Những ngôi nhà... hoang bên sông Re

02:06, 06/06/2012
.

(QNg)- Khu tái định Làng Bun, xã Sơn Ba (Sơn Hà) được xây dựng để tái định cư cho 50 hộ dân người Hrê của xóm Cạp Pala. Thế nhưng, dự án đã "hoàn thành" gần 2 năm nay lại không có một hộ nào vào đây để sinh sống, trong khi họ phải ở nơi cũ dưới chân núi có nguy cơ sạt lở cao.

TIN LIÊN QUAN


Nhà xây đã lâu không thấy... người

Chúng tôi có mặt tại khu tái định cư Làng Bun vào một ngày cuối tháng 5. Trên khu đất bằng phẳng có gần 50 ngôi nhà được xây dựng. Những ngôi nhà được dựng lên bằng phên nứa, mái lợp tôn xi măng. Hệ thống điện đã kéo dây đến tận nơi nhưng chưa được đóng điện. Dọc hai bên dãy nhà là 4 bể nước công cộng. Có cả một ngôi trường mẫu giáo được xây kiên cố. Thế nhưng, tất cả đều bỏ hoang, không có người ở.

Hơn 30 ngôi nhà được xây dựng nhưng lại bỏ không hơn 2 năm nay vì người dân không có điện và nước để dùng.
Hơn 30 ngôi nhà được xây dựng nhưng lại bỏ không hơn 2 năm nay vì người dân không có điện và nước để dùng.


Cách đó không xa, 50 hộ dân trong diện di dời ra khu tái định cư này vẫn đang sinh sống dưới một ngọn núi cao dốc đứng. Những người dân trong làng cho biết, trên ngọn núi đã phát hiện những vết nứt lớn từ năm 2008. Có người cho biết vết nứt rất rộng, đã có một con trâu bị sảy chân chết tại vết nứt này. Tất cả các hộ dân dưới chân núi nằm trong diện di dời ra bên ngoài để tránh nguy cơ lở núi đe dọa và đã có khoảng hơn 30 ngôi nhà được người dân xây dựng ở khu TĐC. Tuy nhiên, họ chỉ ở được vài ngày lại quay về nơi cũ cho đến giờ. Ông Đinh Văn Trỉm, xóm Cạp Pala cho hay, ở chỗ này rất đẹp, thuận lợi nhưng không có nước, không có điện thì sao mà ở được, chúng tôi phải về nhà cũ để sống.

Bao giờ dân sẽ ở?

Khu TĐC Làng Bun do Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT) làm chủ đầu tư, kinh phí xây dựng gần 2,7 tỷ đồng,  diện tích nền 28.000 m2. Dự án được khởi công vào tháng 6/2009, dự kiến đến cuối năm 2010 đưa vào sử dụng để bố trí tái định cư cho 50 hộ dân ở xóm Cạp Pala ra khỏi vùng nguy hiểm sạt lở núi. Tuy nhiên, sau khi giải phóng mặt bằng, cấp đất cho dân thì người dân không ra ở. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Kỳ Ân- Chi cục trưởng Chi cục PTNT cho biết, sau khi giải phóng xong mặt bằng cấp đất cho người dân thì điện vẫn chưa thể đóng vì còn vướng các thủ tục bên phía điện lực.

Trong suốt năm 2011, khu tái định cư này vẫn chưa thể đóng điện. Chúng tôi cũng đã làm việc với huyện Sơn Hà về bàn giao và đưa dân ra ở. Phía huyện Sơn Hà đề nghị cần xây thêm một đoạn đường bê tông và hệ thống thoát nước cho khu tái định cư. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể sửa chữa lại hệ thống nước sinh hoạt và đóng điện, còn các hạng mục bổ sung thì huyện phải bỏ tiền ra làm, vì dự án không có nguồn vốn  bổ sung các hạng mục đó. Sau khi sửa chữa lại hệ thống nước và đóng điện chúng tôi sẽ bàn giao khu TĐC cho huyện, còn việc vận động người dân ra khu tái định cư là việc của chính quyền địa phương.

Theo quan sát của chúng tôi thì người dân rất khó ra ở khu TĐC trong thời gian đến vì, sau 2 năm làm nhà tại đây, hầu hết các ngôi nhà đã bị hư hỏng. Ông Đinh Văn Sang - trưởng thôn Làng Bun cho biết, trước đây, khi hoàn thành giải phóng mặt bằng, mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng để di dời tài sản, họ đã dùng số tiền trên để xây dựng những ngôi nhà mới, nhưng nay thì đã hỏng, không còn ở được. "Nếu có điện, có nước thì những ngôi nhà đã xây không phải bỏ không lãng phí, để bây giờ phải phá bỏ đi làm lại nhà mới, rất khó khăn cho dân"- ông Sang bày tỏ.

Để người dân vùng sạt lở núi có nơi ở ổn định, chủ đầu tư cùng chính quyền địa phương cần phối hợp để sớm hoàn thiện dự án, đừng để tiền tỷ bỏ xuống nhưng người dân vẫn sống trong lo sợ.


Bài, ảnh: XUÂN THIÊN
 


.