Những thương binh "tàn nhưng không phế"

07:07, 28/07/2012
.

(QNg)- Trong chiến tranh họ đều là những người lính. May mắn hơn hàng ngàn đồng đội đã ngã xuống, họ trở về với thân thể không còn nguyên vẹn. Nhưng với quyết tâm của người lính, những thương binh ấy vẫn nỗ lực  phát triển kinh tế gia đình,  góp công sức của mình để xây dựng quê hương đất nước.
 
"…Hiện tại vẫn làm đẹp cho đời"

Ông Võ Minh Huấn (SN 1954) ở xã Đức Minh (Mộ Đức) là thương binh hạng 2/4. Sinh ra và lớn lên ở một miền quê giàu truyền thống cách mạng, ngay từ nhỏ, cậu bé Huấn đã tiếp bước các bậc cha chú tham gia phục vụ cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, cha mẹ ông làm cơ sở nuôi giấu cán bộ nằm vùng. Lúc đó ông còn nhỏ nhưng đã được giao nhiệm vụ cảnh giới, theo dõi hoạt động càn quét của địch để cung cấp tin tức cho cán bộ cách mạng.

Ông Huấn vui vầy cùng cháu nội sau những giờ làm việc vất vả.
Ông Huấn vui vầy cùng cháu nội sau những giờ làm việc vất vả.


Năm 1965, xã Đức Minh được giải phóng, trở thành căn cứ cách mạng vùng Đông huyện Mộ Đức. Ông Huấn tham gia vào Đội Thiếu niên tiền phong. Năm 1967 ông làm liên lạc cho Đảng ủy xã và Xã đội Đức Minh. Đến năm 1973, khi mới 19 tuổi ông đã làm Xã đội trưởng, trực tiếp chỉ huy lực lượng du kích đánh địch lập được nhiều chiến công. Bản thân ông tự mày mò nghiên cứu cách đặt mìn và đã phá hủy 1 xe tăng, diệt được nhiều tên địch, góp phần cùng quân và dân trong xã bảo vệ vững chắc vùng giải phóng.

Sau ngày giải phóng, ông Huấn giữ cương vị  Bí thư Đảng ủy xã Đức Minh suốt 28 năm. Chiến tranh đã để lại hậu quả rất nặng nề đối với Đức Minh lúc bấy giờ. Nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương từ hai bàn tay trắng đã đặt ông trước muôn vàn khó khăn thử thách. Nhưng với ý chí kiên cường của Anh Bộ đội Cụ Hồ, ông cùng Đảng bộ và nhân dân xã nhà đã xây dựng khối đoàn kết, thống nhất, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, đưa xã Đức Minh từng bước phát triển vươn lên trên các lĩnh vục kinh tế, văn hóa, xã hội…

Không chỉ xây dựng quê hương, ông Huấn còn tích cực phát triển kinh tế gia đình. Vợ ông bảo: "Lúc đó khó khăn lắm, ban ngày ông ấy dành hết thời gian làm việc ở cơ quan, đêm về thấy vợ cực khổ làm việc, con cái lại còn quá nhỏ chưa giúp đỡ được gì, ông ấy lại cùng tôi đi làm rẫy, cuốc ruộng đến gần sáng mới về nghỉ ngơi. Cực khổ là vậy nhưng tôi chưa thấy ông ấy than vãn gì, dù mang trong người nhiều mảnh đạn luôn gây đau đớn mỗi khi trái gió trở trời".

Từ năm 2008, ông Huấn bắt đầu nuôi tôm. Ông được mệnh danh là người "dự báo tôm". Vì nhiều lần, ông cảnh báo những người làm tôm trong xã rằng, vụ này nếu làm sẽ lỗ. Đúng vậy, vụ đó bà con thả giống, đến giữa vụ gặp dịch và mất trắng. Ai cũng bảo ông tài, ông cười xòa đáp: "Tôi chỉ dựa theo kinh nghiệm thôi mà!". Nhờ phấn đấu làm lụng, hàng năm gia đình ông cũng thu được trên trăm triệu. Hỏi ông suốt bao nhiêu năm làm việc, dành dụm thì tài sản lớn nhất của ông là gì? Ông trả lời vui vẻ: "Tài sản lớn nhất của tôi là ba đứa con đã trưởng thành và đám cháu nội, ngoại khỏe mạnh, ngoan ngoãn đó!".

"Quá khứ vinh quang chỉ được trân trọng khi hiện tại vẫn tiếp tục làm đẹp cho đời", câu nói của Bác Phạm Văn Đồng được ông Huấn khắc cốt, ghi tâm. "Quá khứ vinh quang" của ông cùng đồng đội trên mảnh đất Đức Minh được tiếp nối bởi những việc làm đầy ý nghĩa góp phần không nhỏ trong việc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Vừa qua, ông vinh dự được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH tặng Bằng khen là người có công cách mạng tiêu biểu trong lao động sản xuất và công tác toàn quốc năm 2012.

"Mạnh dùng sức, yếu dùng chước"

Đó là phương châm của người thương binh Đỗ Đức Sâm (SN 1954) ở xã Phổ Nhơn (Đức Phổ). Là quân nhân thuộc đơn vị Phòng Hậu cần - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghĩa Bình, ông Sâm bị thương trong khi làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Rời quân ngũ về sống với gia đình tại quê nhà, kinh tế gặp nhiều khó khăn, cha mẹ già yếu, ông trằn trọc nhiều đêm tìm cách phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy thế mạnh của vùng đất quê mình là đất đồi trọc còn bỏ hoang nhiều, ông xin được một ít đất gò đồi hoang hóa để trồng cây bạch đàn. Lăn lội xuống lâm trường học cách lấy hạt và quy trình ươm cây bạch đàn con, mỗi năm ông ươm được hàng chục ngàn cây. Không có tiền trả công cho bà con cấy cây, làm cỏ, ông nghĩ ra cách trao đổi công lấy cây giống. Lấy ngắn nuôi dài, lúc bạch đàn còn nhỏ, ông trồng xen canh khoai lang, mì, bán cây giống để có tiền mua phân bón, mua bò… Từ 1 con bò ông gầy dần lên được đàn bò 8 con, tiền bán bò và củ mì đã cải thiện phần nào cuộc sống trong gia đình.

Dần dần ông Sâm phát triển đất vườn đồi của mình trồng thêm cây keo, cây mía, góp phần giải quyết việc làm cho bà con trong thôn xóm vào lúc mùa vụ. Tích tiểu thành đại, bằng nguồn thu nhập từ cây bạch đàn, keo, mía và chăn nuôi bò, hàng năm gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng, đời sống tăng lên đáng kể. Ông bảo: "Mặc dù sức khỏe không còn tốt nhưng nhờ nghĩ ra được nhiều cách để có thể phát triển kinh tế, giờ cuộc sống gia đình tôi đã ổn định, con cái được học hành đầy đủ. Bấy nhiêu đó khiến tôi rất hạnh phúc".


Bài, ảnh: Xuân Hiếu
 


.