Sẵn sàng ứng phó bão lũ

03:09, 23/09/2011
.

(QNg)- Đang bắt đầu mùa mưa bão, nên công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai đang được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm, nhằm mục đích giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, trong năm 2010 bão lũ đã làm 32 người chết và mất tích, 45 người bị thương, trên 200 căn nhà bị sập đổ, hư hỏng, 22 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng hàng trăm hạng mục công trình hạ tầng giao thông, thuỷ lợi và các công trình phục vụ dân sinh, tổng thiệt hại tài sản trên địa bàn tỉnh khoảng 470 tỷ đồng. Riêng 7 tháng năm 2011, thiên tai đã làm 5 người chết, 1 người mất tích; 2 tàu bị chìm; ước thiệt hại về tài sản khoảng 1 tỷ đồng.
 
Diễn tập công tác PCLB&TKCN ở huyện Mộ Đức
Diễn tập công tác PCLB&TKCN ở huyện Mộ Đức

Lâu nay, mỗi khi xảy ra bão lũ trên địa bàn tỉnh thì công tác quản lý, kêu gọi tàu thuyền được đặt lên hàng đầu. Và kinh nghiệm được rút ra từ bài học PCLB&TKCN năm 2010 là: tăng cường kiểm tra an toàn tàu cá, đăng ký tần số liên lạc, danh sách lao động trên tàu, kiên quyết không để tàu thuyền không đủ điều kiện ra khơi khai thác hải sản. Bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng (BCH PCLB&TKCN các huyện ven biển, Đồn biên phòng, Chi cục Khai thác và Bảo vệ NLTS, Cảng vụ hàng hải, Cảnh sát biển) trong công tác quản lý tàu thuyền; tuyên truyền, giáo dục, ngư dân thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo an toàn cho người, phương tiện khi hoạt động trên biển; thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với ngư dân.

Ngoài ra, phân công cụ thể nhiệm vụ TKCN cho các lực lượng vũ trang: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phụ trách công tác TKCN trên biển; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh phụ trách công tác TKCN trên sông và trên đất liền.

Ông Nguyễn Quang Trung- Phó ban trực Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Bình Sơn cho biết, địa phương có trên 1.380 tàu thuyền (238 tàu có công suất trên 90CV), với 2 cửa biển chính để tàu thuyền neo đậu là Sa Kỳ (Bình Châu) và Sa Cần (Bình Thạnh), nhưng hai bến này nhỏ, không được nạo vét thường xuyên, nên việc bố trí sắp xếp cho tàu thuyền neo đậu trong mùa mưa bão rất khó khăn.

Tuy vậy huyện đã tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác PCLB&TKCN, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn khi có bão lũ. Cụ thể, trước mùa mưa bão thì kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc từ huyện đến các xã ven biển; mua sắm trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; tăng cường công tác tuyên truyền... Khi có bão lũ  thì phân công các thành viên đứng cánh phụ trách các địa bàn triển khai phòng chống. Đặc biệt nếu có tàu cá bị nạn trên biển, thì báo cáo BCH PCLB&TKCN tỉnh và tập trung huy động tàu cá hoạt động gần tàu bị nạn đến tham gia cứu nạn. Thực tế ở nơi nào mà tổ chức Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo tốt công tác PCLB&TKCN, thì sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Còn ở huyện Sơn Tịnh, hiệu quả mang lại rõ nhất trong công tác PCLB&TKCN là mô hình nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai thôn An Phú, xã Tịnh An.

Ông Bùi Bình - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Sơn Tịnh cho biết, Nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai (kinh phí 2 tỷ đồng) được đưa vào sử dụng từ tháng 10/2010, đến nay đã phát huy tác dụng. Ngôi nhà 2 tầng  được xây dựng kiên cố trên mảnh đất cao ráo ngay trên vùng rốn lũ. Khi có mưa lũ, ngôi nhà đảm bảo cho khoảng 500 người tránh trú. Người dân gọi công trình này là phao cứu sinh khổng lồ, hay nhà tránh lũ đa năng (bởi vừa để tránh lũ, vừa làm nơi cho con em học tập, sinh hoạt của người dân).

Được biết, những năm trước, khi có mưa lớn nhân dân phải huy động thuyền, để di chuyển đến nơi an toàn. Nay có nhà tránh lũ, người dân trong vùng rất yên tâm khi mùa lũ đến. Đây cũng là mô hình cần được nhân rộng đến các vùng rốn lũ khác trên địa bàn tỉnh, nhằm phòng tránh thiên tai, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Hiện nay các cấp ngành và địa phương trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị ứng phó với bão lũ. Điển hình như Sở Giao thông Vận tải chuẩn bị phương án phân  luồng đảm bảo giao thông và khắc phục sự cố các tuyến đường giao thông sau lũ, bão, với nhiều tình huống chi tiết được đặt ra cùng các phương án xử lý cụ thể. Trường hợp ách tắc giao thông do sạt lở đất đá taluy dương, taluy âm đối với các tuyến đường độc đạo lên các huyện miền núi như Tây Trà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long... và tắc đường do ngập lụt ở các huyện đồng bằng cũng được Sở GTVT chuẩn bị phương án xử lý cụ thể. Riêng Ban quản lý KKT Dung Quất đã xây dựng phương án phòng chống và khắc phục lụt bão khá chi tiết.

Theo đó ban quản lý các dự án đầu tư, doanh nghiệp trong KKT nhanh chóng hoàn thành gấp các công trình trọng điểm phục vụ mùa mưa bão; thành lập các tổ hỗ trợ PCLB, hoạt động theo phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường mạng lưới thông tin  liên lạc…

Một trong những vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh là việc bảo đảm an toàn cho 112 hồ chứa phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Phần lớn những hồ chứa nước này đều được xây dựng vào những năm 1980, nhưng do không được đầu tư nâng cấp nên hiện nay đã có trên 60 hồ chứa nước quy mô nhỏ đang xuống cấp rất nghiêm trọng. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng các phương án PCLB cho từng công trình.

Riêng việc quản lý tàu thuyền trên biển, Sở NN&PTNT và các địa phương ven biển phối hợp với Bộ đội Biên phòng kiểm tra chặt chẽ việc trang bị thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh và thiết bị đảm bảo an toàn cho ngư dân; khi có bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông phối hợp với Bộ đội Biên phòng nắm chắc số lượng tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động trên biển của địa phương mình, để hướng dẫn họ di chuyển phòng, tránh an toàn.

Với sự chuẩn bị chu đáo và quyết tâm cao của các cấp, ngành và địa phương, hy vọng mùa mưa bão năm nay tỉnh ta sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản nhân dân.

Phạm Danh

.