Nhọc nhằn chuyện trồng rừng trên đảo Lý Sơn
Kỳ 2: Không chỉ dựa vào “nước sông - công lính”

07:06, 06/06/2012
.

(QNg)- Dự án trồng rừng phòng hộ cảnh quan môi trường ở huyện Lý Sơn có tổng đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Hiện tại đã có 20 ha rừng được trồng nhưng chỉ bằng "nước sông - công lính"… Những người trong cuộc phản ánh rất nhiều vướng mắc, bất cập của dự án này đến UBND tỉnh, mong sớm được quan tâm tháo gỡ.

TIN LIÊN QUAN


Bất cập từ "giấy khai sinh"

Mặc dù mới triển khai trồng được 20 ha rừng, tập trung chủ yếu trên núi đá Thới Lới và cây cảnh quan dọc các trục đường giao thông, cơ quan nhà nước trên huyện đảo, nhưng dự án trồng rừng đã bộc lộ quá nhiều bất cập. Từ chuyện gieo ươm giống đến tiêu chuẩn cây giống; giống cây và cách thức đào hố, trồng cho đến chăm sóc, bảo vệ rừng.

Bộ đội đảo Lý Sơn nhọc nhằn tưới nước đảm bảo sự sống cho cây.
Bộ đội đảo Lý Sơn nhọc nhằn tưới nước đảm bảo sự sống cho cây.


Trong dự án được phê duyệt, tiêu chuẩn cây giống là 6 tháng tuổi, có chiều cao 0,8 đến 1,2 mét; thời gian trồng hơn 120 ha rừng phòng hộ, rừng cảnh quan trong năm 2011 - 2012. Nếu căn cứ theo quy định này, thì phải mất nửa năm ươm thì mới có cây giống để trồng; trong khi nguồn giống cây con của dự án này bắt buộc phải ươm, chứ không thể mua từ các nguồn cung ứng giống khác, vì sẽ khó thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của đảo. Hơn nữa, chiều cao của cây quy định cũng chưa phù hợp và thực tế khi trồng những cây cao 1,2m đều bị gió biển quật làm gãy, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây.

Việc tính công đào hố trồng cây cũng không phù hợp. Theo tính toán của những người đưa ra dự án, một công có thể đào tới 35 hố/ngày. Tuy nhiên, thực tế những người trực tiếp đào hố, trồng rừng thì tích cực lắm một ngày chỉ đào được 1 hố mà thôi. Đồng chí Trần Đại Nhân - Phó đại đội trưởng Đại đội bộ binh 1 thuộc cơ quan Quân sự huyện Lý Sơn cho biết: "Do địa hình toàn đá, nên sau khi đào hố xong, bộ đội phải lấy đất từ nơi khác về đổ vào hố, nên có giỏi lắm thì trong một ngày một đồng chí chỉ hoàn thành được 1 hố trồng theo chuẩn quy định". Việc đào hố cũng không chỉ đơn thuần là sử dụng 1 dụng cụ mà nhiều vị trí phải sử dụng đến 5 loại dụng cụ: cuốc, thuổng, xà beng, búa, đục để "phối hợp" thực hiện.

Chuyện tưới cây còn nhọc nhằn hơn trồng cây. Bộ đội phải xách từng thùng nước từ dưới chân núi lên đỉnh núi để tưới vào từng gốc cây. Cũng có đơn vị dùng ống nhưng điện yếu, nước thiếu, nhiều khi dụng cụ tưới này không phát huy tác dụng. Đại đội phó Đại đội Bộ binh 1 Trần Đại Nhân cho rằng: "Trồng cây ở đảo khó, nhưng giữ cho cây sống mới là quan trọng. Bộ đội đã làm hết mình, nhưng do thiếu công cụ, phương tiện tưới nên có nhiều khả năng cây trồng sẽ khó sống được trong điều kiện nắng nóng như hiện nay". Khó là thế, nhưng trong phương án trồng rừng được phê duyệt chỉ nêu mỗi một câu: "Tưới nước cho cây trồng trong 2 năm đầu sau khi trồng để đảm bảo cho rừng trồng đạt tỷ lệ sống 95%". Việc tưới và tưới như thế nào thì dự án không đề cập - một khâu quan trọng quyết định sự sống còn của dự án lại bị bỏ ngỏ!

