Ô nhiễm môi trường từ lò mổ lợn tập trung

01:09, 16/09/2011
.

(QNg)- Đã 2 năm nay người dân xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) sống trong môi trường ô nhiễm do cơ sở giết mổ lợn tập trung của ông Trần Thanh Xuân gây ra. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Cơ sở giết mổ lợn tập trung của ông Trần Thanh Xuân ở thôn Thọ Lộc Đông, xã Tịnh Hà hoạt động khoảng 2 năm nay. Năm 2010 mỗi ngày cơ sở này giết hàng nghìn con heo sữa, nhưng năm nay sức tiêu thụ giảm, dẫn đến số lượng heo giết mổ cũng ít hơn trước. Tuy nhiên không phải vì thế mà tình trạng ô nhiễm môi trường hạn chế.
 
Theo nhiều người dân sống quanh lò mổ cho biết: Khoảng 14-15 giờ, các xe tải chở lợn từ các nơi tập trung lợn về lò mổ, đến khoảng 3- 4 giờ sáng hôm sau lợn được giết mổ rồi bỏ thùng xốp đưa đi các nơi tiêu thụ. "Đối với những lò giết mổ đơn lẻ chỉ giết 2- 3 con/ngày cũng đã gây ô nhiễm môi trường huống chi lò mổ này giết hàng trăm, thậm chí cả nghìn con mỗi ngày thì làm sao tránh khỏi sự ô nhiễm"- anh Thắng ở thôn Mỹ Yên bức xúc nói.
 
Cơ sở mổ lợn tập trung của ông Trần Thanh Xuân.
Cơ sở mổ lợn tập trung của ông Trần Thanh Xuân.

Mùa nắng gió cuốn theo mùi hôi thối từ cơ sở này bay đi, khiến những người dân ở phía bắc lò mổ ngửi mùi hôi thối rất khó chịu. Dọc theo con mương nhỏ (đoạn từ phía sau cơ sở giết mổ thải ra chảy về phía cánh đồng Ao Kèo chừng vài trăm mét) chúng tôi phát hiện có rất nhiều cá đồng chết.

Cụ Nguyễn Đừng (70 tuổi) ở Thọ Lộc Bắc, đang gặt lúa kế bên cơ sở giết mổ này, cho biết: Nguyên nhân cá chết là do nước thải từ lò mổ lợn tập trung. ông Đừng xót xa nói: "Trước đây khi chưa có lò mổ lợn, thì cá ở đây rất nhiều. Mỗi lần làm đồng bà con thường bắt cá về chế biến món ăn, nhưng nay cá chết nhiều, không ai dám bắt cá về ăn, vì sợ mắc bệnh". 2 sào lúa của ông Đừng cũng suy giảm năng suất trông thấy. Còn 1 sào lúa của anh Trọng ở bên cạnh, cũng chỉ còn chưa đầy ½ năng suất so với trước đây. Nhiều đám ruộng đã đến thời gian thu hoạch nhưng trông cây lúa vẫn còn mơn mởn xanh.

"Mỗi lần đi cắt lúa thuê cho những đám ruộng ở cánh đồng Ao Kèo này về là chân tay tôi lại nổi mẩn ngứa cộng với mùi hôi thối rất khó chịu, nhưng vì mưu sinh tôi phải cố gắng"- Chị Thảo nói với giọng đượm buồn. Còn anh Lê Trung Tính- xóm trưởng xóm Mỹ Yên thì cho biết: Trước đây anh làm nghề chạy nước thuê cho các hộ lân cận vào mùa khô hạn, nhưng nay nguồn nước trong ao của đồng Ao Kèo bị ô nhiễm quá nặng, nên anh không dám nhận chạy nước thuê như trước.

Được biết, người dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm môi trường từ cơ sở mổ lợn này, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để (ông Xuân chỉ tiến hành xây hầm biogas để xử lý chất thải). Do công suất giết mổ hàng ngày quá lớn, nên việc xây dựng vài hầm biogas thì vẫn không thể khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra tại đây.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

.