Thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc ở Quảng Ngãi: Thực hiện chưa nghiêm

01:08, 22/08/2011
.

(QNg)- Cháy, nổ là những rủi ro gây hậu quả lớn và nghiêm trọng đối với đời sống xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, Nhà nước đã quy định các cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở dễ xảy ra cháy, nổ phải thực hiện bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (BHCNBB) đối với tài sản cơ sở đó. Tuy nhiên trên thực tế, ở Quảng Ngãi việc thực hiện các quy định gặp khó khăn, do sự thờ ơ và chấp hành không nghiêm của người dân.
 

Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và đề cao các trách nhiệm toàn dân đối với hoạt động phòng chống cháy, nổ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 130/2006/NĐ-CP (ngày 8/11/2006) quy định về việc thực hiện chế độ BHCNBB. Tiếp đó ngày 24/4/2007, Bộ Tài chính và Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 41/2007/TTLT-BTC-BCA; Bộ Tài chính còn ban hành Quyết định số 28/QĐ/BTC hướng dẫn chi tiết việc thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm này. Theo đó, các cơ sở sản xuất hàng hóa cháy được có khối tích từ 5.000m3, trạm biến áp, nhà máy điện từ 110kV; chợ kiên cố, bán kiên cố thuộc thẩm quyền trực tiếp quản lý của UBND cấp huyện trở lên phải mua BHCNBB.
 
Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc sẽ giúp các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp bớt rủi ro hơn. Trong ảnh: Lực lượng cảnh sát PCCC đang dập tắt một đám cháy tại cơ sở sản xuất gối bông ở Sơn Tịnh.
Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc sẽ giúp các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp bớt rủi ro hơn. Trong ảnh: Lực lượng cảnh sát PCCC đang dập tắt một đám cháy tại cơ sở sản xuất gối bông ở Sơn Tịnh.

Chủ các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng; các trung tâm thương mại, siêu thị có tổng diện tích các gian hàng trên 300m2 hoặc có khối tích từ 1.000m3; nhà tập thể, chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ năm tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên... phải tham gia loại hình bảo hiểm này. Ngoài ra, một số đơn vị khác cũng thuộc quy định này là các bệnh viện; cơ sở y tế khám chữa bệnh có từ 50 giường trở lên; rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa có từ 200 chỗ ngồi trở lên, kho hàng hóa có khối tích từ 5.000m3 trở lên...

Tuy nhiên, hiện nay số lượng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Quảng Ngãi tham gia BHCNBB còn rất hạn chế. Với số lượng công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc danh mục mua BHCNBB lên đến vài ngàn, nhưng chỉ có khoảng 26 đơn vị có mua BHCNBB. Các đơn vị từ chối mua BHCNBB cho rằng, phí bảo hiểm quá cao hoặc việc kinh doanh đang khó khăn, nên họ chưa có điều kiện tham gia. Nhưng theo quy định của pháp luật, việc mua bảo hiểm cháy nổ là bắt buộc và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ được hạch toán chi phí mua BHCNBB vào giá thành sản phẩm.

Các đơn vị hành chính sự nghiệp thì được tính vào kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp. Những đối tượng thuộc diện phải mua BHCNBB nhưng không mua, sẽ bị phạt tiền 2- 5 triệu đồng. Đơn vị nào vi phạm nhiều lần có thể bị tạm đình chỉ, hoặc đình chỉ hoạt động; nếu để xảy ra sự cố cháy nổ do chủ quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặc dù vậy, việc thực hiện quy định pháp luật này vẫn còn lỏng lẻo do chưa có một cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm chính.

Ông Phạm Ngọc Bình - Trưởng phòng Nghiệp vụ II (Bảo Việt Quảng Ngãi), phân tích: Việc mua bảo hiểm cháy nổ sẽ giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bảo toàn được tài sản và có thể tái sản xuất kinh doanh trong trường hợp không may xảy ra sự cố cháy, nổ. Trong hợp đồng mua bán BHCNBB luôn có quy định bồi thường trong các trường hợp rủi ro chính và rủi ro phụ. Nghĩa là, không phải đến khi xảy ra sự cố cháy, nổ (rủi ro chính) công ty bảo hiểm mới bồi thường cho khách hàng. Mà khi khách hàng bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt (rủi ro phụ) cũng được công ty bảo hiểm thanh toán. Như năm 2010 Bảo Việt Quảng Ngãi đã chi trả gần 1 tỷ đồng cho các Công ty bao bì Việt Phú, Công ty dịch vụ Dầu khí miền Trung, Công ty 20/7... khi xảy ra sự cố do thiên tai từ năm 2009.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về bảo hiểm cháy, nổ còn hạn chế khiến các tổ chức, doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích của việc mua bảo hiểm. Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, các đơn vị chỉ thực hiện việc cam kết hợp đồng BHCNBB với bên mua bảo hiểm khi các đơn vị này có đủ giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy (PCCC) hoặc có biên bản kết luận cơ sở đủ điều kiện về PCCC. Trong thực tế nảy sinh một số vướng mắc như tại các khu chợ, ban quản lý chợ hay từng tiểu thương sẽ mua BHCNBB... khiến việc triển khai BHCNBB còn gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết thực trạng này, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm triển khai các văn bản pháp luật quy định về việc mua BHCNBB đến các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện bảo hiểm cháy nổ của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp có tên trong danh mục bắt buộc; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

.