Lắng nghe và thấu hiểu!

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Ân - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhiều lần khẳng định: "Đây không chỉ đơn thuần là một dự án. Tất cả các yếu tố của dự án này phải được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa vào thực hiện. Việc trồng rừng ở đảo Lý Sơn có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc hoạch định dự án đúng; quyết tâm thực hiện cao".

Về mặt quyết tâm thực hiện dự án, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Võ Văn Hưng khẳng định chắc chắn rằng: "Bộ đội sẽ làm được! Thế nhưng bộ đội rất cần sự thấu hiểu, sẻ chia của các ngành, các cấp liên quan, đặc biệt là phải nghiên cứu cấp phát vốn kịp thời". Chúng tôi đã nhiều lần theo các anh bộ đội lên núi đào hố, trồng cây, tưới cây và có một nhận định: "Trồng rừng ở đảo Lý Sơn không đơn thuần là một dự án"! Vất vả, cực nhọc gấp năm mười lần và bộ đội làm với tất cả trái tim, tinh thần, trách nhiệm của một người lính! "Dẫu quyết tâm cao là vậy, nhưng nếu không được cấp phát vốn, chắc chắn dự án trồng rừng sẽ chẳng thành rừng được" - Thượng tá Trần Ngọc Quận - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng cơ quan Quân sự huyện Lý Sơn cho biết.

Chuyện giữ rừng trồng ở Lý Sơn cũng muôn vàn khó khăn. Hàng ngày có hàng trăm con bò của người dân thả rông trên các quả đồi. Chúng vừa vặt hết lá cây, vừa dẫm nát, phá gãy nếu không có sự bảo vệ kỹ lưỡng. Nhiều khi chỉ cần bộ đội lơ là trong chốc lát, đàn bò vài chục con đã có thể nhổ gốc, ăn trụi lá đến hàng trăm cây trồng. Ngoài canh giữ, bộ đội còn phải tổ chức vận động tuyên truyền để người dân hiểu, không thả bò lên núi, nhưng xem ra vấn nạn này vẫn không thuyên giảm. "Chính quyền cần có biện pháp can thiệp ngăn chặn nạn thả bò rông, góp phần cùng bộ đội giữ rừng" - Phó Chỉ huy trưởng Tham mưu trưởng cơ quan Quân sự huyện Lý Sơn Trần Ngọc Quận kiến nghị.

Đối với chọn giống cây trồng, bộ đội Lý Sơn mong muốn cơ quan có thẩm quyền nên đưa giống dứa dại -loại cây giữ nước tốt và có khả năng chống chọi với nắng hạn khắc nghiệt của đảo vào trồng. Loại cây này bò lại không ăn, nên tránh được sự phá hoại của nạn bò thả rông. Thượng tá Trần Ngọc Quận đề nghị: Các cơ quan có thẩm quyền quan tâm đến việc thực hiện dự án, đặc biệt là phân khai vốn, cấp phát phương tiện đào hố, tưới cây, để bộ đội có điều kiện trồng và chăm sóc rừng".

Ngoài ra, UBND tỉnh cần chỉ đạo giải quyết dứt điểm sự chồng chéo giữa hai dự án trồng rừng trước đây; bồi thường giải tỏa để bàn giao mặt bằng, chuẩn bị tiến hành trồng rừng vào mùa mưa tới. Hiện tại, có hơn 40,8 ha rừng trồng của hộ gia đình quản lý chưa được kiểm kê, đền bù để bàn giao thực địa cho bộ đội trồng rừng. Khi tất cả những kiến nghị này được UBND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền liên quan tiếp thu, khắc phục thì dự án trồng rừng ở Lý Sơn mới có thể trở thành hiện thực, để hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc trở thành "đảo ngọc - đảo xanh" như mong ước của nhân dân cả nước.


Thanh Nhị
 


.