Vốn quý của đại ngàn…

03:01, 03/01/2012
.

(QNg)- Ngày 16/12/2011, lần đầu tiên, Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị biểu dương người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số cấp tỉnh. 68 già làng, người có uy tín tiêu biểu được biểu dương về những đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết, phát triển kinh tế, đã khẳng định: Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chính là vốn quý của  đại ngàn...
 
"Sợi chỉ đỏ" nối ý Đảng - lòng dân…

Hội trường Tỉnh uỷ sáng 16/12 có đông đảo các đại biểu là lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBMTTQVN tỉnh, sở, ngành và người có uy tín tham dự Hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Không khí vui tươi, phấn khởi hiện rõ trên nét mặt, ánh mắt, nụ cười của các đại biểu khi nghe đồng chí Đinh Thị Biểu - Phó Ban Dân vận Tỉnh uỷ báo cáo kết quả công tác người có uy tín của tỉnh. Sau hai năm triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh", toàn tỉnh có 901 người được công nhận là người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đồng chí Nguyễn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy (thứ ba từ phải qua) trao Bằng khen của UBND tỉnh cho người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số của Quảng Ngãi.
Đồng chí Nguyễn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy (thứ ba từ phải qua) trao Bằng khen của UBND tỉnh cho người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số của Quảng Ngãi.

Cùng với chính quyền địa phương, người có uy tín đã tích cực vận động gia đình, đồng bào trên địa bàn khu dân cư tự giác thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đoàn thể ở địa phương hoàn thành tốt chủ trương, kế hoạch đề ra.

Người có uy tín đã tham gia đóng góp to lớn trong việc vận động đồng bào từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc; đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Người có uy tín ở các địa phương có sự gắn kết với trưởng thôn, khu dân cư, ban Mặt trận tổ chức tốt việc tuyên truyền, vận động hộ gia đình giáo dục con em không vi phạm pháp luật, đoàn kết giữ gìn an ninh nông thôn, phát hiện người lạ mặt có biểu hiện nghi ngờ báo cáo kịp thời với chính quyền. Khi có vụ việc nghi kỵ cầm đồ thuốc độc xảy ra trên địa bàn, người cao tuổi kịp thời giải thích và tham gia cùng chính quyền giải quyết thành công. Từ thực tiễn hoạt động, đã xuất hiện nhiều tấm gương người có uy tín tiêu biểu, điển hình như các già làng Phạm Văn Sáu, Phạm Văn Lân, Phạm Văn Tài ở huyện Ba Tơ; già làng Đinh Văn Viết ở huyện Sơn Tây; già làng Hồ Văn Thắng ở huyện Tây Trà.

Năm qua, các già làng ở huyện Sơn Tây đã tham gia cùng chính quyền giải quyết thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp đất đai của bà con vùng giáp ranh với các huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam; Kon Plong tỉnh Kon Tum. Khi thấy vụ việc phức tạp, người có uy tín đã báo cáo kịp thời với chính quyền giải quyết không để xảy ra điểm "nóng". Đồng thời gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con khu dân cư để chuyển tải đến các cấp chính quyền giải quyết những nhu cầu chính đáng. Từ đó, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Động lực thúc đẩy đồng bào vươn lên

Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương chính sách, chương trình kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, nhất là đối với chính sách giảm nghèo; tham gia chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bồi thường giải tỏa, tái định cư các dự án; tích cực khai hoang phát triển diện tích lúa nước; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tăng năng suất cây trồng, vật nuôi đạt nhiều kết quả. Người có uy tín ở Ba Tơ, Sơn Tây, Minh Long nay đã có hơn 50%  kinh tế khá. Nhiều gia đình có mô hình chăn nuôi, phát triển trồng rừng, trang trại có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ngoài tập trung phát triển kinh tế gia đình, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số còn vận động, giúp đỡ hộ đồng bào về cây, con giống, hướng dẫn canh tác, chăn nuôi, từng bước cải thiện cuộc sống, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Điển hình như ông Hồ Văn Thái ở xã Trà Lãnh (Tây Trà); ông Hồ Minh Tân ở thôn Trà Ót, xã Trà Tân (Trà Bồng); ông Đinh Sang Cùi, ở xã Sơn Hạ (Sơn Hà); ông Đinh Văn Tiến, ở xã Long Sơn (Minh Long).

Ông Phạm Thanh Nghìn - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh (thứ hai từ trái sang) gặp gỡ già làng tiêu biểu huyện Trà Bồng. Ảnh: THANH NHỊ
Ông Phạm Thanh Nghìn - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh (thứ hai từ trái sang) gặp gỡ già làng tiêu biểu huyện Trà Bồng.


Nhiều tham luận của người có uy tín tiêu biểu trình bày tại hội nghị đã để lại tình cảm, ấn tượng tốt đẹp, bởi nghĩa tình, tâm huyết mà người có uy tín đã đóng góp vào công cuộc xây dựng phát triển kinh tế địa phương. Không lương, không được trả công, nhưng hễ phát hiện ra cách làm hay có thể đem lại năng suất, sản lượng cho cây trồng vật nuôi, họ lại đến tận nhà đồng bào để động viên làm theo. Từ đó, góp phần nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả trong đồng bào dân tộc thiểu số. Có nhiều hộ đồng bào nhờ "làm theo" những mô hình ấy là thoát được nghèo, có điều kiện chăm lo cho con cái học hành.

Đại diện cho hơn 200 người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số của huyện Sơn Tây, ông Đinh Văn Dung ở xã Sơn Bua, đã phát biểu trước hội nghị: "Muốn tiến bộ, thoát nghèo phải đến trường để học; không lấy vợ lấy chồng sớm; không sinh đẻ nhiều". Xuất phát từ suy nghĩ ấy, không quản nắng mưa, đường sá đi lại khó khăn, ông Dung đến từng nhà có con em bỏ học động viên cha mẹ đưa con ra lớp. Gia đình ông Dung là người gương mẫu tiêu biểu nhất nhì của huyện trong việc "đưa con ra lớp". Các con của ông đều chăm ngoan học giỏi, trong đó có 1 người đã trở thành cô giáo bám trụ tại vùng cao.

Ông Đinh Văn Lân ở xã Ba Dinh (Ba Tơ) là người tích cực vận động nhân dân không nghe theo kẻ xấu bỏ ruộng rẫy la cà uống rượu; xóa bỏ tập tục lạc hậu. Bản thân ông là người đã vận động thành công nhiều trường hợp do mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn lối xóm, nghi kỵ lẫn nhau, gây mất đoàn kết. Nghe lời khuyên giải, họ nhận ra khuyết điểm, sửa chữa, khắc phục, sống hòa thuận. Ông Lân là người ngăn chặn được 5 trường hợp nghi kỵ cầm đồ thuốc độc; khuyên hàng trăm bà con không nghe theo bọn truyền đạo trái phép… Nói về ước vọng của mình, già Lân chỉ mong có sức khỏe, được Đảng, Nhà nước và đồng bào tin cậy để tiếp tục làm "người có uy tín", giúp ích cho quê hương, đất nước.

Phát biểu với các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, đồng chí Nguyễn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy mong muốn người có uy tín tiếp tục phối hợp tốt với các cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vận động đồng bào xóa bỏ tập tục lạc lậu, tích cực tham gia các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt là gần gũi, gắn bó với đồng bào nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số để phản ánh đến các cấp lãnh đạo và cùng với cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở vận động, tổ chức cho đồng bào tích cực thực hiện.

 


  Thanh Nhị

 


.