Dấu ấn 2011

08:01, 01/01/2012
.

(QNg)- Trong bối cảnh kinh tế-xã hội (KT-XH) của cả nước có nhiều biến động, ảnh hưởng, tác động đến sự phát triển KT-XH của tỉnh, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, tỉnh ta đã vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả nhất định.  

TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC


Năm 2011, Quảng Ngãi đã tích cực, chủ động mở rộng thị trường; đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ với các đối tác. UBND tỉnh ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác với lãnh đạo tỉnh Attapư (CHDCND Lào) về các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, văn hoá, du lịch, công tác đối ngoại... Cùng với đó là chủ động xây dựng tuyến hành lang hợp tác các tỉnh Việt Nam-Nam Lào-Đông Bắc Thái Lan, tham dự Hội nghị hợp tác phát triển quốc tế với các tỉnh: Ubon Ratchathani, Sisaket (Thái Lan); Champasak, Salavan, Sê Kông, Attapư (Lào), Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum (Việt Nam) do tỉnh Kon Tum đăng cai tổ chức. Xu thế hợp tác quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, không gian kinh tế ngày càng mở rộng, vì thế sự hợp tác nhằm kết nối toàn tuyến để đạt mục tiêu khai thác hiệu quả tuyến hành lang kinh tế Đông Tây đang là ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Công tác xúc tiến, vận động viện trợ phi chính phủ của tỉnh tiếp tục được duy trì và mở rộng. Trong năm 2011, đã có 16 tổ chức phi chính phủ nước ngoài cam kết tài trợ cho Quảng Ngãi khoảng 52 tỷ đồng với 30 chương trình, dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với lãnh đạo tỉnh Atttapư (Lào).
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với lãnh đạo tỉnh Atttapư (Lào).


Trên lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành tham gia Hội thảo "Liên kết phát triển du lịch tỉnh Kon Tum-các tỉnh duyên hải miền Trung" để kết nối các tuyến điểm du lịch Quảng Ngãi với Kon Tum và các tỉnh duyên hải miền Trung. Sở VH-TT&DL các tỉnh: Quảng Ngãi, Kon Tum và Bình Định đã tổ chức ký liên kết, hợp tác phát triển du lịch các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên; tìm kiếm cơ hội đầu tư tại 3 tỉnh; xây dựng thương hiệu "3 địa phương-một điểm đến".

Tăng cường hợp tác đầu tư, Quảng Ngãi tham gia chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng các hội thảo tại các diễn đàn kinh tế lớn. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ký Bản Ghi nhớ với Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam-Singapore về triển khai thực hiện dự án đầu tư khu công nghiệp và khu dân cư-thương mại theo mô hình KCN và đô thị, dịch vụ VSIP. Dự án này có diện tích khoảng 1.000 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD.

 

Đây là dự án nằm trong kế hoạch phát triển mở rộng mô hình Khu Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ ra miền Trung của VSIP sau khi đã thành công với các dự án tại tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng. Ngay sau đó, Tập đoàn Semcorp-Singapore đã đến Quảng Ngãi để khảo sát, xem xét đầu tư nhà máy nhiệt điện tại KKT Dung Quất, công suất dự kiến khoảng 1.200 MW. Mà theo ông Phạm Như Sô-Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất, dự án có tổng vốn 1,5 tỷ USD này được triển khai cùng với VSIP sẽ là hai dự án góp phần đẩy nhanh tốc độï tăng trưởng GDP của Quảng Ngãi sau giai đoạn 2011-2015.

 CHĂM LO AN SINH XÃ HỘI:

Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu xuyên suốt trong năm qua của các cấp chính quyền Quảng Ngãi, khi mà tình hình khủng hoảng tài chính, nợ công trên diện rộng của thế giới đã tác động đến nền kinh tế nước ta.

Thực hiện an sinh xã hội, trong năm qua nhiều người nghèo đã được khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí.
Thực hiện an sinh xã hội, trong năm qua nhiều người nghèo đã được khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí.


