Đồng lòng giữ "lá phổi xanh"

09:04, 03/04/2012
.

(QNg)- Hiện nay, việc khai thác trái phép tài nguyên rừng đang là vấn đề nóng bỏng xảy ra ở rất nhiều nơi, đặc biệt là ở những cánh rừng tự nhiên hàng trăm năm tuổi. Thế nhưng, ở xã Bình Tân (Bình Sơn)  vẫn tồn tại nhiều khu rừng tự nhiên rất có giá trị mà người dân nơi đây đã đồng lòng cùng với chính quyền địa phương bảo vệ.

Những ai có dịp về xã Bình Tân đều dễ dàng bắt gặp những mảng rừng tự nhiên nằm xen lẫn với những đồng lúa xanh tốt. Có người rất ngạc nhiên vì những cánh rừng này nằm không xa các khu dân cư nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Sự ngạc nhiên của lữ khách là niềm tự hào của người dân. Đó là tài sản quý giá mà nhiều thế hệ người dân nơi đây đã bảo vệ, giữ gìn cho con cháu mai sau.

Rừng tự nhiên được các thế hệ người dân Bình Tân gìn giữ nguyên vẹn.
Rừng tự nhiên được các thế hệ người dân Bình Tân gìn giữ nguyên vẹn.


Khu rừng Cấm tại xóm Thuận Yên thuộc thôn Diên Lộc có diện tích 4hecta. Khu rừng còn như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý hàng trăm năm tuổi như: mít nài, sến, cơ nia, cà chít... mỗi loại cây có đường kính 0,5m đến 1m. Đặc biệt, nơi đây còn sở hữu những loại gỗ rất quý hiếm như huỳnh đàn, gõ và nhiều loài động vật như chim, khứu, hạc, khỉ… cũng về đây sinh sống.

Tại đây còn có dấu ấn chiến tích như đường hầm, địa đạo gắn liền với du kích, bộ đội địa phương và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Các miếu thờ được xây dựng hàng trăm năm đến nay vẫn được nhân dân thờ cúng, tu bổ hàng năm như một truyền thống tốt đẹp. Ông Đỗ Duy Thông, thôn Diên Lộc, xã Bình Tân tự hào: Người dân nơi đây tâm niệm rằng, nếu không có rừng để che kín sau lưng thì sự ấm của con người nó thiếu đi cho nên người ta tự giác mà quản lý.

Thôn Thuận Yên có 135 hộ, 535 nhân khẩu. Để bảo vệ và phát triển rừng, người dân nơi đây tự xây dựng quy ước. Từ quy ước này, mọi người dân ở địa phương thực hiện rất tốt công tác bảo vệ rừng. Trong rừng có nhiều cây lớn bị ngã đổ do mưa bão, nhưng người dân vẫn không lấy về làm củi. Ông Bùi Văn Huân - Chủ tịch UBND xã Bình Tân cho biết, mỗi xóm, mỗi thôn có quy ước, hương ước để bảo vệ rừng, cũng như là bảo vệ di tích lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Ông Nguyễn Thái Sơn - Đội trưởng Đội bảo vệ Rừng Cấm xã Bình Tân cho biết, vấn đề bảo vệ rừng ở đây thực hiện rất nghiêm túc. Người dân ý thức được giá trị to lớn mà những cánh rừng này mang lại. Nếu ai sai phạm thì trước hết tộc họ đó phải chịu trách nhiệm và bị cảnh cáo trước tộc họ, nếu vi phạm nặng thì đưa đến đoàn thể, cuối cùng là đưa ra chính quyền xử lý.

Cũng như Rừng Cấm ở thôn Thuận Yên, rừng An Tráng thôn An Tráng với 2 hecta cũng là một khu rừng tự nhiên của xã Bình Tân có nhiều loại cây quý hiếm, trong đó có 3 cây đại cổ thụ với tuổi thọ khoảng trên 300 năm, gốc cây có đường kính trên 2m. Đây cũng là nơi trú ngụ của nhiều loại chim thú, thỏ, trăn… Và là một căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ông Phan Văn Vinh, thôn An Tráng cho biết, 300 năm qua khu rừng này luôn được bảo vệ. Khu rừng giờ rất thoáng mát, vừa là cảnh đẹp cho bà con, vừa giữ được nguồn nước để tưới cho các cánh đồng quanh năm. Lớp trẻ bây giờ cố gắng tiếp bước cha ông đi trước, giữ mãi khu rừng để khu rừng trở thành khu sinh thái lâu dài.

Xã Bình Tân hiện có 8 khu rừng với tổng diện tích gần 1.100 hecta đã triển khai cho dân tự quản lý và bảo vệ, trong đó có nhiều khu rừng già là vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng. Nhân dân xã Bình Tân nhận thức rất rõ vai trò và trách nhiệm trong bảo vệ rừng vì thế "lá phổi xanh" ở đây luôn được nhân dân bảo vệ an toàn, tạo nên môi trường sinh thái trong lành, hiếm có nơi nào tại 7 huyện, thành phố vùng đồng bằng trong tỉnh thực hiện được.

Bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, bảo vệ môi trường sinh thái. Đó là một truyền thống tốt đẹp của người dân xã Bình Tân. Truyền thống ấy đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện tinh thần giữ cho rừng mãi mãi xanh tươi.


Bài, ảnh: X.THIÊN

 


.