Minh Long: "Vướng" mặt bằng, đường thi công "cắt khúc"

02:01, 03/01/2012
.

(QNg)- Tuyến đường cầu Suối Tía - Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) huyện Minh Long có kinh phí đầu tư trên 15 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, năm 2011 đã trôi qua mà hình hài của con đường này vẫn còn đang bị "cắt khúc" chỉ vì… 6 hộ dân.

Dù đã triển khai thi công được gần 1 năm, nhưng tuyến đường từ cầu Suối Tía đến TTGDTX huyện Minh Long (thuộc địa bàn xã Long Hiệp) cũng chỉ mới thực hiện được một phần "đuôi". Còn phần "đầu" của con đường - đoạn từ cầu Suối Tía đã phải tạm dừng việc thi công từ nhiều tháng nay do 6 hộ dân có đất đai, nhà cửa bị giải tỏa kiên quyết không đồng ý bàn giao mặt bằng. Thậm chí có một số đoạn kênh, cầu cống dù đang thi công dang dở cũng phải "đóng băng", do xe chở nguyên vật liệu đã bị người dân chặn lại không cho vào. Vì vậy dù chỉ dài hơn 500m, nhưng tuyến đường này lại được xây dựng theo kiểu "cắt khúc". Nghĩa là đoạn nào giải tỏa xong thì tiến hành thi công, còn đoạn nào "vướng" thì… dừng lại!

Tuyến kênh thuộc công trình đường cầu Suối Tía - TTGDTX bị bỏ dở vì "vướng" khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.
Tuyến kênh thuộc công trình đường cầu Suối Tía - TTGDTX bị bỏ dở vì "vướng" khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.


Nhìn tuyến kênh bên nhà còn ngổn ngang, nằm trơ trọi chịu sự tàn phá của nắng mưa, bà Trần Thị Vân (xã Long Hiệp) - một trong 6 hộ dân trên cũng… chạnh lòng, giải thích: Tôi đồng ý "hiến" hơn 500m2 đất vườn để xây dựng con đường. Nhưng chỉ với mức giá đền bù là 30.000đ/m2 thì quá thiệt thòi cho gia đình tôi. Trong khi những hộ khác cũng có đất nằm cùng dãy với nhà tôi mà lại được đền bù 210.000đ/m2. Như thế là không công bằng.

Đối với hộ ông Huỳnh Mễ thì tuy thống nhất với mức giá đền bù là 300.000đ/m2, nhưng vì chính quyền không đồng ý bố trí hai lô đất mặt tiền liền kề (lô 66 và 67) tại khu TĐC Suối Tía cho gia đình, thế nên ông cũng nhất quyết không nhận tiền đền bù và di dời. Còn ông Nguyễn Hữu Hạnh thì ngoài số tiền đền bù hơn 700m2 đất vườn đã bị giải tỏa (120.000đ/m2), ông còn yêu cầu huyện hỗ trợ thêm 50 triệu đồng (để ổn định chỗ ở) kèm một lô đất ở khu TĐC. Trong khi theo quy định thì ông chỉ được chọn một trong hai.

Tuy mỗi hộ đều đưa ra những lý do để cố tình không bàn giao mặt bằng của mình, nhưng nguyên nhân chính cũng chỉ vì theo họ, mức giá đền bù của nhà nước còn quá thấp so với giá đất của thị trường hiện nay. Do đó, số tiền đền bù không đủ để họ làm nhà mới. Mặt khác, người dân cũng không mặn mà khi đến khu TĐC vì đất sản xuất thiếu đã ảnh hưởng đến thu nhập và chất lượng cuộc sống. Chính sự so sánh và tính toán như thế của 6 hộ dân này đã khiến việc thi công tuyến đường cầu Suối Tía - TTGDTX diễn ra ì ạch, chậm trễ.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thịnh - Giám đốc Ban quản lý các dự án huyện Minh Long khẳng định: Việc áp giá đền bù về hoa lợi, đất đai và nhà cửa của 46 hộ dân nằm trong diện giải tỏa trên đã được huyện thực hiện đúng theo Quyết định 66, 67 và 357/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Vì thế, 40/46 hộ dân đã đồng ý di dời và được bố trí đất ở ổn định ở khu TĐC mới. 6 hộ dân còn lại thì yêu cầu huyện phải nâng mức đền bù theo giá đất thị trường, hoặc "bù" cho họ một căn nhà mới tại khu TĐC Suối Tía. Nhưng chúng tôi không thể đáp ứng điều này vì như thế sẽ khiến các hộ dân xảy ra tranh chấp, khiếu nại.

Tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi, 6 hộ dân này lại cho rằng chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm và lắng nghe những ý kiến, nhu cầu chính đáng của họ. Điển hình như thắc mắc của bà Trần Thị Vân về việc: Vì sao có sự chênh lệch mức giá đền bù 210.000đ/m2 và 30.000đ/m2 giữa các hộ trong cùng dãy đất? Hay như việc ông Huỳnh Mễ mong muốn được huyện tạo điều kiện bố trí hai lô đất liền kề (được hỗ trợ 1 lô và gia đình mua 1 lô theo giá sàn của huyện), nằm đối diện ngay ngôi nhà cũ để thuận tiện trong việc làm ăn, buôn bán (hiện gia đình ông Mễ là đại lý vật liệu xây dựng) nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thiện chí từ phía chính quyền?

Công trình cầu Suối Tía - TTGDTX huyện cùng với tuyến đường cầu Suối Tía - trung tâm huyện sẽ tạo thành nút ngã tư giao thông mới, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại và phát triển kinh tế cho người dân. Do đó, theo ông Nguyễn Văn Thuần - Chủ tịch UBND huyện Minh Long: Nếu trong thời gian tới, 6 hộ dân này vẫn cố chấp, chây ỳ thì huyện sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế. Bởi không chỉ hạ tầng giao thông, mà để hoàn thiện các tiêu chí đạt thị trấn vào năm 2015, huyện còn phải tiếp tục đầu tư và xây dựng nhiều công trình công cộng và phúc lợi khác như: Công viên, nhà văn hóa huyện, sân bóng, điện và công trình nước sạch… Do đó, nếu không có sự góp sức và tích cực phối hợp của người dân thì những công trình này sẽ khó hoàn thành theo đúng tiến độ, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.