Lý Sơn có nghề "tuần biển"

08:03, 05/03/2012
.

(QNg)- Cũng dựa vào biển để sống, nhưng nghề "tuần biển" khác biệt hoàn toàn với tất cả những nghề có dính líu đến biển.

Nghề của bóng đêm và giông tố

Đó là những đúc kết của ông Trương Văn Sơn - người có hơn 40 năm làm nghề “tuần biển” ở Lý Sơn. Người đi biển ở hòn đảo tiền tiêu này không ai là không biết đến ông Sơn cũng bởi ông làm nghề “tuần biển”. Chúng tôi ra đảo, đến nhà ông Sơn ở thôn Đông, xã An Vĩnh để tìm hiểu về cái nghề đã gắn bó với ông có lẽ đến hết cuộc đời này - nghề tuần biển. Ông Sơn chỉ nói mỗi một câu: "Muốn biết thì 21 giờ đêm nay đến đây đi cùng tôi. Với điều kiện đêm nay trời phải nổi giông gió mới đi làm nghề được. Nghề này nếu có kể cũng chẳng thể hiểu hết".

Phút nghỉ ngơi của ông Sơn bên bờ biển sau một đêm “tuần biển”.
Phút nghỉ ngơi của ông Sơn bên bờ biển sau một đêm “tuần biển”.


Chúng tôi đành trở về phòng trọ nằm nghỉ và mở radio nghe bản tin dự báo thời tiết của Đài Tiếng nói Việt Nam phát vào cuối buổi chiều. "Đêm nay, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, vùng biển ngoài khơi có gió giật cấp 7, cấp 8, biển động mạnh…". Chúng tôi tranh thủ ăn cơm tối rồi chờ đến 21 giờ đêm để cùng ông Sơn đi "tuần biển". Vừa đến ngõ nhà ông Sơn, đã thấy ông mặc áo mưa, tay cầm hai chiếc đèn pin loại lớn, bên hông đeo chiếc rựa đang chờ sẵn…

Ông Sơn dẫn chúng tôi ra bờ biển phía Đông đảo Lý Sơn sát ngọn núi dưới chân Chùa Đục. Màn đêm tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió rít và sóng biển gào thét. Tiếng chuông chùa vọng ra từng hồi quyện theo gió biển khiến cái tĩnh mịch, cô quạnh thêm ngấm vào da thịt. Cả 3 người chúng tôi chẳng ai nói với ai lời nào, cứ đếm bước đều đều trên cát trắng trong màn sương đêm pha lẫn mưa phùn.

Đi được khoảng 1 km dọc theo bờ biển, bỗng ông Sơn dừng lại, dùng chiếc đèn pin quét qua quét lại trên mặt biển loang loáng nước. Hình như có thứ gì đó đang nổi trên mặt biển cách bờ khoảng hơn chục mét, ông Sơn để lại chiếc đèn pin trên bờ, bơi ra. 5 phút sau, ông Sơn đưa vào bờ một tấm lưới và mấy quả cầu nhựa to bằng vành nón lá. Đưa tay vuốt nước biển bám đầy khuôn mặt, ông Sơn bảo: "Nghề tuần biển là thế đấy. Đi dọc theo bờ biển, có thứ gì của ngư dân bị sóng to đánh trôi dạt vào bờ, nhặt rồi đem về bán cho vựa ve chai kiếm tiền". Vừa nói, ông Sơn vừa cười khà khà.

Đêm nay ông Sơn quyết định kết thúc chuyến tuần biển của mình sớm hơn mọi khi. Đem những "chiến lợi phẩm" vừa thu được bỏ ở khoảnh sân trước nhà, ông Sơn pha trà mời chúng tôi. Bên bình trà nóng, ông Sơn kể cho chúng tôi những vui buồn của nghề tuần biển. Với ông, đó không chỉ là nghề đã cho ông thu nhập nuôi con, chữa bệnh cho vợ, lo cho mẹ già mà còn là cái nghiệp đã vận vào đời ông. Hễ trời nổi giông gió, ông không đi "tuần biển" là lòng nóng như lửa đốt.

Cái nghiệp đã vận vào nghề

"Cái nghề tuần biển này ngặt lắm. Mình phải đợi cho đêm xuống, trời "săn" gió lớn mới đi làm, thế nên hiểm nguy luôn rình rập. Nhiều hôm chẳng nhặt được gì mà chỉ vớt được xác ngư dân…" - ông Sơn nói với chúng tôi. Ông kể cho chúng tôi nghe về lần đầu tiên trong nghề tuần biển ông "nhặt" được xác một ngư dân xấu số. Đó là vào năm 1999 khi cơn bão lớn quét qua vùng biển Lý Sơn. Đêm đó ông vẫn đội nón, mang áo mưa đi về phía biển. Mới "đi tuần" được một đoạn, chân ông như khựng lại khi thấy trước mặt mình một người đàn ông nằm úp mặt xuống cát. Ông đưa đôi bàn tay xù xì vỗ nhẹ lên vai người ấy nhưng không thấy cử động. Ông chạy về báo với chính quyền tổ chức đưa thi thể ngư dân ấy - cũng là hàng xóm của ông về mai táng.

Ở Lý Sơn, người làm nghề như ông Sơn có đến cả đội. Họ không chỉ đơn thuần là "thu lượm ve chai" là những mảnh vỡ của thân tàu, lưới, phao, hàng hóa trôi dạt trên biển. Họ còn ra bờ biển để làm "nghĩa vụ" giúp đỡ ngư dân xấu số gặp nạn trên biển được sóng gió đưa trở về với đảo. Hầu như ai trong số những người làm nghề tuần biển ở Lý Sơn chí ít cũng đã từng một lần làm tròn cái "nghĩa vụ" ấy. Ông Bảy Thấu, 52 tuổi - người đã làm nghề tuần biển từ khi lên tám tuổi trên đảo Lý Sơn kể: "Tôi đã có năm lần được gặp ngư dân chết trôi dạt vào bờ. Có khi còn lành lặn, nhưng cũng lắm lúc chỉ còn một phần thân thể. Thương đến chảy nước mắt!".

Nghề “tuần biển” ở Lý Sơn có một quy ước bất thành văn: Đó là khi một tài sản nào quý giá dạt vào bờ, nếu có nhiều người cùng nhìn thấy thì phải chia đều cho những người này. Ai đã vào nghề đều phải tuân thủ quy ước ấy. Ví như năm 2009, ông Sơn cùng 8 người khác cùng "được" một khối gỗ lớn trị giá hàng trăm triệu đồng. Đưa khối gỗ vào bờ, bán và chia đều cho 9 người. Không ai lời ra tiếng vào, khiếu nại nhiều ít!

Theo những người làm nghề “tuần biển” ở Lý Sơn, khi thấy trời nổi gió, không ai bảo ai, tất thảy những người làm nghề đều ra khỏi nhà đi về phía biển. Họ đi để mưu sinh, âu đó cũng là chính đáng.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.