Hệ lụy từ khai thác san hô

10:01, 11/01/2012
.

(QNg)- Những năm gần đây ở các xã Bình Hải, Bình Châu (Bình Sơn), tình trạng sóng biển "ăn" đất liền ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Đây chính là hệ quả tất yếu của quá trình tàn phá tài nguyên thiên nhiên từ chính con người. Trong đó chủ yếu là khai thác san hô và lấy cát ven biển tràn lan.

TIN LIÊN QUAN


Kinh hoàng sóng dữ

Từ năm 2005 đến nay, tại các thôn: Phước Thiện, Thanh Thủy và An Cường (xã Bình Hải), triều cường đã làm nhiều lớp nhà, với hàng chục hộ dân ven biển mất nhà, hàng trăm căn nhà khác có nguy cơ đổ sập xuống biển bất cứ lúc nào. Mới đây, chỉ 3 đêm (từ 9 - 12/12), triều cường đã cuốn phăng một ngôi nhà và làm nhiều hộ dân phải đối diện với cảnh bỏ nhà cửa đi nơi khác lánh nạn khiến người ta xót xa nhiều hơn là ngạc nhiên. Chứng kiến cảnh tượng sóng biển "nuốt" nhà dân, người dân ở đây vẫn còn bàng hoàng. Bà Nguyễn Thị Thân kể lại: "Cả đời sống ở đây, chúng tôi chưa bao giờ thấy đợt triều cường nào ghê gớm và có sức công phá lớn đến vậy. Chỉ trong chốc lát, sóng biển đã đánh sập và cuốn phăng ngôi nhà của tôi ra biển...".

Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thân bị sóng đánh sập vào tối 10/12/2012.
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thân bị sóng đánh sập vào tối 10/12/2012.


Ông Hoàng Văn Tiến - Trưởng thôn An Cường nói: "Hồi trước triều cường xuất hiện cùng lắm chỉ đến mép bờ biển. Nhưng đợt này dù chỉ mới là áp thấp nhiệt đới mà triều cường xuất hiện với những đợt sóng kinh hoàng đã đánh sập và cuốn trôi ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thân; đồng thời đe dọa 48 ngôi nhà khác của người dân trong thôn, khiến bà con rất lo sợ". Chứng kiến cảnh tượng trên, người không biết chuyện thì cho rằng đó là sự bất thường của thiên nhiên, là hậu quả của biến đổi khí hậu... Nhưng có lẽ, đó chính là hệ lụy tất yếu của quá trình tàn phá hệ thống san hô, đá vôi dọc bờ biển của thôn, khiến các con sóng không còn vật cản, nó phăng phăng dội vào bờ và cuốn trôi bất kỳ vật gì chúng gặp.

Những hệ lụy từ khai thác san hô tràn lan

Ông Lê Văn Chương, thôn An Cường, bức xúc: "Tất cả chỉ tại  khai thác đá vôi và cát ồ ạt. Mạnh ai nấy đào thì biển nào chịu nổi". Những rặng san hô ở dọc bờ biển từ lâu được ví như những bờ kè chắn sóng. Nhưng vài năm trở lại đây, dọc bờ biển các thôn An Cường, Thanh Thủy, Phước Thiện rộ lên nạn đào phá đá san hô biển đem bán. Ước tính, mỗi ngày có hàng chục mét khối đá san hô bị đưa lên cạn bán cho các thương lái. Giá cả tùy theo từng loại, san hô cục to và đẹp được bán riêng với giá hàng triệu đồng mỗi cục. San hô tạp bán tại bãi với giá gần 1 triệu đồng/mét khối. Vì vậy, không kể ngày đêm, khi thủy triều xuống thì "đội quân" khai thác san hô ở các nơi khác đến ào ào ra biển đục, đẽo. Việc khai thác san hô dưới biển đã  phá vỡ hệ sinh thái biển và làm mất khả năng che chắn, nơi trú ẩn cho các loài cá tôm dưới biển, cũng như vành đai chắn sóng...  Không còn vật cản đường đi của sóng, nên cứ vào ban đêm, hàng chục hộ dân sống gần biển của thôn An Cường, Thanh Thủy rất lo lắng và họ muốn được chuyển đi nơi khác, hoặc mong sớm có kè chắn sóng giữ làng.

Đem vấn đề này trao đổi với lãnh đạo xã Bình Hải, ông Nguyễn Văn Hai - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nguyên nhân triều cường ngày càng xâm lấn sâu vào đất liền các thôn Thanh Thủy, An Cường chính là do việc khai thác cát ven bờ và đào đá san hô đã làm biến đổi dòng chảy, mất ghềnh đá san hô chắn sóng... Biết việc làm này là vi phạm pháp luật, nhưng nó vượt quá khả năng kiểm soát của địa phương nên không xử lý dứt điểm được. Ông Hai thừa nhận, ở vùng biển này, chính quyền tìm mọi cách ngăn chặn nhưng chặn ban ngày thì dân lén lút làm ban đêm. Không ngăn chặn được, xã đã đề nghị huyện vào cuộc ngăn cản và huyện cũng đã lập đoàn công tác chuyên ngăn chặn khai thác, vận chuyển đá san hô trái phép nhưng vẫn không xử lý dứt điểm được.

Theo lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn, hiện dọc bờ biển xã Bình Hải có trên 170 hộ dân sống trong vùng bị sạt lở do triều cường nên huyện đã xây dựng khu tái định cư tại thôn Phước Thiện, xã Bình Hải để di dời một số hộ dân ở vùng bị lũ quét năm 2010 lên ở. Còn trong tương lai, huyện sẽ di dời toàn bộ số hộ có nhà sập, nhà bị xói lở ở ven biển của các thôn Phước Thiện, Thanh Thủy và An Cường vào khu tái định cư này để ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lệnh cấm khai thác san hô.


Bài, ảnh: Bá Sơn
 


.