Hệ thống cấp nước sinh hoạt Nghĩa An: Xây rồi… để ngó

07:03, 31/03/2012
.

(QNg)- Hơn 10.000 người dân ở xã Nghĩa An  và Nghĩa Hà (Tư Nghĩa) đang "khát" nước sạch. Trong khi đó, công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Nghĩa An mặc dù  đã cơ bản  hoàn thành các hạng mục, nhưng cũng đành để ngó vì dân sợ tụt mạch nước ngầm không cho lắp đặt giếng khoan…

Sinh hoạt với nguồn nước ô nhiễm

Xã Nghĩa An nằm giữa bốn bề nước biển. Mùa khô, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn, nhiễm bẩn nghiêm trọng. Người dân ở thôn Phổ Trung, Phổ Trường, Phổ An, Tân An phải xuống bến Nghĩa Phú mua nước từ những ghe lấy nước ở xã Nghĩa Phú về bán cho dân để sinh hoạt. Cứ mỗi đôi thùng nước phải mua 5.000 đồng. Nguồn nước khan hiếm nên bà con chỉ sử dụng cho việc ăn uống. Còn chuyện sinh hoạt tắm, giặt bà con phải lấy nguồn nước mặn, bẩn để dùng. Có những gia đình khá giả hơn thì đầu tư máy lọc nước, hoặc mua nước khoáng, nước tinh khiết để sử dụng. Bà Lê Thị Mãn thôn Phổ Trường, cho biết: "Nhà có 9 khẩu, nhu cầu nước sinh hoạt rất nhiều nên mua không thấu, dành dụm 4 triệu đồng mua máy lọc nước để hàng ngày lấy nước uống. Thấy việc như thế tưởng tiện, nhưng hàng ngày phải tốn tiền điện quá nhiều cho việc bơm nước, lọc nước".

Hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Nghĩa An xây dựng cơ bản hoàn thành nhưng vẫn chưa đưa nước về cho dân vùng hưởng lợi.
Hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Nghĩa An xây dựng cơ bản hoàn thành nhưng vẫn chưa đưa nước về cho dân vùng hưởng lợi.


Ở thôn Phổ Trung, từ sáng sớm nhiều người đã lo thồ nước, gánh nước về nhà. Trên đường còn có những xe chở nước khoáng về để cung cấp cho bà con. Bà Trần Thị Dục người kinh doanh nước khoáng đóng thùng nói: Mùa khô, nước mặn xâm nhập càng sâu. Nguồn nước lấy từ các giếng khơi không thể sinh hoạt được nên mình phải liên hệ với các cơ sở sản xuất để đưa về  cung cấp cho dân".


Dân ở vùng bãi ngang mưu sinh tìm chén cơm đã khó, giờ hàng ngày phải trích một khoản tiền mua nước sinh hoạt để dùng lại càng khó hơn. Theo thống kê của xã Nghĩa An, hằng năm vào mùa nắng nóng có khoảng 10.000 dân phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn, nhiễm bẩn.

Dân thắc mắc vì lắp giếng khoan

Hiểu được lòng dân, ngày 28/12/2009, UBND tỉnh cho thực hiện dự án: Hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Nghĩa An tại xã Nghĩa Hà. Đến giữa năm 2010, công trình khởi công xây dựng với tổng kinh phí hơn 5,8 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trung ương. Sau khi công trình xây dựng hoàn thành có quy mô công suất thiết kế 1.210m3 nước/ngày, đêm, cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh cho hơn 10.000 dân ở hai xã Nghĩa An và Nghĩa Hà. Đến cuối năm 2011, công trình đã xây dựng hoàn thành các hạng mục. Nhưng rồi sự vận hành hệ thống nước lại gặp rắc rối vì dân không đồng tình lắp đặt giếng khoan.

Ông Nguyễn Văn Thuộc - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, chủ đầu tư công trình, cho biết: Việc lắp giếng khoan rất khó. Vì đã có nhiều lần Trung tâm cử cán bộ mang thiết bị xuống khoan,  lắp giếng thì người dân thôn Sung Túc - nơi xây dựng công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt cho dân Nghĩa An ngăn cản.
 
Ông Phạm Vũ Lợi - Trưởng thôn Sung Túc lý giải: "Dân không đồng tình, bởi trước khi xây dựng công trình, chủ đầu tư âm thầm xây dựng chứ không họp dân để lắng nghe ý kiến. Trong khi đó, bà con sợ lắp đặt giếng khoan để bơm nước làm tụt mực  nước ngầm ảnh hưởng đến việc sản xuất rau màu của bà con. Trong quá trình xây dựng các hạng mục của công trình nghe dân thắc mắc, chủ đầu tư có xuống họp, đề nghị bà con để Trung tâm xây dựng nhà điều hành chứ không lấy nước ở thôn Sung Túc dân mới đồng ý". Sau đó, nhà điều hành xây dựng xong, nhưng việc lấy nước từ nơi đâu vẫn là điều chưa biết được.

Ông Trần Thanh Trạng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà, cho biết: Đã nhiều lần xã họp với dân thôn Sung Túc để giải thích vấn đề tài nguyên nước nhưng đều bất thành. Chủ đầu tư thấy vậy đề nghị dịch lên thôn Bình Đông, Thanh Khiết đóng giếng khoan lấy nước vận hành, nhưng dân nơi đó cũng không đồng tình. Họ cho rằng nên xây dựng tuyến kênh nổi chạy ngang các cánh đồng trong xã để phục vụ cho việc tưới tiêu, đảm bảo sản xuất và tạo nguồn sinh mạch cho vùng đất thì mới lắp đặt giếng khoan".

Xây dựng công trình để cung cấp nước sinh hoạt cho dân Nghĩa An là hết sức bức thiết. Nhưng trước khi xây dựng Trung tâm nước sinh hoạt cần phải có khảo sát báo cáo tác động về nguồn nước ngầm khi khai thác. Đối với công trình cấp nước cho xã Nghĩa An mà giếng khoan đào ở xã Nghĩa Hà thì càng phải cẩn thận trong việc chọn lựa nơi đóng giếng trên cơ sở đồng ý của chính quyền sở tại và lắng nghe ý kiến của người dân để chọn nơi khoan giếng cho đúng.
 
Điều này, có lẽ chủ đầu tư phải xem xét lại việc làm của mình. Bây giờ, công trình xây dựng sắp hoàn thành nhưng bị ách tắc nơi khoan giếng ngầm lấy nước nên Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường cần chủ động phối hợp với chính quyền huyện Tư Nghĩa và xã Nghĩa Hà để giải quyết vụ việc. Dư luận bất bình bởi công trình bạc tỷ nhưng xây xong nhiều hạng mục rồi để ngó. Trong khi đó, hơn 10.000 dân ở xã Nghĩa An thường ngày phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, hộ nghèo khó phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn, nhiễm bẩn trong thời gian dài.


             Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.