Thời của "nhạc sống"

09:02, 28/02/2012
.

(QNg)- Vài năm trở lại đây, phong trào hát “nhạc sống"  đang "rộ" lên ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh ta, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Hiện nay, phong trào này đang trở thành "mốt chơi" thịnh hành của những người yêu thích ca hát.

"Mốt chơi" thời thượng...

Có thể nói, chưa bao giờ phong trào hát “nhạc sống" lại rầm rộ như những năm gần đây. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phong trào hát nhạc "sống" có mặt trong khắp các cuộc vui liên hoan từ gia đình đến cộng đồng làng xã. Nó đã thật sự đi vào đời sống của nhân dân như một món ăn tinh thần không thể thiếu của mọi cuộc vui.

Phong trào hát “nhạc sống


"Ở quê bây giờ, nếu có tổ chức lễ lộc, tiệc tùng thì những người  mê ca hát họp nhau lại thuê dàn “nhạc sống" về ca hát, vui chơi với nhau. Họ chơi theo kiểu hợp tác, từng gia đình luân phiên đăng cai tổ chức, hoặc nhóm thanh niên hay hội đoàn thể... cùng đóng góp với nhau. Dần dần rồi thành cái nếp sinh hoạt văn hóa. Có thêm dàn nhạc thì bữa tiệc thêm rôm rả. Thêm nữa, hát nhạc sống, đem lại cảm giác thích thú vì âm thanh sống động, phong cách hát ngẫu hứng hơn", anh Hùng - chủ dàn nhạc Sóng Xanh ở huyện Mộ Đức cho biết.

Phong trào hát “nhạc sống" có thể xem như liều thuốc tinh thần xóa hết mọi nỗi ưu tư, lam lũ của cuộc sống thường nhật, đem lại niềm vui, sự hào hứng, gắn kết tình làng nghĩa xóm và niềm hạnh phúc cho mọi người. Sức hút của phong trào này không chỉ giới trẻ yêu thích mà còn được cả lứa tuổi trung niên nhiệt tình tham gia.

Có cầu tất sẽ có cung, kéo theo trào lưu ca hát này là sự nở rộ các "dàn nhạc". Ước tính trên địa bàn tỉnh ta có không dưới vài trăm ban nhạc chuyên phục vụ nhu cầu này của quần chúng. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, theo thống kê sơ bộ đã có trên 100 dàn nhạc. Chủ một dàn nhạc có tiếng ở xã Đức Minh (Mộ Đức) anh Trần Văn Tợi cho biết: "Số lượng dàn nhạc ngày càng tăng nhưng có thời điểm không đủ để phục vụ cho nhu cầu của người dân. Có những thời điểm dàn nhạc của anh kín lịch cả tháng, thường thì vào dịp lễ, Tết và mùa cưới, muốn thuê dàn nhạc thì phải đặt trước cả tháng trời".

Anh Tợi cho biết thêm: Một dàn nhạc thịnh hành nhất ở nông thôn hiện nay chủ yếu chỉ có đàn organ và giàn âm thanh, nếu dàn nhạc nào "hoành tráng" thì có thêm dàn trống và đàn ghita. Để thuê một dàn nhạc "sống" về phục vụ cũng tốn kém không ít. Bình quân từ 1 triệu - 1,5 triệu đồng/ngày hoặc có thể cao hơn tùy chất lượng âm thanh và "tiếng tăm" của dàn nhạc, ấy vậy mà nhiều người vẫn thích… chơi.

 ...nhưng cũng không ít phiền toái

Cũng như bất cứ một hiện tượng nào, hiện tượng ca hát “nhạc sống" hiện nay nó cũng có hai mặt của một vấn đề. Nhiều người cho rằng, đây là một nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Tuy nhiên, xung quanh chuyện tổ chức ca hát cũng có nhiều vấn đề đáng bàn. Hầu hết việc người dân tự tổ chức ca hát để tự đáp ứng nhu cầu giải trí của mình đều mang tính tự phát. Vì là tự phát nên dẫn đến việc tổ chức thiếu sự định hướng và điều tiết phù hợp. Đặc thù của loại hình nhạc sống là âm thanh nhạc khá lớn, trong khi những người tổ chức chơi không chú ý đến thời gian, địa điểm và thời lượng, mà hầu như chỉ chú ý tới việc phô trương, thể hiện một cách thái quá.

Theo phản ánh của một số người thì: Những bữa tiệc thuê dàn “nhạc sống" để phục vụ thường kéo dài từ sáng đến khuya, gây không ít phiền toái cho những người xung quanh. Khi một nhà tổ chức hát có thể khuấy động cả khu dân cư. Nhiều người có cảm giác như bị tra tấn khi buộc phải nghe những âm thanh ấy, gây ảnh hưởng đến việc học tập của con em, làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của những người già... Đó là những yếu tố đã vô tình gây phiền phức cho nhiều người xung quanh trong cộng đồng dân cư.

Phong trào hát “nhạc sống" hiện nay của người dân  ở nhiều vùng nông thôn đang tăng lên là minh chứng rõ ràng đời sống vật chất của người dân đã được cải thiện đáng kể. Việc thụ hưởng văn hóa cũng là chuyện nhu cầu riêng tư của mỗi cá nhân, gia đình. Thế nhưng, để các dàn nhạc thực sự góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng phục vụ cũng như cuộc sống của nhân dân, các ngành chức năng cần tổ chức tốt hơn nữa việc quản lý hoạt động của các dàn nhạc và nên có quy định về việc tổ chức ca hát để khỏi ảnh hưởng đến sinh hoạt học tập, nghỉ ngơi của nhiều người.


Bài, ảnh: Ngọc Đức
 


.