Những bước chân thầm lặng

02:01, 12/01/2012
.

(QNg)- "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" là việc làm thầm lặng của những người làm công tác dân số.  Bằng lòng yêu nghề và có trách nhiệm, họ đã góp phần to lớn trong thực hiện Chiến lược Dân số trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.  

Mặc dù đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy nhưng với thâm niên làm cán bộ dân số gần 20 năm, bà Ninh Thị Vĩnh - cộng tác viên dân số xã Nghĩa Dõng (thành phố Quảng Ngãi) đã nghĩ ra nhiều cách làm hay để vận động đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện kế hoạch hoá gia đình, dừng lại ở 2 con để nuôi con khoẻ dạy con ngoan. Theo bà Vĩnh để công tác dân số mang lại hiệu quả thì điều đầu tiên là phải làm thay đổi nhận thức về con trai con gái của các gia đình. Xuất phát từ suy nghĩ này nên đối tượng mà bà cùng các cộng tác viên thường xuyên tuyên truyền vận động là những gia đình có con một bề là gái.

Bà Ninh Thị Vĩnh cho biết: Khi đi vận động KHHGĐ, nhiều người bảo, tăng dân số là dân số cả nước tăng, là việc của "Nhà nước", sinh thêm một đứa thì chỉ như "hạt muối bỏ biển", thấm vào đâu. Nhưng nếu ai cũng có tư tưởng như vậy, thì chương trình dân số coi như thất bại. Để vận động được một gia đình không sinh con thứ 3, mình phải vận động cả bố mẹ, ông bà nội ngoại. Vào đợt triển khai chiến dịch tăng cường chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ, tuần nào bà cũng đi tuyên truyền kiến thức về sức khoẻ sinh sản cho chị em phụ nữ trẻ mới lập gia đình.

Ngoài việc phát tờ rơi, bà còn trực tiếp hướng dẫn các biện pháp tránh thai cho những người mới lập gia đình, sắp sửa làm mẹ. Nhờ đó các chỉ tiêu về dân số trên địa bàn xã luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Sau 10 năm làm chuyên trách dân số xã, về nghỉ hưu bà lại tiếp tục tình nguyện làm cộng tác viên dân số. Bà bảo "cái nghề đi tuyên truyền vận động" này dường như có duyên với bà nên bà không thể bỏ được.

"Trải qua hơn 23 năm công tác trong ngành y tế và trên 17 năm phụ trách chương trình dân số-KHHGĐ, mình phải trực tiếp đi tuyên truyền, vận động thực tế chứ không thể khoán cho cộng tác viên được, đi để tiếp xúc với nhiều đối tượng để vận động, giáo dục, thuyết phục người dân tự nguyện chấp nhận áp dụng quy mô gia đình ít con, khỏe mạnh, hạnh phúc, giàu có" - chị Đào Thị Minh Thu - cán bộ chuyên trách xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) chia sẻ. Để đạt chỉ tiêu giao hằng năm, bản thân chị đã không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và xây dựng mạng lưới cộng tác viên dân số-KHHGĐ nhiệt tình, tâm huyết phụ trách ở từng khu vực dân cư.

Đồng thời tranh thủ kinh phí mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ để nâng cao kiến thức và cùng các thành viên đến tận từng xóm, cụm, tuyến dân cư điều tra, các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ chưa áp dụng kế hoạch hóa gia đình để tư vấn kịp thời, giúp đối tượng hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sinh đẻ có kế hoạch mà thực hiện. Chị Thu cho biết: Nói một lần mà họ không nghe mình phải nhiều lần giải thích, động viên, phân tích lợi hại, họ mới đồng ý. Nếu lúc vận động, gặp đối tượng phản ứng quyết liệt, mình phải lắng nghe, cảm thông và bình tĩnh tìm mọi cách giúp đỡ đối tượng vượt qua khó khăn. Làm công tác này thì phải bền bỉ "mưa dầm thấm sâu", "lạt mềm buộc chặt".

Sau khi đối tượng thực hiện KHHGĐ về nhà, phải thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ đối tượng. Riêng với những đối tượng nghèo khó, tôi đã đề xuất với lãnh đạo địa phương hỗ trợ vốn vay từ các nguồn quỹ tín dụng và giới thiệu học nghề, giải quyết việc làm để họ làm ăn, tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Từ đó, đã tạo được niềm tin cho mọi người". Chính sự kiên trì, bền bỉ của chị Thu nên đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số-KHHGĐ. Năm nào công tác dân số-KHHGĐ ở xã Hành Thịnh cũng đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Từ năm 1993 đến nay, xã Hành Thịnh liên tục đạt thành tích xuất sắc về công tác dân số-KHHGĐ, được Bộ Y tế, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh và UBND huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Trước khi làm chuyên trách dân số, chị Nguyễn Thị Đông (xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh) đã có 22 năm làm công tác ở Trạm Y tế. Vì thế chị hiểu rõ những tác hại đối với sức khỏe phụ nữ trong việc sinh đông con, dày con. Xác định đây là một trách nhiệm khá nặng nề và để thực hiện có hiệu quả phải có sự phối hợp với các hội đoàn thể, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là coi trọng công tác vận động, tuyên truyền giáo dục làm cho mọi người nhận thức tốt về các quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ. 

Ngoài những buổi tổ chức họp tuyên truyền, chị  Đông còn dành thời gian gặp gỡ, tâm sự với các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ để vận động, nắm bắt tâm tư, tình cảm của họ nhằm có biện pháp vận động hiệu quả. Với những hộ đã có hai con, chị tư vấn biện pháp tránh thai phù hợp. Với những đối tượng có một con, chị cung cấp thông tin về chăm sóc con cái, sức khỏe cho bà mẹ; đưa ra lời khuyên về khoảng cách sinh để bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ lẫn con, đồng thời để gia đình có thời gian làm kinh tế.

Chị Đông chia sẻ, 16 năm tham gia công tác dân số, chị có nhiều kỷ niệm vui lẫn buồn. Không ít trường hợp, chị phải vận động đến hơn mười lần, đối tượng mới đồng ý thực hiện biện pháp tránh thai. Nhiều đối tượng nhờ vậy đã có cuộc sống khấm khá và ổn định hơn trước. Gặp chị, họ chia sẻ niềm vui và trở thành "tuyên truyền viên tự nguyện" đối với những cặp vợ chồng khác. Và đến nay, xã thành lập và duy trì sinh hoạt 2 câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc", "CLB không  sinh con thứ 3 trở lên". Cá nhân chị Đông được tặng 7 giấy khen, 4 bằng khen của tỉnh và 1 bằng khen của Trung ương.    


Họ chỉ là 3 trong số 2.700 cộng tác viên và trên 300 cán bộ chuyên trách dân số từ xã, phường, thị trấn và các huyện, thành phố vẫn ngày ngày  gắn bó với một công việc đòi hỏi sự tận tâm, nhiệt huyết, bền bỉ. Họ không chỉ sống gần dân, hiểu dân, vận động thuyết phục dân bằng uy tín, mà còn vì cộng đồng, vì tương lai của dân tộc, của đất nước.         


Thanh Thuận


.