Người dân “vùng lõm” ở Quảng Ngãi mỏi mòn chờ điện- Kỳ 1: Bao đời điện vẫn chưa về

10:08, 02/08/2012
.

(QNg)- Sự mong mỏi có điện để sinh hoạt, sản xuất đã trở thành nỗi khát khao cháy bỏng thường trực trong từng bữa ăn giấc ngủ của người dân "vùng lõm". Trong đó có hàng trăm hộ dân, nhường đất đai, nhà cửa để xây dựng nhà máy thủy điện, nhưng gia đình họ vẫn sống trong cảnh đèn dầu. Khát vọng có điện càng trở nên cháy bỏng hơn bao giờ hết!

TIN LIÊN QUAN


Làng mình mong nhất là điện sáng thôi!

Từ ngày cung đường Trường Sơn Đông mở ra, diện mạo kinh tế- xã hội hai xã Sơn Mùa và Sơn Bua (Sơn Tây) thay đổi hẳn. Giữa đại ngàn mênh mông, một con đường nhựa phẳng lì, "cắt" đi sự tĩnh mịch một thời vây bủa nơi đây vì thiếu đường, thưa bóng người qua lại. Đường thì vậy, nhưng điện lại chưa mấy đổi thay. Cả xã có gần 400 hộ dân, nhưng Sơn Bua còn khoảng 30% hộ chưa có điện. Họ vẫn phải xuống núi mua từng chai dầu hỏa về thắp sáng vào mỗi đêm.

Khu dân cư Mang Rin, thôn Mang He, xã Sơn Bua bao đời nay vẫn chưa có điện.
Khu dân cư Mang Rin, thôn Mang He, xã Sơn Bua bao đời nay vẫn chưa có điện.


Chúng tôi có chuyến công tác về khu dân cư Mang Rin thuộc thôn Mang He, xã Sơn Bua và ở lại một đêm với người dân nơi đây. 6 giờ chiều, 35 căn nhà của hộ dân trong thôn đã đỏ đèn ăn cơm tối. Xong bữa, ngoại trừ nhà nào có con học bài, còn không đều tắt đèn đi ngủ. Không điện cả KDC này chẳng nhà nào có tivi. Đêm chưa đến mà cả làng chìm trong tĩnh mịch, chỉ có tiếng muỗi vo ve, tiếng suối róc rách. Trong ngôi nhà sàn nằm chon von trên lưng đồi, già làng Đinh Văn Dập thắp đèn, rót nước chè xanh mời chúng tôi uống. Nhấp ngụm nước, già Dập bảo rằng: "Cái bụng no rồi, bây giờ dân làng mình mong nhất là có điện sáng thôi. Cứ sống trong cảnh đèn dầu thế này, khó lòng mà vượt lên thoát nghèo, có cuộc sống văn minh, tiến bộ!", Già Dập cho biết, cái khổ nhất là do không có điện bọn trẻ con không có ánh sáng học bài, không được xem tivi...

Toàn huyện Sơn Tây hiện, còn khoảng vài chục khu dân cư chưa có điện. Một số nơi, người dân tự đầu tư tiền mua máy phát điện thủy điện nhỏ đặt ở những con suối. Công suất phát điện chỉ đủ dùng cho một bóng điện nhỏ sáng mỗi đêm độ vài giờ đồng hồ. Nơi "gần" những khu dân cư đã có điện rồi, dân bỏ tiền mua dây, cột kéo điện về nhà dùng. Thế nhưng, do đường dây quá xa, điện áp không đảm bảo, nên "mất" điện liên tục. Ông Đinh Văn Mập, ở xóm đồi Cà Rá xã Sơn Long (Sơn Tây) bức xúc nói: "Cái điện thắp sáng nếu không có Nhà nước cung cấp thì dân mình chẳng biết làm sao mà có điện cả. Tiền có cũng không tự mình mua được. Mong Nhà nước hiểu sự mong mỏi của bà con mình, sớm cấp điện cho dân".

Mất nhà vì thủy điện vẫn sống không có điện!

Phải khẳng định là, kể từ cuối năm 2010 khi Nhà máy thủy điện Hà Nang (Trà Thủy, Trà Bồng) đi vào hoạt động, diện mạo nông thôn miền núi nơi đây có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, hàng trăm hộ dân di dời nhà cửa, rời bỏ ruộng vườn để Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Tân xây dựng thủy điện đến nay vẫn sống trong cảnh không có điện. Mỗi đêm, 104 hộ dân nơi đây phải sử dụng đèn dầu.

Từ chân con suối Hà Nang chúng tôi vượt nhiều cây số để lên đến đỉnh núi cao hơn 1.000 mét so với mặt nước biển để đến khu tái định cư của người dân Thủy điện Hà Nang. Người ta vẫn gọi nơi đó là thôn 1 và thôn 4 xã Trà Thủy. Buổi tối, "làng tái định cư" yên ắng, chỉ có tiếng nước chảy. Trò chuyện với ông Hồ Xuân Tuấn, xóm 1, khu dân cư số 1 Trà Thủy, ông Tuấn bảo: "Nhà thì to, nhưng điện thì không có. Mình chẳng biết vì sao dân mình nhường đất để làm cái nhà máy phát điện lớn như thế mà lại phải thắp đèn dầu?". Ông Tuấn tặc lưỡi, bỏ đi sang nhà hàng xóm "mượn" tí dầu hỏa vì nhà ông hết dầu đã hai hôm, nhưng chưa xuống núi mua được.

Chưa nói đến bức xúc của người dân tái định cư dự án Thủy điện Hà Nang khi họ đang gặp phải muôn vàn khó khăn do đất định canh thiếu, không có công ăn việc làm, không có gạo nấu thì nỗi "ấm ức" không điện cũng không phải là nhỏ. Trong đó, khó khăn vào hạng "đặc biệt" chính là 74 hộ dân ở thôn 4 - nằm lọt thỏm giữa triền đất trống của hai con đập thủy điện này. Hàng ngày, họ  phải quần quật vào rừng kiếm củi, kiếm rau lo cho cái bụng, tối đến họ chỉ biết chờ cho đêm mau qua.  Hiện nay, mỗi tháng nhà máy này phát điện, hòa vào mạng lưới điện quốc gia bán điện, doanh thu nhiều tỉ đồng. Điều này là đáng mừng. Song việc để những hộ dân ở vùng này không có điện là đều không thể chấp nhận được.           


         Bài, ảnh: Thanh Nhị
                    (Còn nữa)
 


.