Khốn khổ vì vướng quy hoạch tuyến đường Dung Quất-Sa Huỳnh

09:06, 03/06/2012
.

(QNĐT)- Dự án đường Dung Quất-Sa Huỳnh được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2007 với chiều dài gần 100 km đi qua các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và TP. Quảng Ngãi. Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng, tuy nhiên quá trình thi công dự án này đã gây ra nhiều nỗi khó khăn cho nhân dân sống gần tuyến đường đi qua.

TIN LIÊN QUAN


Hiện nay, tuyến đường Dung Quất- Sa Huỳnh đang trong quá trình thi công giai đoạn 1, đoạn Dung Quất- Trà Khúc, Mỹ Khê dài 29 km. Tuyến đường đi qua nhiều xã, huyện trong tỉnh hứa hẹn đời sống kinh tế của nhân dân trong vùng sẽ đi lên. Thế nhưng, cũng vì việc giải phóng mặt bằng để xây đường, nhiều hộ dân phải “dở khóc dở cười” vì bị ảnh hưởng đến việc sản xuất và sinh hoạt hằng ngày.

Đất ruộng bỏ không vì có đường mới

Những ngày này, nông dân khắp nơi trong tỉnh đang khẩn trương vào vụ gieo sạ mới theo đúng lịch thời vụ. Tuy nhiên, trái hẳn với không khí khẩn trương ấy, khu đất ruộng rộng hơn 3,2 ha của 59 hộ dân thuộc thôn Khê Thủy, xóm Trường Định, (xã Tịnh Khê, Sơn Tịnh) chẳng được quan tâm, chăm sóc nhiều cho vụ mới.

Cách đây 3 năm, đoạn đường Trà Khúc- Mỹ Khê thuộc tuyến Dung Quất-Sa Huỳnh qua Tịnh Khê được khởi công xây dựng, đã ngăn nước thủy lợi Thạch Nham về tưới tiêu cho 3,2 ha đất ruộng ở phía đông đường. Ông Võ Văn Nô- sở hữu hơn 2 sào đất tại khu này cho biết: Năm 2010, theo quyết định của UBND tỉnh, tuyến đường Trà Khúc- Mỹ Khê được thi công, đi ngang qua cánh đồng của dân xóm Khê Thủy. Đường mới, rộng rãi mở ra ai ai cũng phấn khởi. Thế nhưng cũng vì con đường này mà lắm ruộng đất phải bỏ không.

 

Khu đất ruộng bị bỏ không sau khi tuyến đường Dung Quất- Sa Huỳnh đoạn Trà Khú- Mỹ Khê đi ngang qua
Khu đất ruộng bị bỏ không sau khi tuyến đường Dung Quất- Sa Huỳnh đoạn Trà Khúc- Mỹ Khê đi ngang qua


“Sau 2 vụ không thể sản xuất được vì bị cắt nguồn nước tưới tiêu, nhân dân chúng tôi được hứa sẽ bồi thường để hỗ trợ đời sống. Thế nhưng đến nay đã 6 vụ lúa trôi qua rồi mà vẫn chưa thấy chính quyền đả động đến việc  hỗ trợ, bồi thường 2 vụ lúa ban đầu như đã hứa.”- Ông Nô bức xúc.

Điều đáng nói là 59 hộ dân sở hữu 3,2 ha đất  vẫn không được cấp trên có chính sách hỗ trợ trong việc khắc phục cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho ruộng đồng. Vì vậy, 6 vụ lúa trôi qua là 6 vụ nhân dân trong vùng chỉ biết đứng chép miệng và bất lực nhìn khu ruộng ngày càng cằn cỗi dần.

Ông Nguyễn Văn Đong- ngụ thôn Khê Thủy A cho hay: Thấy ruộng bỏ không cũng thấy tiếc nên tôi mượn 3 sào ruộng của em ruột là Nguyễn Đình Chúc, và cố gắng bỏ tiền ra đào giếng lấy nước tưới làm vụ đông xuân vừa rồi.

“Vậy mà cũng không mấy hiệu quả bởi một bên ruộng bị ngăn bởi con đường mới, một bên lại bị nước ngập mặn xâm chiếm. Tôi xuống giống sạ một lượt rồi thì chúng chết sạch, phải gieo sạ lại đợt mới. Đến khổ với chúng!”- Ông Đong than thở.
 
Cũng giống như ông Nô, ông Đong, nhiều hộ dân khác đành ngậm ngùi nhìn khu đất ruộng vốn rất màu mỡ xưa nay có chỗ gieo sạ, chỗ lại bỏ hoang. Bà Võ Thị Hy, một trong 59 hộ dân cho biết: Lâu ngày không sản xuất được nên mấy xe chở đất thuộc mấy công trình gần đó cứ đổ đất lên khu ruộng. Ngẫm nghĩ mình không trồng lúa được thì để mặc kệ thôi. Thấy cũng tiếc nhưng có làm gì được đâu.

 

Qua 6 vụ lúa liên tiếp, 59 hộ dân vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ 2 vụ lúa năm 2010 vì không sản xuất được
Qua 6 vụ lúa liên tiếp, 59 hộ dân vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ 2 vụ lúa năm 2010 vì không sản xuất được.


Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trương Thanh Thảo- Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho hay: Vào năm 2011, sau khi kiến nghị lên cấp trên về việc 59 hộ dân ở xóm Khê Thủy không thể sản xuất vì tuyến đường Trà Khúc- Mỹ Khê chặn nước tưới tiêu với số tiền 210 triệu đồng, chúng tôi cũng đã nhận được hồi đáp từ cơ quan có thẩm quyền là thống nhất đền bù, hỗ trợ 2 vụ lúa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa thấy cấp trên giải quyết thỏa đáng việc này cho nhân dân.

“Điều này gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của chính quyền địa phương trong việc giải quyết bức xúc của nhân dân. Đồng thời gây khó khăn cho chúng tôi trong khâu giải tỏa mặt bằng và đền bù nhằm xây dựng, thi công phần còn lại của con đường”- Ông Thảo chia sẻ.

Nhà hư hỏng nặng nhưng không được xây mới

Chịu chung cảnh khổ với 59 hộ dân ở xã Tịnh Khê là hàng chục hộ dân thuộc thôn Hòa Tân và Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Tuy tuyến đường Dung Quất-Sa Huỳnh chưa thi công qua đây nhưng cũng gây lắm phiền toái cho người dân.

Trong khi chờ tuyến đường này thi công thì dân chúng tôi phải “lao đao” vì nhà cửa có hư hỏng nặng đến mức nào thì cũng không được cơi nới, xây mới lại. Vì theo quy định của cấp trên, tuyến đường này đã được cắm mốc quy hoạch nên nhà cửa trong vùng không được cơi nới, xây mới nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho việc giải tỏa, đền bù sau này.


Ông Nguyễn Giữ, ngụ thôn Hòa Bình hiện đang sở hữu ngôi nhà “tồi tàn” vào loại bậc nhất của thôn với vách đất và che tạm bằng tre nứa. Không phải vì gia đình ông không có tiền mà vì bị “vướng” trong việc xin cấp trên cho xây mới lại ngôi nhà.

Ông Giữ tâm sự: Cách đây 2 năm, bức vách đất sau nhà không trụ nổi qua mấy trận mưa liên tiếp đã đổ ngã. Thấy sợ quá nên tôi quyết định xây mới lại toàn bộ ngôi nhà. Xe đất, xe gạch đã chở đến tận nhà rồi mà đến khi chính quyền địa phương không cho phép, tôi lại ngậm ngùi dẹp gọn ý định đó.

“Nhìn ngôi nhà siêu vẹo, ai ai cũng ái ngại, nhưng biết làm sao được, dân phải chấp hành đúng luật pháp thôi. Nên bữa nào có mưa gió là cả gia đình tôi cứ phập phồng lo nhà đổ mà ăn không ngon, ngủ không yên.”- Ông Giữ trăn trở.

 

Gia đình ông Nguyễn Giữ phải sinh hoạt trong ngôi nhà tồi tàn, không đảm bảo chỉ vì bị
Gia đình ông Nguyễn Giữ phải sinh hoạt trong ngôi nhà tồi tàn, không đảm bảo chỉ vì bị "vướng" quy hoạch tuyến đường.


Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Giữ là ông Nguyễn Bông ở cùng thôn. Ngôi nhà thờ mà gia đình ông Bông đang ở được xây từ năm 1975. Đến nay ngôi nhà đã rệu rã, cần được tu bổ lại toàn bộ. Thế nhưng cũng phải chờ.

Dẫn chúng tôi đi xem những vết nứt đổ và phần mái ngói đã bị bong, ông Bông nói: Nhà này phải xây lại toàn bộ chứ sửa chữa sơ sài cũng không ăn thua gì. Chúng tôi chờ mong tuyến đường thi công nhanh nhanh để nhân dân đỡ khổ. Nhưng nghe nói, phải 3, 4 năm nữa mới thi công, chắc lúc đó nhà của bà con đổ ngã hết cả rồi…

Ông Huỳnh Văn Dũng- Chủ tịch xã Nghĩa Hòa cho biết: Sau khi cắm mốc quy hoạch tuyến đường Dung Quất- Sa Huỳnh có hàng chục hộ dân rơi vào tình trạng cuộc sống bị trì trệ, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày vì phải sống trong những căn nhà không đủ an toàn vì hư hỏng nặng.

Theo quy định của luật pháp thì các hộ dân trong khu vực nay không được xây mới hay cơi nới nhà cửa mà chỉ được sửa chữa tạm. Tuy nhiên, có hàng chục nhà trong xã rơi vào tình trạng có sửa chữa cũng bằng “thừa” vì xuống cấp quá trầm trọng.

“Vấn đề này đã được chính quyền kiến nghị nhiều lần lên cấp trên để có biện pháp giải quyết, hỗ trợ đời sống của bà con nhân dân trong khu vực tuyến đường đi qua được thuận lợi. Rất mong cấp trên sớm có phương án tháo gỡ để đời sống của người dân bớt khổ”- Ông Dũng kiến nghị


Thanh Phương
 

 


.