Nỗi niềm ngư dân vùng bãi ngang

08:09, 28/09/2011
.

(QNg)- Trong những năm gần đây, vùng biển bãi ngang liên tục mất mùa, khiến đời sống của bà con ngư dân vốn dĩ khó khăn, nay càng khó khăn hơn. Đang vào mùa đánh bắt, nhưng hàng chục tàu thuyền của bà con ngư dân vùng bãi ngang đành "đắp chiếu" nằm bờ.

Những ngày tháng 9, chúng tôi có dịp về vùng biển xã Đức Minh - một xã bãi ngang có số lượng ghe thuyền đánh bắt gần bờ thuộc vào loại đông  nhất huyện Mộ Đức. Mặc dù đang trong mùa đánh bắt, thế nhưng hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp là hàng chục chiếc thuyền thúng nằm im lìm. Bãi biển vắng hoe, chỉ lác đác vài ngư dân.
 
Đang trong mùa đánh bắt, nhưng hầu hết ghe thuyền ở các xã vùng bãi ngang đều trong tình trạng nằm bờ.
Đang trong mùa đánh bắt, nhưng hầu hết ghe thuyền ở các xã vùng bãi ngang đều trong tình trạng nằm bờ.

Loay hoay đánh dầu lại chiếc thuyền thúng của mình, lão ngư Nguyễn Bông (60 tuổi) nói với chúng tôi như phân bua: "Lâu ngày quá không đi, sợ thuyền hư, nên tôi đánh dầu lại. Với ngư dân chúng tôi nó là cả một gia tài đấy!". Lý giải việc này ông bảo: "Mấy chú không biết đó thôi, chứ mấy năm rồi biển đói lắm. Năm nay cũng vậy ra khơi là lỗ, nên ngư dân đành ngậm ngùi để thuyền nằm bờ".

Lão ngư Nguyễn Bông tâm sự, không ra khơi được nên cũng nhớ biển lắm. Bình thường như thời điểm này mấy năm trước, các thuyền ra khơi khá nhộn nhịp. Mỗi chuyến ra khơi lúc nào cũng đầy ắp cá, nào là cá sòng, cá ngừ, cá thu... Sáng ra khơi, trưa vào bờ cũng kiếm được đôi ba trăm ngàn. Bây giờ cái gì cũng tăng giá, mỗi chuyến ra khơi chi phí cũng trên 150 nghìn, thế nhưng cá đánh bắt chẳng bao nhiêu, có hôm chỉ đủ mang về nhà ăn. 

Ngư dân Huỳnh Văn Hòa đang sửa chiếc thuyền gần đấy, chạnh lòng: "Ngư dân chúng tôi không có tiền để sắm những tàu thuyền lớn đánh bắt xa bờ. Đa số là những thuyền công suất từ 20 CV- 30 CV, chỉ đánh bắt gần bờ. Thế nhưng nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, khiến ngư dân chúng tôi vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn”.

Không chỉ làng chài ở xã Đức Minh, mà nhiều làng chài khác ở các xã bãi ngang ven biển của tỉnh ta cũng đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Ghe thuyền nằm bờ ngày một nhiều, trong khi đó cuộc sống ngư dân chỉ dựa vào những chuyến ra khơi. Thuyền nằm bờ cũng đồng nghĩa với việc ngư dân không thể kiếm ra đồng tiền để sinh hoạt hàng ngày.

Lý giải về nguồn lợi thủy sản ven bờ đang ngày càng cạn kiệt, theo ngư dân Trần Tọa (ở xã Phổ Châu, Đức Phổ) thì ngày càng có nhiều tàu thuyền lớn đánh cá theo kiểu hủy diệt như: Dùng nguồn điện cao áp từ 1.000 - 1.500W để đánh bắt cá,  lưới giã cào đánh bắt các loài cá sống ở cả 3 tầng nước (tầng đáy, tầng giữa và tầng trên) nên có thể "quét" sạch tất cả các loại hải sản khi quăng lưới, khiến nguồn lợi thủy sản ven biển bãi ngang đã ít ngày càng ít hơn. Vì vậy nhiều ngư dân đành phải bỏ biển để tìm kế sinh nhai. Phần lớn họ vào Nam làm thuê kiếm sống, bỏ lại những ngôi nhà cửa đóng then cài và đường làng vắng tanh.

Dọc con đường đất đỏ chạy ra bãi biển thôn Đạm Thủy Bắc (xã Đức Minh), có nhiều ngôi nhà ven đường cửa đóng then cài, thậm chí ổ khóa đã han gỉ. Chúng tôi ghé vào ngôi nhà trông khá tuềnh toàng ở bên đường. Một phụ nữ khoảng trên 60 tuổi đang ru cháu ngủ tiếp chuyện chúng tôi. Bà cho biết: "Hai vợ chồng thằng con trai dắt díu nhau vào Nam kiếm sống được gần 2 năm rồi, để lại 2 đứa nhỏ cho bà ở nhà chăm sóc. Thằng lớn được 10 tuổi đang đi học, còn thằng nhỏ mới 4 tuổi. Khổ lắm chú ơi, làm nghề biển bãi ngang chẳng đủ tiền chi tiêu trong gia đình. Ở đây người ta đi vào Sài Gòn kiếm sống đông lắm. Nhà nào cũng có người đi. Phải kiếm kế sinh nhai thôi, chứ giờ thì không mong chờ gì từ biển nữa rồi".

Theo thống kê của chính quyền địa phương ở các xã bãi ngang ven biển tỉnh ta, thì số lượng ngư dân vùng bãi ngang ven biển bỏ biển để vào Nam kiếm sống hay theo các tàu lớn đi bạn để đánh bắt xa bờ ngày càng nhiều. Nhiều hộ ngư dân vùng bãi ngang mạnh dạn thay đổi nghề, chuyển sang nuôi tôm. Có hộ cũng thành công, nhưng nhiều hộ cũng trắng tay vì tôm bị dịch bệnh, nợ ngân hàng không trả nổi.

Cuộc sống ngư dân trông chờ vào biển, thế nhưng nguồn lợi thủy sản ven bờ đang trong tình trạng ngày càng cạn kiệt. Làm gì để giúp ngư dân vùng bãi ngang ổn định đời sống đang là một vấn đề mà chính quyền địa phương các xã bãi ngang và ngành chức năng cần quan tâm giải quyết...

 Bài, ảnh: Ngọc Đức

.