Thực thi Luật người cao tuổi: Chưa đầy đủ, kịp thời

01:11, 21/11/2011
.

(QNg)- Luật Người cao tuổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Theo quy định, ngoài việc được chúc thọ, mừng thọ, người cao tuổi còn được chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc về đời sống tinh thần đầy đủ hơn. Thế nhưng trong thực tế, việc thực thi không đầy đủ, kịp thời nội dung luật định, gây thiệt thòi cho người cao tuổi...

Chú trọng "bề nổi"

"Bề nổi" ở đây là hoạt động chúc thọ, mừng thọ đối với người cao tuổi. Luật quy định tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, mức quà tặng chúc thọ cho người cao tuổi thọ 70, 75, 80, 85, 95 và trên 100 tuổi. Người cao tuổi thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước tặng quà; 90 tuổi được UBND tỉnh tặng quà. Đây là hoạt động được đánh giá là phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người cao tuổi, kịp thời động viên các cụ sống khoẻ, sống vui, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho xã hội. Vì thế, đa phần người cao tuổi ở diện "được chúc thọ, mừng thọ" đều được gia đình, xã hội quan tâm và hoạt động mừng thọ được thực hiện trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương.
 
Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi nghèo ở huyện đảo Lý Sơn.
Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi nghèo ở huyện đảo Lý Sơn.

Việc thăm hỏi, chúc mừng người cao tuổi còn được các hội, đoàn thể, gia đình tổ chức thường xuyên vào các dịp lễ tết trong năm. Đó là đạo lý thể hiện truyền thống tốt đẹp, nhân văn của dân tộc Việt Nam. Người cao tuổi có vai trò quan trọng trong kết nối các giá trị truyền thống về đạo đức, lịch sử văn hoá; có vai trò, vị trí đặc biệt trong đời sống xã hội; là lớp người có công lớn đối với đất nước, từng trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, vai trò của người cao tuổi càng được thể hiện rõ nét, là lực lượng nòng cốt ở cơ sở và trong mỗi gia đình, nêu gương, kiên trì hướng dẫn, động viên con cháu chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Vì thế, hoạt động chúc thọ, mừng thọ các cụ là đặc biệt quan trọng, được Luật Người cao tuổi quy định cụ thể, nhằm thể hiện sự "kính lão đắc thọ", đảm bảo việc thực thi trong xã hội một cách nghiêm túc.

Bỏ sót "chiều sâu"

Ngoài việc được Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể chúc thọ, mừng thọ theo quy định, Luật Người cao tuổi còn quy định: Người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe thông qua việc khám, chữa bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế, đặc biệt ưu tiên cho người đủ 80 tuổi trở lên. Các bệnh viện sẽ thành lập các khoa lão khoa, hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh cao tuổi. Người cao tuổi được chăm sóc đầy đủ hơn về đời sống tinh thần trong hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, hưởng phúc lợi từ các công trình công cộng và giao thông công cộng do Nhà nước và xã hội đầu tư. Chính phủ sẽ ban hành danh mục dịch vụ mà người cao tuổi sử dụng với mức miễn, giảm nhất định.

Đặc biệt, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và bảo hiểm xã hội sẽ được trợ cấp hàng tháng, được hưởng bảo hiểm y tế, được hỗ trợ chi phí mai táng khi chết. Mức hưởng trợ cấp từ 180.000 đồng/tháng đến 360.000 đồng/tháng tuỳ theo từng điều kiện cụ thể. Trong đó, Luật Người cao tuổi đã hướng sự quan tâm dành cho người cao tuổi nghèo, đơn thân (từ đủ 60 tuổi trở lên đã được hưởng). Theo Luật Người cao tuổi, các cơ quan nhà nước cũng có trách nhiệm tạo điều kiện tốt nhất để người cao tuổi phát huy vai trò phù hợp với khả năng của mình thông qua việc bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị, việc trực tiếp cống hiến trong khoa học, sản xuất, kinh doanh…

Luật cũng quy định người cao tuổi được ưu tiên khi khám chữa bệnh; nếu vì sức khoẻ yếu, không thể đi lại được thì nhân viên y tế đến tận nơi để chăm sóc. Người cao tuổi được giảm 15% tiền vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe buýt, và được sắp xếp chỗ ngồi... Tuy nhiên, thực tế hàng ngàn người cao tuổi trong tỉnh vẫn chưa được hưởng các quyền lợi này, bởi vì các cơ quan liên quan chưa thực thi đúng luật. Trong khi đó, bản thân người cao tuổi lại không hiểu về luật nên không biết đòi quyền ưu tiên cho mình. 

Mâu thuẫn ngay trong luật...

Tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 6 Nghị định 06/2011/NĐCP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Người cao tuổi quy định: Người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng được hưởng 180.000 đồng/tháng. Tuy nhiên cũng Điều 6, khoản 8 của Nghị định này lại quy định: "Thời gian hưởng trợ cấp của người cao tuổi được tính từ ngày ghi trong quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện". Điều đó có nghĩa là không phải cứ đủ 80 tuổi là người cao tuổi được hưởng trợ cấp mà thời điểm được hưởng là "ngày ghi trong quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện" - người có thẩm quyền ký quyết định trợ cấp cho người cao tuổi. Trong khi để có được quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện, thì người cao tuổi phải đi lại, lập thủ tục, viết đơn xin... mất ít nhất vài ba tháng kể từ ngày "đủ 80 tuổi".

Tỉnh Quảng Ngãi hiện nay có khoảng 140.000 người cao tuổi, trong đó có 22.000 người từ 80 tuổi trở lên thuộc diện được hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng. Tuy nhiên, thực tế số lượng người cao tuổi đủ điều kiện hưởng chính sách bảo trợ còn nhiều hơn, nhưng "nằm ngoài" tổ chức Hội Người cao tuổi nên chưa được quan tâm đưa vào diện được hưởng chính sách. Ông Trần Văn Thường - Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: "Để làm tốt hơn công tác chăm sóc người cao tuổi thì việc tuyên truyền, phổ biến Luật Người cao tuổi phải được triển khai đến không chỉ người cao tuổi, mà còn đến các đơn vị có liên quan... Như thế mới đảm bảo Luật Người cao tuổi đi vào cuộc sống".

Bài, ảnh: THANH NHỊ

.