Ba Tơ: Chủ động phòng chống bão lũ

08:10, 04/10/2011
.

(QNg)- Vào mùa mưa bão ở  huyện miền núi Ba Tơ thường xảy ra tình trạng sạt lở núi, ngập lụt và lũ quét. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, huyện đã chủ động triển khai  phương án phòng chống lụt bão năm 2011.

Do ảnh hưởng bão số 4 trên địa bàn huyện Ba Tơ có mưa vừa đến mưa to. Nhiều tuyến đường đã bị sạt lở. Theo lãnh đạo UBND xã Ba Ngạc: Tuyến đường Ba Tơ - Sơn Hà (QL 24B) tại lý trình Km 31 bị sạt lở nặng, với chiều dài gần 20 mét, khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 5.000 - 7.000 m3, gây ách tắc giao thông. Trong mấy ngày qua, xã Ba Ngạc đã huy động nhân dân khắc phục, đảm bảo thông đường cho các phương tiện xe máy, xe đạp, và người đi bộ qua lại.

Những vùng "SOS".

Ông Võ Hữu Dị - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tơ cho biết: Huyện đã rà soát những vùng trọng điểm sạt lở ven sông, suối, nứt núi, những vùng trũng có nguy cơ ngập lụt, vùng chia cắt... Theo đó, khi mưa bão lớn xảy ra, vùng thôn Tân Long Hạ, (Ba Động), vùng hạ lưu hồ Tôn Dung (thị trấn Ba Tơ) có nguy cơ ngập lụt. Khu vực suối Nước Nẻ, xã Ba Vinh; vùng dọc sông Liên, sông Re có khả năng xảy ra lũ quét. Các xã Ba Nam, Ba Lế, Ba Trang, Ba Điền, Ba Xa... khi mưa có cường độ trên 150mm kéo dài thì có nguy cơ  sạt lở núi làm ách tắc giao thông. Riêng 45 hộ dân ở khu vực làng Mâm, xã Ba Bích trong diện di dời khẩn cấp trước mùa mưa bão năm nay nhưng hiện vẫn chưa di dời được. Khi mưa bão lớn xảy ra, tính mạng người dân sẽ bị đe doạ.
 
Mưa xuống là người dân Ba Tơ thường bất chấp hiểm nguy, băng suối trồng rừng. Ngành chức năng cần sớm cảnh báo cho họ.
Mưa xuống là người dân Ba Tơ thường bất chấp hiểm nguy, băng suối trồng rừng. Ngành chức năng cần sớm cảnh báo cho họ.

Ngoài những điểm đã nêu, theo thống kê của Ban chỉ huy PCLB &TKCN huyện Ba Tơ, trên địa bàn huyện có khoảng 300 điểm sạt lở núi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và đất đai của nhân dân trong vùng. Các điểm đã hình thành vết nứt thuộc các xã Ba Dinh, Ba Chùa, Ba Ngạc, Ba Bích, Ba Vinh. Nếu như mưa lớn xảy ra kéo dài khoảng 5 ngày thì khả năng sạt lở núi rất lớn.

Các tuyến đường có khả năng sạt lở gây ách tắc giao thông như: Đèo Viôlắc; đèo Bồ Hui (tuyến đường Ba Tơ - Ba Trang), đèo Lâm, đèo Tống Ri; vùng dọc tuyến đường Đức Phổ, Ba Khâm, Ba Trang, vùng dọc theo tuyến đường Ba Bích - Ba Nam, vùng dọc tuyến đường Suối Loa - Ba Điền...

 Chủ động đối phó với mưa bão

Huyện  Ba Tơ đã kiện toàn lại Ban chỉ huy PCLB & TKCN các cấp, đồng thời triển khai phương án PCLB&TKCN năm 2011. Huyện đã dự trữ 45 tấn gạo, 27 tấn muối, dự trù 500 triệu đồng để mua nhu yếu phẩm. Ngoài kho dự trữ ở trung tâm huyện, các điểm dễ xảy ra chia cắt như Ba Ngạc, Ba Tiêu, Ba Xa, Ba Lế, Ba Trang, Ba Khâm, Ba Vinh, Ba Điền, Ba Nam cũng đã dự trữ lương thực để phòng khi mưa bão lớn xảy ra. Các vùng ngập lụt, huyện cũng đã bố trí các điểm cao ráo, như: Trường học, các nhà kiên cố trên cao để di dời dân đến ở tạm.

Huyện Ba Tơ đã chuẩn bị 10 xe tải bố trí ở các điểm thị trấn Ba Tơ,  Ba Động, Ba Vì; 5 xuồng máy tại các điểm xung yếu sông, suối thuộc xã Ba Động và thị trấn Ba Tơ; chuẩn bị 150 áo, phao cứu sinh. Tại các bến sông khác, các xã cũng đã bố trí thuyền đò để đảm bảo việc đi lại an toàn cho dân trong vùng. Các cơ quan khí tượng thủy văn, Đài Truyền thanh phát lại truyền hình huyện theo dõi diễn biến thời tiết để thông báo cho nhân dân kịp thời phòng tránh. Khi có bão từ cấp 9 đổ bộ vào địa bàn và lũ dâng cao mức báo động 3 ngành giáo dục nên chủ động cho học sinh nghỉ học...

MAI HẠ

.