Đảo Bé- Khát vọng và niềm tin

09:04, 21/04/2012
.

(QNg)- Có lẽ trong cuộc đời mình, chưa có chuyến đi nào làm cho tôi nhớ và ấn tượng bởi lần thăm đảo Bé ở huyện Lý Sơn cùng đoàn làm phim ký sự "Non nước quê tôi”.

TIN LIÊN QUAN


 Con tàu dập dềnh rẽ sóng nước đưa chúng tôi đi,  hơn 1 tiếng đồng hồ sau, tàu cập bến cảng đảo Lý Sơn. Dừng chân nghỉ ở quán nước ven biển của huyện đảo chỉ vài phút, chúng tôi lại tiếp tục lên tàu để đi đến cuộc hành trình chính mà đoàn muốn khám phá. Đó là đảo Bé - hòn đảo được biết đến như một nơi "biệt lập" bởi sự khắc nghiệt và thiếu thốn. Có lẽ vì vậy mà những du khách đến đây, họ chỉ ở bên đảo Lớn để du ngoạn, chứ ít ai muốn qua hòn đảo Bé nhỏ kia. Sự khác biệt ấy đã khiến tôi càng tò mò hơn, càng muốn tìm hiểu hơn về sự "khắc nghiệt" nơi hòn đảo ấy.

Một góc đảo Bé (Lý Sơn). ảnh: P.V
Một góc đảo Bé (Lý Sơn). ảnh: P.V


13 giờ, chúng tôi đặt chân lên hòn đảo Bé, đảo chỉ có duy nhất một xã gọi là An Bình. Đúng tên gọi, nhìn bao quát toàn cảnh đảo Bé lọt hẳn vào trong tầm mắt. Cái nắng chói chang như thiêu như đốt không làm vơi đi sự hưng phấn trong tôi bởi lần đầu tiên được đặt chân lên hòn đảo này. Những hàng dừa xếp lớp đứng nghiêng mình trong gió, những bờ bãi nhấp nhô dưới chân thềm cát vàng miên man… tôi nghe dâng lên trong lòng cảm giác bình yên và nhẹ nhõm.

Địa điểm "tạm trú" của đoàn làm phim chúng tôi, đó là ở nhà một người dân nằm sát ven biển. Nơi ở quả là lý tưởng! Từ đây, chúng tôi có thể bao quát tầm nhìn hướng ra biển cả.

 Buổi sáng đầu tiên trên đảo, đoàn làm phim chúng tôi bắt đầu lỉnh kỉnh những thứ dụng cụ cho buổi ghi hình. Thấy một gia đình đang ngồi ăn cơm trưa mà chỉ có 3 người phụ nữ cùng vài đứa con nít, không thấy bóng dáng đàn ông đâu, bữa cơm chỉ có một đĩa cá nho nhỏ, vài miếng dưa hấu xắt lát mỏng để chấm mắm. Không bỏ lỡ cơ hội, chúng tôi tìm hiểu thì được biết trong gia đình này,  đàn ông trụ cột chính đã mất cách đây 7 năm vì nghề đi lặn biển, còn bữa cơm chỉ có cá, thiếu rau xanh là hoàn cảnh chung của các gia đình sống ở đây, bởi ở đảo không có nước ngọt, không trồng rau xanh được.

Đi tiếp khoảng vài mét, lại bắt gặp ngay một cụ ông đang ngồi băm nhỏ những khúc rau xanh. Chắc đây là rau dành cho lợn ăn nên người ta mới băm nhỏ như thế! - Trong đầu tôi chợt lóe lên suy nghĩ đó. Nhưng không, ông lão cho biết, đây là cây đậu đen mà người dân đất đảo thường trồng để lấy hạt nấu chè, còn thân cây và lá thì băm nhỏ như thế này để làm phân bón cho việc trồng hành và tỏi, tiết kiệm được khoản tiền không phải bỏ ra.

