Mỏ cát Nhơn Lộc 1, xã Hành Tín Đông: Bị buông lỏng quản lí

09:08, 13/08/2012
.

(QNg)- Tuy chỉ được huyện Nghĩa Hành cấp phép khai thác cát ở 3 vị trí với diện tích 2,4 ha, nhưng hiện toàn bộ 4,8 ha của mỏ cát thôn Nhơn Lộc 1, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) trông nham nhở, vì bị đào bới và khoét sâu từ 3 - 5m...
 

3 doanh nghiệp (DN) được phép khai thác cát ở mỏ cát Nhơn Lộc 1 là các Công ty TNHH MTV: Chánh Thắng, Châu Phi và Sơn Anh với khối lượng 24.000m3 trong phạm vi 2,4 ha, độ sâu mỗi hố từ 0,5 - 1m. Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn ngược lại…

"Làm đúng quy định thì sao có lời!"

Đó là khẳng định của một chủ DN khi chúng tôi thắc mắc về những cái hố rộng, sâu đến 4 - 5m ở mỏ cát Nhơn Lộc 1. Bởi theo ông chủ này thì nếu lấy cát đúng độ sâu cho phép (từ 0,5 - 1m) thì DN sẽ… không có lời! Do đó, để bù lỗ thì trong quá trình khai thác, máy sẽ "móc" cát sâu hơn một vài phân chứ không có nhiều. Nhưng khi tôi nhờ một người dân cao 1,68 mét nhảy xuống các hố, rồi giơ thẳng cánh tay mà vẫn cách miệng hố xa lắc thì ông này chỉ biết im lặng và vội vàng ra về.  

 

 Máy xúc này làm việc liên tục để
Máy xúc này làm việc liên tục để "móc" cát và sạn.


Không chỉ bị "móc" sâu, mà mỏ cát Nhơn Lộc 1 còn bị đào rộng. Nghĩa là thay vì chỉ khai thác cát trong phạm vi được cấp phép 2,4 ha thì, chẳng biết vô tình hay cố ý mà các chiếc máy xúc lại vô tư cày xới gần như toàn bộ mỏ cát rộng hơn 4,8 ha này. Thế nên chỉ sau một thời gian ngắn được đưa vào khai thác, bãi cát bằng phẳng ngày nào giờ giống như miếng bánh bị gặm nham nhở, bởi sự xuất hiện của hàng trăm "hố bom" lớn nhỏ cùng những đống sạn được chất cao ngất. "Đó là do các DN vừa khai thác cát, vừa lấy sạn. Vì vậy, cứ chỗ nào có nhiều cát và sạn là họ ngang nhiên cho máy đến xúc chứ không cần biết diện tích đó có thuộc khu vực được cấp phép hay không", ông Nguyễn Công Trọng, trưởng thôn Nhơn Lộc 1 cho biết.  

Một vấn đề nữa là, việc khai thác cát theo kiểu "chỗ nào có thì vét" như thế đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến phần diện tích mà người dân đang canh tác sản xuất. Chỉ vào ruộng dưa hấu đang kì thu hoạch, ông Trương Bốn ngậm ngùi: "Ven bờ là đất pha cát, rất phù hợp với cây dưa. Nhưng từ khi cát ở đây bị khai thác ồ ạt thì phần diện tích này cũng bị mất dần. Ví như tôi trước đây trồng đến vài hecta dưa, giờ còn chưa tới 10 sào vì... hết đất". Nặng nỗi lo hơn ông Bốn, nhiều hộ dân ở thôn Nhơn Lộc 1 luôn trong tâm trạng thấp thỏm vì tình trạng sạt lở đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. "Vừa rồi, chỉ một vài trận mưa mà bờ sông bị lở mất 10m. Cứ cái đà này thì chỉ trong thời gian ngắn, đất và vườn của dân sẽ trôi sông mất", trưởng thôn Nguyễn Công Trọng lo lắng.    
 
Chính quyền buông lỏng quản lý


Theo người dân thôn Nhơn Lộc 1 thì, đây không phải là lần đầu các DN khai thác cát "ăn thêm" mà tình trạng này đã diễn ra từ năm 2011. Nhưng điều lạ là những việc làm này của DN đang diễn ra công khai, bị người dân thôn Nhơn Lộc 1 phản ứng gay gắt, nhưng khi trao đổi với chúng tôi, chính quyền xã Hành Tín Đông và Phòng TNMT huyện Nghĩa Hành đều bảo... không hề biết! Đến khi được chúng tôi cung cấp thông tin thì cả 2 đơn vị trên đều hứa sẽ đi kiểm tra và xử lí thật nặng các DN vi phạm!

Việc "phạm quy" của các DN khai thác cát ở mỏ cát Nhơn Lộc 1 không phải là trường hợp cá biệt, mà tình trạng này đã và đang xảy ra ở nhiều mỏ cát trong tỉnh. Bởi mới đây, người dân thôn Mỹ Khánh, xã Đức Thắng (Mộ Đức) cũng tổ chức chặn xe, ngăn không cho DN tiếp tục khai thác cát ồ ạt vì sợ sạt lở. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề này thì hầu như địa phương nào cũng cho rằng mục đích khai thác cát là để cải tạo lòng sông, đảm bảo dòng chảy nhằm hạn chế tình trạng sạt lở. Nhưng với kiểu khai thác "bức tử" sông như thế thì liệu mục đích trên có thực sự đạt được? Hay để rồi sau mỗi mùa mưa lũ, lòng sông được dịp mở ra và đất sản xuất của dân thì bị thu hẹp dần. Một điều khiến dư luận quan tâm nữa là: Liệu các cơ quan chức năng đã làm tròn nhiệm vụ quản lí của mình trong việc kiểm soát quá trình khai thác cũng như sản lượng cát mà DN thu được sau khi cấp phép hay cuối cùng, cũng chỉ nghe DN báo cáo? Cụ thể như ở mỏ cát Nhơn Lộc 1, dù 3 DN chỉ được phép khai thác 24.000m3 cát (8.000 m3/đơn vị) trong phạm vi 2,4 ha. Nhưng với kiểu "móc sâu cào rộng" như thế thì ai dám đảm bảo trong 6 tháng, sản lượng cát sẽ chỉ dừng lại ở con số trên?          
             

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.