Phổ Cường hôm nay

09:03, 08/03/2012
.

(QNg)- Phổ Cường là một trong những địa phương dẫn đầu của huyện Đức Phổ đóng góp sức người sức của cho công cuộc đấu trang giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Nơi đây cũng là vùng quê từng hứng chịu nhiều đạn bom của kẻ thù, mảnh bom đạn nhiều hơn cả khoai sắn của người dân vun trồng trên những thửa đất bạc màu. Nhưng không vì thế mà làm nhụt ý chí đấu tranh của người dân quê nghèo.

Họ dốc sức dốc lòng cho kháng chiến và đã vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 12/1972. Và để có được vinh dự ấy, hơn 800 người con ưu tú của xã đã ngã xuống trên khắp mọi miền đất nước, hàng nghìn người phải mang thương tật suốt đời do bom đạn và chịu đựng những đòn roi tra tấn trong các nhà giam của địch, 68 Mẹ Việt Nam Anh hùng… Sử sách đã vinh danh những tấm gương chiến đấu anh dũng của các Anh hùng liệt sĩ Châu Thọ Chín, Lê Văn Cao cùng với những trận đánh vang dội của quân và dân trong xã.

Những người con Phổ Cường viếng Nghĩa trang liệt sĩ sáng mùng 1 Tết.
Những người con Phổ Cường viếng Nghĩa trang liệt sĩ sáng mùng 1 Tết.



Sau chiến tranh, nhà cửa tan hoang, ruộng đồng xơ xác. Cây lúa cũng chỉ gieo cấy được một vụ ăn nước trời. Đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Thế rồi hàng trăm người rời quê hành nghề bán hủ tiếu gõ, vé số dạo, phụ hồ và những công việc nặng nhọc khác ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam. Những người trụ lại ở quê chăm chỉ cấy cày hơn 600ha ruộng lúa được cung cấp nước tưới từ hồ chứa nước Liệt Sơn và các hồ chứa nước địa phương do cấp trên đầu tư kinh phí xây dựng.

Với gần 200 ha phụ thuộc vào nguồn nước tưới tự nhiên được người dân gieo sạ và trồng những loại cây chống hạn nhằm tăng nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trong những năm gần đây, người dân đã đưa những loại cây, con giống có năng suất và giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng theo hướng sản xuất hàng hóa đã đem lại nguồn thu nhập vượt trội. Nhiều hộ gia đình đạt mức thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Cùng với việc tích cực lao động sản xuất, họ còn đảm nhận trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ người già, bảo ban trẻ thơ những gia đình có người thân đi làm ăn xa.

Mỗi khi tết đến, xuân về Phổ Cường lại đón những người con tha hương tìm về nơi chôn nhau cắt rốn. Họ về để được dự lễ chào cờ đầu năm, thành kính dâng hương viếng tổ tiên và vong linh các anh hùng liệt sĩ.

Theo số liệu thống kê, đã có hàng nghìn lượt người dân trong xã phải rời quê hương tìm kế mưu sinh. Hiện trên địa bàn xã có 2.819 người trong độ tuổi lao động phải đi làm ăn xa ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều người phải sống xa quê với thời gian gần 20 năm như chị Lê Thị Lời ở thôn Thanh Sơn, bà Bùi Thị Muôn ở thôn Bàn Thạch… Sự cơ cực của họ đã được bù đắp với những khoản tiền dành dụm gửi về xây nhà, mua sắm những trang thiết bị đắt tiền và đầu tư cho con em ăn học.

Vùng quê Phổ Cường hôm nay có khá nhiều căn nhà được xây dựng khang trang, nhiều tuyến đường đã được thảm nhựa hoặc bê tông hóa, những ngôi trường đã được xây dựng kiên cố. Mỗi năm, có khoảng 50 học sinh trong xã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; hàng trăm em theo học tại các trường trung học chuyên nghiệp và trung cấp nghề, hơn 2.000 học sinh từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông. Các em giờ đã được ăn ngon mặc đẹp để đến trường. Có được những điều đó, là nhờ sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền các cấp và sự nỗ lực  của người nông dân Phổ Cường.

Hy vọng những năm tới thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, KCN Đồng Làng, KCN Phổ Phong phát triển, tạo việc làm cho người lao động thì Phổ Cường sẽ không còn những cảnh bà con nông dân phải đi làm ăn xa.


Bài, ảnh: Trang Thy
 


.