Cá đồng một thuở…

09:08, 16/08/2012
.

(QNĐT)- Tháng Tám, nắng như đổ lửa, trên những cánh đồng lúa vàng đang bước vào mùa thu hoạch ở huyện Đức Phổ, nhiều nông dân cầm thau, chậu, thùng đựng nước đi bắt cá đồng. Đây là thời điểm cá đồng sinh sôi nhiều nhất trong vòng 2 thập kỷ qua.

TIN LIÊN QUAN


Chuyện của hai mươi năm trước

Sắp bước vào vụ thu hoạch, những thửa ruộng chín vàng được tháo cạn nước để thu hoạch vụ lúa hè thu 2012. Cá đồng tụ về những lõm trũng trên mặt ruộng, theo nước ra những con mương nhỏ. Người lớn, trẻ con chỉ việc đưa hai tay bắt lấy. Sau mỗi buổi như thế cũng kiếm được dăm lạng đến vài cân cá.

Ông Phạm Văn Trai – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phổ Cường hăm hở mang thùng đựng nước ra thửa ruộng trước nhà xắn quần rẽ lúa bắt cá, chân tay bê bết bùn đất. Cá rô lớn cỡ bằng ngón tay cái, thi nhau quẫy rột roạt trong vũng nước nhỏ hơn chiếc nón lá của phụ nữ đội ra đồng. Đây là nơi trú ngụ của chúng trước lúc bị bắt hoặc bị chết khô khi những giọt nước cuối cùng thấm vào lòng đất.

   Anh Nguyễn Hiền Thanh đang bắt cá đồng trong vũng nước đọng trên mặt ruộng
Anh Nguyễn Hiền Thanh đang bắt cá đồng trong vũng nước đọng trên mặt ruộng


Chỉ khoảng dăm phút, ông đã “tóm” được hơn nửa cân cá rô thóc (cá rô loại nhỏ). “Hơn 20 năm rồi, giờ tôi mới tìm lại được cảm giác thích thú khi bắt cá đồng trên ruộng lúa. Thuở còn trai trẻ, cứ sắp bước vào vụ gặt, tôi cùng mọi người luôn mang thau, chậu ra đồng rẽ lúa bắt cá. Những năm gần đây, bắt cá đồng chỉ còn trong hoài niệm. Giờ tìm lại được cảm giác như thế nên nhiều người dù tóc đã hoa râm vẫn hăm hở ra đồng bắt cá” – ông nói.

    Sau nhiều lần điện thoại mời gọi, tôi đến nhà anh Võ Hiền – Cán bộ Đài truyền thanh xã Phổ Cường và được anh chiêu đãi bữa rượu với món cá rô chiên xù ăn kèm khế chua, chuối chát và rau thơm.

“Từ thuở lên mười, trước mỗi vụ gặt, tôi cùng với lũ bạn thường rẽ lúa bắt cá đồng. Ngày ấy, cá đồng nhiều vô kể, chỉ nửa buổi mò bắt cũng kiếm được dăm bảy cân cá rô, cá sặc, cá lóc, cá trê… Mang về đem biếu bà con hàng xóm và cho vào lu nước để ăn dần, bán cũng chẳng ai mua vì rất nhiều người đi bắt cá. Thậm chí, cá quá nhiều, ăn không xuể, đành dùng làm thức ăn cho heo…”- anh cho biết.

Vị ngọt béo của cá rô chiên xù xen lẫn vị chua của khế, vị chát của chuối, hương thơm dịu từ rau thơm chấm với nước mắm pha chế chanh, đường, ớt, tỏi thật không gì ngon bằng.  

Chị Nguyễn Thị Trang buôn bán cá ở chợ Đức Phổ cho biết: Từ đầu tháng Tám đến nay, nhiều người mang cá rô đồng loại nhỏ đến bỏ mối với giá từ 13.000 – 15.000 đồng/kg (cá rô nuôi ngày thường từ 40.000 – 45.000 đồng/kg). Tuy giá khá rẻ, nhưng rất ít khách mua vì nhiều người bắt cá ngay trên những thửa ruộng của gia đình rồi để dành ăn dần…     

Xin đừng là hoài niệm…!  

