địa hình ít khó khăn, dân cư sống tập trung. Những vùng thưa dân cư hoặc cụm dân cư dưới 50 hộ sẽ xem xét triển khai thực hiện cấp điện bằng hình thức năng lượng mặt trời hoặc thủy điện nhỏ. Việc đầu tư trang thiết bị này hoàn toàn lấy từ nguồn kinh phí của dự án. Việc cấp điện cho các thôn, làng chưa có điện, đơn vị cấp điện sẽ phải cấp điện đến tận nhà, người dùng điện không phải bỏ ra bất kì chi phí nào. Riêng 104 hộ dân xã Trà Thủy nhường đất, nhà, ruộng cho thủy điện Hà Nang nhưng nhiều năm nay vẫn không có điện, phải thắp đèn dầu, ông Trương Quang Dũng cho biết: "Sở sẽ đưa việc cấp điện cho 104 hộ dân tái định cư thủy điện Hà Nang vào danh sách "vùng lõm" để đầu tư cấp điện giai đoạn 2012 - 2020. Hi vọng, đến thời điểm này, 100% hộ dân tái định cư thủy điện Hà Nang sẽ không phải thắp đèn dầu nữa".

Ông Trương Quang Dũng cũng nêu ra một số khó khăn khi triển khai thực hiện dự án 700 tỉ này. Đó là dân cư sống thưa thớt, tình trạng du canh du cư; một số nơi chính quyền và người dân có thể gây khó khăn trong di dời cây cối, vật kiến trúc phục vụ cho việc kéo điện… Ông Dũng mong mỏi: "Dự án cấp điện cho thôn, làng chưa có điện thực sự là một dự án dân sinh, tất cả vì cuộc sống của nhân dân. Có điện, cuộc sống người dân "vùng lõm" chắc chắn sẽ đổi thay, khởi sắc. Vì thế, nhân dân và chính quyền cần phải đồng lòng cùng với ngành điện thực hiện thành công dự án. Có như thế, một ngày không xa, vùng cao, vùng sâu giữa đại ngàn, ánh điện sẽ sáng lung linh. "Việc phủ điện 100% "vùng lõm" còn góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đưa diện mạo miền núi của tỉnh ngày càng đổi thay, tiến gần với văn minh, hiện đại, phát triển và hội nhập" - ông Trương Quang Dũng khẳng định.


Bài, ảnh: Thanh Nhị
 


.