"Nữ ba gác số 1"

09:12, 06/12/2011
.

(QNĐT)- Đôi chân gần như “rệu rã”, vậy mà ngày nào chị cũng ráng sức đạp từng vòng xe ba gác nặng trịch. Chị bảo: “Không làm lấy tiền đâu nuôi tụi nhỏ. Bố nó mất sớm, mình phải cố chứ biết kêu ai. Khổ mấy cũng chịu miễn là các con hiểu được lòng mẹ!”. Người phụ nữ nghèo khổ, làm cái nghề mà hiếm có phụ nữ làm được, đó là chị Nguyễn Thị Trợ (44 tuổi), ở tổ 6, phường Nghĩa Lộ, Tp.Quảng Ngãi, với thâm niên hơn chục năm chạy xe ba gác.
Nhiều người thương chị Nguyễn Thị Trợ (ở tổ 6, phường Nghĩa Lộ, Tp.Quảng Ngãi) bởi cái tính hay lam hay làm. Làm sao không thương cảm, không sẻ chia khi nhìn thấy người phụ nữ vốn chân yếu tay mềm lại oằn mình, đạp từng vòng xe ba gác nặng trịch để mưu sinh.
 
Chị Nguyễn Thị Trợ nhận chở cây bạch đàn cho khách.
Chị Nguyễn Thị Trợ nhận chở cây bạch đàn cho khách.

Cái nghề đạp xe ba gác vốn là “của” đàn ông, vậy mà chị Trợ “kham” nó đã hơn chục năm nay. Nhìn thấy chị Trợ mồ hôi nhễ nhại, ráng sức đến trân người để đạp chiếc xe ba gác chở gỗ bạch đàn lăn bánh, chị Nguyễn Thị Nga (ở tổ 21, phường Nghĩa Lộ), bùi ngùi: “Chị ấy đúng là nữ ba gác số 1. Gặp hoàn cảnh éo le nên phải bán kiệt sức mình vậy đó…”.

Quả không ngoa khi bảo chị Trợ là nữ-ba-gác-số 1. Dẫu cuộc sống có muôn vàn gian khó, dẫu đôi lúc trong tâm tư gần như muốn tuyệt vọng, vậy mà chị vẫn cố vươn lên nuôi sống bản thân, nuối sống gia đình bằng chính sức lao động của mình.

Đã hơn chục năm rồi, chị Trợ gắn bó với nghề đạp xe ba gác. Ngày trước, khi chồng còn sống, nghề ba gác của chị tuy vất vả nhưng vui hơn vì có chồng là đồng nghiệp.

Kể từ ngày anh qua đời (năm 2006), chị cũng vẫn gắn bó với cái nghề mệt nhọc này, song trách nhiệm lại nhân lên gấp bội vì một nách nuôi hai đứa con nhỏ. Đứa con trai lớn sinh năm 1994, đứa nhỏ sinh năm 1997.

Cứ mỗi sáng, chị lại đạp xe ba gác đến bãi gỗ của ông Bốn Chấn (đối diện UBND phường Nghĩa Lộ) để chờ khách. Khách kêu chở gì chị cũng chở, miễn là có tiền để nuôi con. Cây bạch đàn tươi, tôn, cốt-pha, cửa, giường… tất cả chị đều không “từ”.

Chị Trợ nói vui mà tình thật: “Nhiều người lưỡng lự không muốn kêu vì thấy người chị nhỏ, sợ chị chở không nổi. Ai đời phụ nữ lại chạy xe ba gác phải không em. Đoán biết ý khách, chị bảo cứ để em chở, chở đến tận nhà rồi mới lấy tiền, em chở được mà…”.

Chị Trợ chẳng biết mỗi lần mình chở bao nhiêu kí-lô-gam mà kể, chị cứ chất chồng lên xe, không đạp nổi thì đẩy. Chị chỉ biết rằng, từng ấy khối lượng là quá sức của mình, nhưng phải cố… Tịnh Châu, Tịnh An (Sơn Tịnh), Nghĩa Trung, Nghĩa An (Tư Nghĩa)… nơi đâu cũng in dấu vòng xe ba gác của chị Trợ. Có ngày chị kiếm được hơn 100.000 đồng, ngày thì 50.000 đồng, nhưng có ngày ra bến ngồi đợi mãi nhưng chẳng có ai kêu, vậy là phải về tay không…

Tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị Nguyễn Thị Trợ dùng tay đánh vào đôi chân như đánh trái banh vậy. Chị giải thích: “Mỏi, đau nhức không chịu thấu em à. Chỉ có cách đánh thế này cho đỡ đau…”. Ngồi suy nghĩ vu vơ, chị Trợ lại nhớ đến người chồng xấu xố.

Khi còn sống, anh cứ bảo chị: “Làm thì phải ăn, thế mới có sức để lao động. Bà cứ tằn tiện thì có ngày chết sớm…”. Chị Trợ rơi nước mắt: “Mình nghèo, phải tiết kiệm mới có tiền nuôi con chứ anh. Ảnh sợ chị chết sớm, vậy mà ảnh đi trước chị”.

Anh Phan Duy Hùng (chồng chị Trợ) mất vì tai nạn giao thông trong lần đi về quê ở Tư Nghĩa. Oái ăm thay là anh chết vì bị tông bởi chiếc xe cứu thương của một bệnh viện tuyến huyện. Đau khổ trước cái chết của chồng, có lần chị Trợ suýt mất mạng vì nhớ chồng, không tập trung chạy xe khiến cho chiếc xe ba gác chở đầy cây cối bị ngã nhào.

Giấu nỗi đau khổ, mệt nhọc trong tâm tư, ngày qua ngày chị Trợ cố gắng đạp xe ba gác kiếm tiền nuôi hai đứa con nhỏ. Chị Trợ cho biết: “Hai cháu đang đi học nghề, đứa thì học sửa xe honda, đứa học nghề thợ sơn. Mình vất vả mấy cũng được, chỉ mong rằng con cái hiểu được tấm lòng của mẹ, chăm chỉ học nghề để sau này có cuộc sống ổn định”.

  Minh Anh

.