Cần ngăn chặn "bán nhà 167"

02:08, 03/08/2012
.

(QNg)- Thành công của chương trình xây dựng "nhà 167" tại Quảng Ngãi đã được khẳng định qua con số hơn 12.000 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà mới, có thêm điều kiện làm ăn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, hiện nay ở xã Sơn Bua (Sơn Tây), nhà 167 xây xong, chủ nhân không ở mà bán trục lợi, gây bức xúc trong nhân dân, cần phải quyết liệt ngăn chặn…
 

TIN LIÊN QUAN


"Nhà của tao, tao bán"!

Sơn Bua là xã nghèo nhất nhì huyện Sơn Tây, nằm trên cung đường Trường Sơn Đông giáp ranh với xã Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Toàn xã có 385 hộ, 1.146 nhân khẩu. Hộ nghèo của xã chiếm 67%. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào phát rẫy trồng rừng, đốt rừng làm rẫy. Khi triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ hộ nghèo chưa có nhà ở, nhà ở dột nát không đảm bảo theo Quyết định 167, từ năm 2009 đến 2011 Sơn Bua có 165 hộ được hỗ trợ tiền làm "nhà 167". Đó là niềm vui lớn không chỉ của người dân mà còn của cả Đảng bộ, chính quyền xã. Với chủ trương cho phép người dân tận dụng cây gỗ tại địa phương cộng với số tiền hỗ trợ, tiền vay tổng cộng 24 triệu đồng, nhiều hộ nghèo trong xã đã xây dựng được "nhà to, cửa rộng".

Cột, kèo do các đối tượng mua “nhà 167” rồi “rã” ra để vận chuyển về xuôi bị phát hiện, thu giữ.
Cột, kèo do các đối tượng mua “nhà 167” rồi “rã” ra để vận chuyển về xuôi bị phát hiện, thu giữ.


Theo tính toán của xã, bình quân mỗi căn nhà 167, người dân đã vào rừng chặt đốn mang về từ 4,5 mét khối đến 7 khối gỗ tốt. Số gỗ này dùng làm ron, mè, cột, kèo và ván bao tường, lát nền. Nói chung tất tần tật vật liệu làm nhà đều bằng gỗ, chỉ có mái là lợp bằng ngói. Nhiều người dân địa phương cho biết, gỗ họ khai thác làm nhà chủ yếu là xoan đào, sáo đá, gõ, dỗi… có giá trị cao trên thị trường. Do thấy người dân làm nhà toàn bằng gỗ "xịn" có nhiều người ở địa phương khác đến ngỏ ý muốn mua lại căn nhà với giá tiền cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần giá tiền Nhà nước hỗ trợ làm nhà. Có người lại chỉ muốn mua dàn kèo, hàng cột - những thứ mà họ phát hiện là làm bằng gỗ quý. Và trong số 165 hộ được hỗ trợ làm nhà 167 đã có 6 hộ bán nhà lấy tiền chi xài cá nhân.

Ông Cao Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua đưa cho chúng tôi danh sách 6 hộ dân đã bán nhà 167. Đó là các hộ: Đinh Thị Ngọc, Đinh Văn Thời, Đinh Hưng Phấn, Đinh Văn Dân, Đinh Văn Thiêng, Đinh Văn Lượng. "Khi bị UBND xã phát hiện ngăn chặn, các hộ này đều lấy cớ là "nhà của tao, tao có quyền bán". Vì thế, rất khó xử lý"- ông Cao Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.

 Mua nhà lấy gỗ!

Trong 6 căn nhà 167 bị chủ nhân bán đi, chỉ có duy nhất trường hợp của ông Đinh Văn Lượng thôn Mang He do đã chết nên UBND xã không tiến hành xử lý việc bán nhà. Nhà của ông Lượng được ông Đinh Văn Vật - hàng xóm bỏ tiền ra mua để làm nhà sinh hoạt cộng đồng cho khu dân cư. Còn lại 5 hộ khác, sau khi mua được nhà, người mua không ở mà dỡ nhà chở gỗ đi nơi khác, vì mục đích mua nhà không phải để ở mà cái chính là kiếm gỗ! Thậm chí, có hộ dân bán dần bán mòn từng bộ phận căn nhà của mình theo nhu cầu của "khách hàng".

Ông Cao Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua cho biết: Xã đã phát hiện 2 trong 6 trường hợp bán nhà theo kiểu rã từng bộ phận để bán theo nhu cầu của người mua. Đó là hộ ông Đinh Văn Dân và hộ ông Đinh Hưng Phấn. Ông Đinh Văn Dân đã dỡ bán trước 8 cây cột, sau đó là ron, mè, ván bao tường. Khi UBND xã phát hiện, thì chỉ còn lại mấy miếng ván lát nền. Hộ ông Đinh Văn Phấn - người mua nhà đã "dọn" đi toàn bộ ván, ron, mè thì bị UBND xã phát hiện. Hiện trường của vụ mua - bán nhà 167 này chỉ còn lại 8 cây cột. UBND xã Sơn Bua tịch thu số cột này…

Chính quyền xã Sơn Bua cho rằng, sở dĩ xảy ra việc bán nhà 167 trong thời gian qua là xuất phát từ nhận thức của người dân. Sau khi thấy việc chính quyền "bật đèn xanh" cho "mở cửa rừng" để người dân vào rừng khai thác, tận dụng cây gỗ địa phương để làm nhà 167, nhiều hộ nghèo của xã đã có những căn nhà làm bằng gỗ quý. Thế là có nhiều người dân ở địa phương khác đến trả giá mua lại những căn nhà này, để "làm thủ tục chuyển nhà về xuôi", chứ hoàn toàn không phải mua để ở.
 
Quyết chặn cả bán lẫn mua!


Do nhận thức hạn chế, cuộc sống khó khăn, phần vì nghĩ rằng "bán nhà này ta vào rừng tìm gỗ làm nhà khác" nên một số hộ dân đã bán ngôi nhà mà mình đã đổ bao công sức cùng với hỗ trợ của Nhà nước mới tạo dựng nên. Xử lý những hộ dân đã bán nhà 167 của xã Sơn Bua là "cắt" toàn bộ các khoản hỗ trợ từ gạo, mắm, muối, dầu hỏa, bột ngọt, cây con giống… trong vòng 3 năm. Đó là biện pháp "răn đe" cần thiết nhưng chưa "đúng" và cũng chưa "đủ".

Để giúp người dân gắn bó, "yêu" căn nhà của mình, chính quyền và hội đoàn thể cần tăng cường vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của sự an cư. Từ đó không bán nhà 167 trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đồng thời, bám sát cơ sở, gần gũi nhân dân, nắm bắt kịp thời và có biện pháp ngăn chặn, không để những người dân địa phương khác đến địa bàn Sơn Bua mua nhà 167; tăng cường kiểm soát việc vận chuyển gỗ ra khỏi địa bàn dưới mọi hình thức, nhất là "chuyển nhà về xuôi". Khi phát hiện bán nhà, cần xử lý nghiêm khắc cả người bán lẫn người mua theo quy định của pháp luật, nhằm tạo sức răn đe những trường hợp đang có ý định mua bán những ngôi nhà 167 được làm bằng cả tình thương, trách nhiệm với mong mỏi giúp người nghèo giảm nghèo của toàn xã hội!


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.