Tấm lòng thơm thảo của giáo sư Phương Lựu

07:05, 15/05/2012
.

(QNg)- Ông có bút danh là Phương Lựu, còn học hàm, học vị và danh tính đầy đủ của ông là: Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, nhà văn, nhà giáo nhân dân Bùi Văn Ba. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Vạn An, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa). Cha mẹ ông sinh ra 2 người con, cha mất sớm, anh của ông là liệt sĩ Bùi Châu, hy sinh trong những ngày đầu cách mạng tháng Tám ở Quảng Ngãi, từng chỉ huy một trung đội du kích trong trận chống quân Nhật tại Sông Vệ (16/8/1945). Mẹ ông là bà Võ Thị Lựu cũng là liệt sĩ, hy sinh ngày 1/8/1965.

Thuở nhỏ, từ năm 1947 - 1953, ông học trường Lê Khiết - Quảng Ngãi. Đầu năm 1954 ông được Đảng bộ Liên khu V chọn vào đoàn học sinh vượt Trường Sơn ra Việt Bắc để đi học nước ngoài. Năm 1960 về nước, ông giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học sư phạm Hà Nội. Thế hệ sinh viên đầu những năm 60 của ông sau này đã có những người thành đạt nổi tiếng như: Ma Văn Kháng, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Tô Nhuận Vĩ…

Nhân chuyến công tác ra Hà Nội, nghe tin ông vừa được giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm công trình lý luận văn học, lại dành toàn bộ tiền giải thưởng 200 triệu đồng cho nạn nhân chất độc da cam, tôi tìm đến thăm ông tại nhà riêng (số 02, ngõ 26 Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội). Trong khi tiếp chuyện thấy tôi chăm chú nhìn pho tượng đồng cao 0,5m đặt trên tủ sách, ông nói đó là do mấy chục tiến sĩ và thạc sĩ nhờ một nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng tạc dựng lại để tặng cho giáo sư hướng dẫn nhân dịp tôi tròn 70 tuổi (2006). Tôi  lại tò mò hỏi ông: Bác lấy bút danh Phương Lựu có ý nghĩa gì? Ông mỉm cười nói: Lựu là tên thân mẫu, Phương là tên nhạc mẫu, ghép chung lại có nghĩa là một bông hoa lựu vừa đỏ vừa thơm! Tôi như hiểu thêm bút danh của ông đã chan chứa nghĩa tình sâu nặng, gắn liền với cả cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Vì thời gian không thể ngồi lâu, dù đã nghỉ hưu nhưng với ông là một người làm khoa học luôn nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo, tôi chào ông ra về. Ông liền nói: Khoan đã, chờ chút! Ông kéo tay tôi lại rồi vào phòng trong cầm ra một bọc tiền và nói: "Đây là 50 triệu đồng ủng hộ Tỉnh hội nạn nhân chất độc da cam Quảng Ngãi, tuy chưa nhận được tiền thưởng, nhưng có khoản quỹ chung đang giữ, nhân đây tôi giao luôn cho các ông để kịp  phục vụ chăm sóc nạn nhân quê nhà. Khi lĩnh được tiền thưởng, tôi sẽ giao nốt cho Trung ương Hội 100 triệu đồng, huyện hội Tư Nghĩa 25 triệu đồng, Hội xã Nghĩa Thương (kể cả nhà thờ hai chi tộc nội ngoại) 25 triệu đồng". Tôi phân vân bảo bác đã nghỉ hưu cần giữ lại một phần để trang trải trong cuộc sống. Ông bảo tôi yên tâm đi! Lộc bất tận hưởng mà! Bà xã tôi (bà Phương Thi) cũng là người hoạt động từ thiện, chúng tôi đều có đồng suy nghĩ trong xã hội nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo khổ nhất, chính bà là người đề ra ý tưởng này. Ông bảo tôi đếm tiền đi cho cẩn thận! Tôi nói không phải đếm, tấm lòng cao cả của bác làm sao mà đếm được!

Tôi hỏi ông có lời khuyên gì trong việc sử dụng 50 triệu đồng này, ông nói đó là quyền của các ông. Tôi bảo làm gì thì cũng phải kê khai và báo cáo lại với giáo sư. Tôi được biết giáo sư Phương Lựu đã được nhận nhiều giải thưởng cao quý và đã dành toàn bộ số tiền đó cho việc đào tạo nhân tài. Tôi có ý định dành một nửa số tiền này để góp phần chăm nuôi các em ở Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa), còn một nửa số tiền chia làm 13 suất học bổng cho các em là những nạn nhân hoặc con cháu nạn nhân chất độc da cam vượt khó theo học ở các trường ở 13 huyện (trừ huyện Tư Nghĩa). Học bổng mang tên: "Tiếp sức đến trường" do Giáo sư Phương Lựu tài trợ. Ông tỏ lời nhất trí ý định của chúng tôi.

Chia tay giáo sư Phương Lựu ra về tôi cứ nghĩ: Mình không được ông dạy và không được làm tiến sĩ để được góp tiền đúc tượng ông. Nhưng đang làm cán bộ hội nạn nhân chất độc da cam… tôi xin thay mặt nạn nhân da cam tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ lòng tri ân và mong muốn giáo sư tiếp tục có những đóng góp cho quê hương, đất nước.


 Phan Thanh Long
 


.