Sau khoảng 30 phút, anh Nguyễn Hiền Thanh đã bắt được hơn 2kg cá lúc nhúc trong vũng nước sắp cạn khô. “Chỉ toàn cá nhỏ, cá lớn có giá trị cao đã bị những người dùng xung điện bắt hết rồi còn đâu! Họ lùng sục kích điện khắp các sông suối, ao, hồ… cá lớn, cá bé và nhiều loài thủy sinh đều không thoát khỏi sự hủy diệt của dòng điện quái ác ấy. Với lại, tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan trong những năm gần đây cũng đã làm ảnh hưởng đến sự sinh sôi của cá đồng. Vì vậy mà hiện giờ cá đã xuất hiện trở lại trên ruộng lúa, nhưng chỉ toàn là cá nhỏ và ít hơn nhiều so với trước…” – anh than thở.

Theo nhiều người dân mưu sinh bằng việc đánh bắt thủy sản trên địa bàn huyện Đức Phổ thì trong thời gian gần đây lượng cá nước ngọt trên các sông, hồ, kênh rạch… đã gia tăng trở lại so với trước. Nguyên nhân là một số người đã chuyển qua mưu sinh bằng những nghề khác thay vì chuyên dùng xung điện hoặc những kiểu đánh bắt tận diệt như: lưới trũ, đăng quầng… để bắt cá.

Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân đã chuyển đổi phương thức canh tác lúa theo mô hình “3 giảm, 3 tăng”, nên giảm đáng kể lượng phân đạm và thuốc trừ sâu trên đồng ruộng, tạo điều kiện cho đàn cá sinh sôi. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng liệu có bền vững?

Theo chân anh Võ Văn Tính ở xã Phổ Ninh đi dọc trên một đoạn suối, tôi đã tận mắt chứng kiến sự hủy diệt của xung điện đối với các loài thủy sinh. Hai chiếc vợt đấu nối dòng điện khoắng xuống nước, cá lớn, cá bé nằm trong bán kính khoảng 1,5m đều chết giật, nổi lềnh bềnh, may mắn thoát chết cũng “tàn phế”, bơi lượn dật dờ.

“Dẫu biết làm như vậy là “ăn” luôn cả phần của con cháu mai sau, nhưng đánh bắt kiểu này thu nhập cao hơn hẳn so với những cách khác, cũng bởi vì cuộc mưu sinh thôi mà!? Đâu chỉ riêng tôi, vẫn còn nhiều người dùng xung điện để đánh bắt. Và khi lượng cá tăng trở lại, chắc chắn số người dùng xung điện sẽ gia tăng gấp bội” – anh nói.

Những người đang dùng xung điện đánh bắt cá
Những người đang dùng xung điện đánh bắt cá


Năm 1998, Chính phủ đã ra chỉ thị về việc nghiêm cấm khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện và chất độc. Các cấp, ngành chức năng cũng đã ra nhiều văn bản nghiêm cấm hành vi dùng xung điện đánh bắt hải sản với những hình thức xử lý nghiêm (nếu vi phạm). Tuy nhiên, vẫn có nhiều “tay vợt” ngang nhiên dùng xung điện đánh bắt cả ngày lẫn đêm với lý do “vì mưu sinh”!?

Đức Phổ, vùng quê nằm giữa rừng và biển, nơi có bốn dòng sông là sông Thoa, Trà Câu, Lò Bó và sông Trường cùng với nhiều đầm, ao, hồ, kênh rạch và hàng nghìn hécta lúa nước, nơi cư ngụ lý tưởng cho những loài cá nước ngọt.

Trong những thập niên trước, nhiều loài cá nước ngọt và các loài thủy sinh khác luôn hiện diện trong bữa cơm của người dân quê. Chỉ cần vài giờ đồng hồ lội đồng bắt cá, be bờ tát cá ở những đoạn mương nhỏ cũng đủ làm thức ăn cho cả gia đình trong vòng mươi ngày. Việc bắt cá đồng thuở ấy đã lưu lại trong trí nhớ của nhiều người dân quê, hiển hiện trong những buổi chuyện trò dưới bóng tre làng… Và hơn hai thập niên trôi qua, hình ảnh lội ruộng bắt cá đồng của ngày xưa lại hiện về. Xin những hình bóng ấy còn mãi, đừng nên là hoài niệm…!


Trang Thy
 


.