Những mảnh đời bất hạnh cần sự cưu mang của cộng đồng

01:09, 11/09/2011
.

(QNg)- Ngồi đối diện với tôi là cháu Nguyễn Lam Trường (12 tuổi) - con trai lớn của vợ chồng anh Nguyễn Văn Lễ (44 tuổi) và chị Nguyễn Thị Kiều (31 tuổi) ở thôn Mỹ Khánh, xã Đức Thắng (Mộ Đức). Trông Trường rất khôi ngô tuấn tú, chỉ tiếc là cháu gầy yếu, làn da nhợt nhạt do bệnh tật. Tôi thật sự rơi nước mắt khi nghe lời bộc bạch của cháu: "Cháu sợ chết lắm! Cháu muốn đi học! Hãy cứu cháu cô ơi!". - Nếu đỡ bệnh cháu làm gì? "Dạ cháu tiếp tục đi học, cố gắng học giỏi để trở thành bác sĩ chữa bệnh cho ba".

Vợ chồng anh Lễ lớn lên trong gia đình nghèo. Khi không còn cắp sách đến trường, anh chị khăn gói rời quê vào TP.HCM mưu sinh bằng nghề may. Năm 1998 anh chị thành hôn và hạnh phúc được nhân đôi khi cháu Trường chào đời. Thế nhưng thiên đường hạnh phúc ấy chỉ tồn tại chưa đầy 5 năm sau ngày cưới.
 
Mặc dù mắc bệnh nan y phải thường xuyên nghỉ học, nhưng Trường lại có một bảng thành tích học tập tốt.
Mặc dù mắc bệnh nan y phải thường xuyên nghỉ học, nhưng Trường lại có một bảng thành tích học tập tốt.
Khi Trường 4 tuổi cũng là lúc vợ chồng anh Lễ phát hiện ra cháu bị mắc phải căn bệnh nan y quái ác Thalassmia, đã khiến hai vợ chồng dường như rơi vào tuyệt vọng. "Năm ấy, đột nhiên tôi thấy da cháu trở nên xanh xao, hai vợ chồng đã đưa cháu đi khám ở nhiều nơi mới biết cháu mắc bệnh Thalassmia. Bệnh viện nào cũng bảo bệnh này không thể chữa được, chỉ có thể kéo dài sự sống cho cháu bằng cách truyền máu kịp thời mỗi khi da xanh xao"- anh Lễ cho biết. Đây là bệnh thiếu máu di truyền, thiếu ô xy trong cơ thể và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan khác. Nếu không được điều trị phù hợp thì lách, gan và tim sẽ giãn lớn, xương trên mỏng và giòn. Suy tim và nhiễm trùng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những bệnh nhân này.

Để có tiền chữa bệnh cho con, anh chị phải bán vội mảnh đất ở quê chỉ với giá 12 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ truyền máu và mua thuốc cho Trường trong vòng 1 năm. Hai vợ chồng đành bỏ công việc may mặc ở Sài Gòn về quê, những mong giảm bớt chi phí ăn ở, giành tiền chữa trị cho con. "May nhờ anh em họ hàng giúp đỡ, nên chúng tôi không phải trả lãi nặng như vay ở ngoài, nhưng tất cả đều làm nông nên tiền của cũng có hạn. Giờ hai vợ chồng chỉ biết cố gắng làm 3 sào ruộng thuê cùng với 2 sào mượn của cha mẹ, để kiếm tiền nuôi dưỡng con"- anh Lễ thổ lộ.

Đầu tháng 5 vừa rồi thấy sức khỏe con yếu hẳn, vợ chồng anh chị vội vã đưa đến kiểm tra tại BVĐK Quảng Ngãi. Tại đây các bác sĩ cho biết gan và lách của cháu Trường đều to hơn bình thường (gan đã to ở độ 3). Do vậy anh chị đành đưa cháu Trường ra khám ở Bệnh viện TW Huế. Các bác sĩ cho biết, bệnh của cháu sẽ khỏi và kéo dài sự sống nếu như được sang Singapore ghép tủy. "Thoạt nghe tôi mừng rỡ vì bệnh của con cũng có được một tia hy vọng sẽ được cứu chữa, nhưng khi nghe các bác sĩ cho biết số tiền ghép tủy đến hơn nửa tỉ đồng thì lòng tôi nghẹn lại"- Chị Kiều buồn bã chia sẻ. Bởi ở vùng quê nghèo như Đức Thắng thì việc lo cho bữa ăn hàng ngày đã khó, huống chi đã gần 8 năm nay anh chị phải lo chữa trị bệnh cho cậu con trai.

Giờ đây họ có  đống nợ mà không biết đến bao giờ mới trả xong, thì làm sao có thể mơ tới việc đưa con mình sang nước ngoài để ghép tủy?. Và bệnh của Trường ngày càng trầm trọng hơn. Hàng tháng anh chị phải đưa Trường ra Huế để thay máu một lần. Mỗi lần đi mất từ 3- 5 ngày, chi phí mua thuốc, truyền máu, đi lại, ăn uống cũng mất khoảng 3,5 triệu đồng. "Mặc dù biết hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không thể nào có đủ điều kiện lo cho con, nhưng tôi hy vọng sẽ có một phép màu nào đó sẽ đến với gia đình chúng tôi"- anh Lễ mơ ước. Có lẽ ý thức được sự sống của mình cũng như nỗi lòng của ba mẹ nên Trường rất chăm ngoan và học giỏi. 7 năm liền Trường luôn đạt thành tích khá giỏi.

Hoàn cảnh của cháu Bùi Thanh Thùy (5 tuổi) - con của chị Nguyễn Thị Hoàng Vi ở tổ 1, P. Nghĩa Lộ (TP. Quảng Ngãi) cũng bi đát không kém. Thuỳ mang trong mình căn bệnh Loạn dưỡng não chất trắng không thể chữa trị được. Cháu nằm một chỗ, không thể nhận thức được bất cứ điều gì, thường xuyên bị ứ đọng nước ở phế quản, nên phải nhập viện liên tục. "Lúc phát hiện thể trạng của cháu không được bình thường, vợ chồng tôi đã đưa cháu đi khám ở nhiều nơi, nhưng không đâu biết được bệnh của cháu. Mãi đến khi khám ở Bệnh viện nhi TW Hà Nội thì chúng tôi mới biết bé mắc phải căn bệnh nan y này"- Chị Vi xót xa. Từ ngày cháu Thùy bị bệnh, chị Vi phải túc trực ở nhà chăm con. Còn ba cháu Vi cũng bị mất việc vì phải nghỉ thường xuyên và đi làm thất thường mỗi khi cháu Thùy nhập viện. Giờ hai vợ chồng không có khoản thu nhập nào để lo thuốc để duy trì sự sống cho cô con gái bé bỏng.

Còn với cháu Bùi Thị Hòa (13 tuổi) ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) mới ngày nào còn tung tăng cắp sách đến trường, nhưng nay thì tinh thần suy sụp khi biết tin cháu bị bệnh ung thư hạch, hiện đang điều trị tại Bệnh viên Ung bướu TP.HCM. Trong khi hoàn cảnh gia đình cháu vô cùng khó khăn. Mẹ cháu vừa phải đại phẫu tim với chi phí lên trên 70 triệu đồng (từ tiền vay nóng) mới có thể sống được. Cả gia đình với sáu miệng ăn giờ sống nhờ vào đồng tiền làm mướn của người bố. Vì thế sự sống của cháu Hòa giờ chỉ biết trông cậy vào những tấm lòng hảo tâm ở trong cộng đồng xã hội.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

.