Tập trung cho công tác này, tỉnh đã giải quyết tạo việc làm mới cho 35.500 lao động, ước đạt 100% kế hoạch. Chăm lo, giải quyết chính sách cho người có công với cách mạng kịp thời.  Năm 2012, chương trình mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh triển khai đạt kết quả tích cực. Kết quả tổng điều tra hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2011-2015, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 66.981 hộ, (21,36%), giảm 2,56% so với năm 2010.  Chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, hỗ trợ về y tế, giáo dục,... cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai kịp thời, có hiệu quả, với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 338 tỷ đồng và 12.504 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được bảo vệ và chăm sóc.

Bên cạnh đó, các chương trình dự án và chính sách đối với đồng bào dân tộc và miền núi được các ngành, địa phương chú trọng triển khai thực hiện đạt kết quả như: Hợp phần nâng cao năng lực và học hỏi thuộc Chương trình Hỗ trợ thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II (ISP); Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn; Chương trình di dân định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, góp phần ổn định đời sống và phát triển sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các huyện miền núi.

TẠO BƯỚC CHUYỂN CHO NĂM 2012

Năm 2012, kinh tế thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp sẽ tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta. Trong nước, bên cạnh những thành tựu đạt được,  vẫn còn có nhiều khó khăn, thách thức như kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lãi suất tín dụng còn ở mức cao, chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm nhưng chưa ổn định,... là những tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế của tỉnh ta. Song, với những thành tựu KT-XH đã đạt được trong thời gian qua sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH những năm tiếp theo.

Phát triển công nghiệp là một trong 3 nhiệm vụ đột phá được tỉnh tập trung nguồn lực trong năm 2012. Trong ảnh: Kiểm tra dây chuyền sản xuất hạt nhựa polyproplen tại NM Nhựa Polypropylen Dung Quất
Phát triển công nghiệp là một trong 3 nhiệm vụ đột phá được tỉnh tập trung nguồn lực trong năm 2012.
Trong ảnh: Kiểm tra dây chuyền sản xuất hạt nhựa polyproplen tại NM Nhựa Polypropylen Dung Quất


Năm 2012, Quảng Ngãi phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng đã đề ra trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung nguồn lực để thực hiện ba nhiệm vụ đột phá: Phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, phát triển nguồn nhân lực và hai nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển KT-XH, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...

 

Với các chỉ tiêu chủ yếu như: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức 10-11%; tổng vốn đầu tư phát triển: 12.850 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 230,9 triệu USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn 18.594,3 tỷ đồng; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề so với tổng số lao động đạt 34%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%...

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa yêu cầu, trước hết, cần quán triệt đầy đủ, toàn diện và thực hiện nghiêm túc mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ. Song song với đó là tập trung chỉ đạo kiên quyết, sâu sát nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;  tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, thu hút nguồn lực để tổ chức thực hiện cả trước mắt và lâu dài. Vấn đề là trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, việc huy động các thành phần kinh tế, khu vực tham gia trong đầu tư phát triển là một yêu cầu cần được cả hệ thống chính trị quan tâm, có giải pháp hữu hiệu và sự đồng thuận cao trong khâu tổ chức thực hiện.

Các cấp, ngành trong tỉnh tập trung chỉ đạo SXKD, hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở đẩy mạnh SXKD, đóng góp tăng trưởng và tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh; chú trọng khắc phục những hạn chế, khuyết điểm nhiều năm trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. UBND tỉnh sẽ chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản, khắc phục dần tình trạng dàn trải, kém hiệu quả; rà soát, đánh giá và thúc đẩy, tạo điều kiện để chủ đầu tư khắc phục khó khăn triển khai thực hiện dự án; hoặc kiên quyết xử lý thu hồi GCNĐT đối với các DA không triển khai, chậm tiến độ, tạo đất sạch cho nhà đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh. Và điều quan trọng là phải tạo sự đồng thuận, nhất trí cao nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, nhằm tạo đà, tạo thế cho những năm tiếp theo.


 Hoàng Triều
 


.