Ngăn ngừa tội phạm trong thanh thiếu niên

01:06, 05/06/2012
.

(QNg)- Hè đến là dịp để học sinh, sinh viên được nghỉ ngơi sau 1 năm học. Thế nhưng, mỗi độ hè về có thể sẽ là lúc một bộ phận học sinh sinh viên có hành vi vi phạm pháp luật. Sự phối hợp thực hiện các mô hình phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên vào thời điểm này là đặc biệt cần thiết…

Nhiều năm nay, Sở Tư pháp đã tích cực tổ chức thực hiện nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 14 câu lạc bộ pháp luật tại các đơn vị trường học và xã, thị trấn. Trong đó có 6 câu lạc bộ "Tuổi trẻ phòng chống tội phạm" ở các Trường THPT chuyên Lê Khiết, Trần Quốc Tuấn, Lê Trung Đình, Dân tộc nội trú tỉnh, số 1 Sơn Tịnh,  số 2 Mộ Đức; 7 câu lạc bộ "Thanh niên với pháp luật" tại phường Trần Hưng Đạo (TP Quảng Ngãi), Bình Đông (Bình Sơn), Trà Xuân (Trà Bồng), Trà Bình (Trà Bồng), Phổ Cường (Đức Phổ), Đức Lân (Mộ Đức), Hành Thuận (Nghĩa Hành). Thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, các hội viên thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ; phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS, phòng chống bạo lực gia đình...

Học sinh Trường THPT Tây Trà (Tây Trà) trong giờ học giáo dục công dân.
Học sinh Trường THPT Tây Trà (Tây Trà) trong giờ học giáo dục công dân.


Ngoài ra, UBND tỉnh tổ chức cuộc thi: "Thanh niên tuyên truyền pháp luật giỏi" tỉnh Quảng Ngãi lần thứ I cho 7 câu lạc bộ "Thanh niên với pháp luật" nội dung tập trung Luật Dân sự, Hình sự, Hôn nhân và gia đình, Phòng chống bạo lực gia đình, tội phạm thanh thiếu niên; an toàn giao thông, môi trường… nhằm tạo "sân chơi" bổ ích, giúp thanh niên nâng cao ý thức phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức các cuộc thi như: Hội thi "Nông dân với pháp luật"; "Nông dân với An toàn giao thông"; "Phụ nữ với pháp luật", "Tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình", "Bình đẳng giới"; "Liên hoan các CLB Gia đình văn hóa"… Từ đó, tạo điều kiện để thanh thiếu niên tiếp cận với kiến thức pháp luật, có thể phòng tránh việc vi phạm cho bản thân; đồng thời động viên người dân, gia đình chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Tại nhiều địa phương, nhất là ở vùng miền núi, hải đảo, việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho đối tượng là học sinh, sinh viên đạt hiệu quả rất cao. Bà Trần Thị Cẩm Tú - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) cho biết: "Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc tuyên truyền có thể thông qua con em là học sinh, từ đó góp ý với cha mẹ những việc pháp luật cấm, hạn chế sẽ dễ dàng được cha mẹ chấp nhận".

Thực tế, trong vụ việc nghi kỵ cầm đồ thuốc độc xảy ra tại xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) vào  tháng 2/2012, nhờ sự tuyên truyền, giải thích tận tình của các ban, ngành, đoàn thể và giáo viên mà các em học sinh đã vận động cha mẹ không nên nghi kỵ lẫn nhau, sống chan hòa, đoàn kết. Nhiều gia đình cán bộ huyện về giải thích không chịu từ bỏ ý định giết người "có đồ độc", nhưng khi nghe con em giải thích họ thôi không nghi kỵ nữa. Lãnh đạo huyện Sơn Hà thừa nhận, trong kết quả giải quyết vụ việc nghi kỵ cầm đồ thuốc độc ở Sơn Kỳ có công sức đóng góp không nhỏ của các em học sinh là con em người đồng bào H'rê nơi đây. Ông Đinh Văn Phẩm - Chủ tịch UBMTTQVN huyện Sơn Hà cho biết: "Tuyên truyền pháp luật cho học sinh là đặc biệt quan trọng, không những giúp các em nâng cao nhận thức, không vi phạm pháp luật mà thông qua các em, vận động những người thân trong gia đình cùng chấp hành pháp luật".

Nhìn chung, từ năm 2011 đến nay, Sở Tư pháp đã tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên và phụ nữ. Mô hình tuyên truyền pháp luật luôn được đổi mới phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là việc thành lập các câu lạc bộ pháp luật. Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh còn phối hợp với Công an tỉnh tổ chức thực hiện tốt nghị quyết liên tịch: "Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội", góp phần bảo đảm và giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn một bộ phận người dân, do tập trung làm kinh tế, thiếu quan tâm đến con cái, thậm chí là phó mặc việc dạy dỗ con cho nhà trường, xã hội dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật ngày càng có chiều hướng gia tăng, phức tạp. Chính vì vậy, để công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trong thanh thiếu niên theo đúng tinh thần Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 23/4/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường, chính quyền, ngành chức năng. Đó là cách bảo vệ các em tránh rơi vào tệ nạn, hủy hoại cả tương lai phía trước.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.