Ở trên đất đảo, thứ mà người dân quý nhất là nước ngọt. Điều đấy không nói ai cũng hiểu bởi "nước là một phần tất yếu của cuộc sống". Không có nguồn nước ngọt sẵn, người dân đảo nghĩ ra cách "hứng nước trời". Người ta làm một hệ thống dẫn nước mưa từ mái nhà chảy vào máng, từ máng có một ống dẫn nước bằng nhôm chảy vào bể.  Bể nước lớn nhất chứa khoảng 16 khối nước, bể nhỏ nhất chứa chừng 5-6 khối nước. Ngoài ra, để dự trữ nước, người ta còn mua thật nhiều chum (ghè) được làm bằng đất nung về đặt ở những góc sân trống để hứng nước mỗi khi trời mưa. Để tiết kiệm nguồn nước một cách tối đa, việc tắm rửa giặt giũ cũng cần phải… hạn chế. Trẻ con và người lớn ở đây chủ yếu tắm… cho đã nước biển, rồi về dội lại vài gáo nước ngọt thế là xong, còn bộ đồ mặc trên người có khi tuần mới giặt được 2 - 3 lần là quý lắm rồi!  

Mỗi buổi chiều tà, đoàn làm phim chúng tôi lại lục tục kéo nhau xuống bãi tắm. Bãi tắm đông toàn con nít. Thật kỳ lạ, với những khó khăn thiếu thốn của cuộc sống, nhưng con trẻ ở đây, mặt mũi đứa nào cũng sáng láng vẻ thông minh lanh lợi với làn da nâu đen khỏe mạnh. Có cháu mới 5 tuổi đã bơi như một con rái cá, chả bù với một cô gái "nhát nước" như tôi - đi  tắm biển mà không bao giờ… ướt đầu!

Trên hòn đảo xinh đẹp này chỉ có một ngôi trường tiểu học duy nhất, đó là Trường tiểu học xã An Bình. Học hết bậc tiểu học, trẻ con ở đây được gia đình đưa sang đảo Lớn "tá túc" tiếp tục việc học. Từ đảo Bé sang đảo Lớn chỉ cách nhau chừng 4km, nhưng có khi hàng năm trời gần đến Tết, các em mới được về lại đảo Bé nghỉ Tết cùng gia đình.

Những ngày ròng rã tìm hiểu cuộc sống trên đảo Bé, điểm nghỉ ngơi dừng chân thư giãn của chúng tôi, là "Siêu Thị Cầu Cảng" - Đó là cách dùng từ  cho "oách" của anh em trong đoàn làm phim thôi, bởi giữa hòn đảo còn hoang sơ này, có được một quán cà phê giải khát nhỏ với lèo tèo vài chiếc ghế ở ngay khu vực cầu cảng là quý lắm rồi. Cứ chiều chiều, cùng với người lớn, một bầy con nít lại tụ tập ở đây rất đông. Họ  chờ những chuyến hàng mua từ đảo Lớn cập cầu cảng.

Những chuyến hàng chất đầy nào mì tôm, thuốc lá, rau xanh, rượu gạo và món quý nhất trong tiết trời nắng nóng này là… nước đá. Những ánh mắt sáng ngời lên khi chuyến tàu cập cảng, con tàu chở hàng hóa cách 2, 3 ngày lại có một chuyến, là cầu nối "lương thực" giữa hai hòn đảo. Những ngày biển động, bến cảng heo hút không một con tàu neo bến, cũng là lúc cuộc sống của người dân thêm triền miên khó khăn, thiếu những "nhu yếu phẩm" cho cuộc sống hàng ngày. Tiếp cận với người dân nơi đây, tôi như cảm nhận được một "luồng sinh khí" bền bỉ, dẻo dai đang len lỏi trong từng ngóc ngách cuộc sống, trong tâm hồn của  những con người trên hòn đảo xinh đẹp này. Tôi càng nhận ra một điều rằng, cuộc sống càng khó khăn, khắc nghiệt bao nhiêu, người dân nơi đây vẫn không "bó tay" trước hoàn cảnh, họ không ngừng vươn lên tìm mọi cách để thích nghi với hoàn cảnh, bám trụ hòn đảo ấy như một phần máu thịt của họ, giữ lấy phần hồn thiêng liêng của Tổ quốc.

Chia tay đảo Bé, nhưng sao tôi vẫn có cảm giác như dập dềnh trên tàu, lênh đênh trên sóng nước, mùi vị của biển vẫn còn vương trên tóc, phảng phất đâu đây. Tôi cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc đời này và thêm yêu và hiểu hơn giá trị của cuộc sống. Trong tôi một niềm tin mãnh liệt:  Đảo Bé luôn vững vàng trước những phong ba bão táp. Ở đó có những con người sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, với gian lao, thiếu thốn để khẳng định mình.


 Ghi chép Vũ Duyên
 


.