Thanh niên xung phong Sơn Hà ngày ấy... bây giờ

04:08, 07/08/2011
.

(QNg)- Cùng với những thanh niên ở ngoài trận tuyến hoặc công tác ở những cơ quan quân sự địa phương thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực ở huyện, hoặc tham gia du kích chắc tay súng bám đất, bám rừng, giữ từng tấc đất quê hương, huyện Sơn Hà vẫn còn hơn 2.000  thanh niên xung phong tham gia làm đường hoặc làm dân công ngày đêm vận chuyển quân lương chi viện cho khắp các chiến trường.

Việc làm thầm lặng của họ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ đã góp phần tạo nên những chiến công cho các đơn vị bộ đội chủ lực ở các mặt trận. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những cựu thanh niên xung phong ngày ấy vẫn giữ vững phẩm chất của lực lượng thanh niên xung phong, bám đất, bám rừng chăm lo sản xuất, quyết tâm xoá đói giảm nghèo. Nhiều người trong số họ có điều kiện tham gia vào các cơ quan nhà nước.
 
Anh Đinh Viên (ở Xóm Trường, xã Sơn Hạ) - cựu thanh niên xung phong thời chống Mỹ đang chuyển keo giống đến trồng ở vùng rừng nguyên liệu trên đất lâm nghiệp được Nhà nước cấp.
Anh Đinh Viên (ở Xóm Trường, xã Sơn Hạ) - cựu thanh niên xung phong thời chống Mỹ đang chuyển keo giống đến trồng ở vùng rừng nguyên liệu trên đất lâm nghiệp được Nhà nước cấp.

Dù ở cương vị nào họ cũng làm tốt trách nhiệm của  người công dân, tạo được uy tín về hình ảnh của người thanh niên xung phong. Theo tư liệu còn lưu giữ tại Huyện đoàn Sơn Hà thì, trong thời kỳ chống Mỹ lực lượng thanh niên xung phong huyện Sơn Hà có những đóng góp không nhỏ trong các chiến dịch công đồn. Giai đoạn Đông Xuân 1953-1954, các đại đội thanh niên xung phong  ở huyện Sơn Hà đã tham gia chiến dịch KomPLong, Măng Đen, Măng Buk (Kon Tum), mở đường đi Đắc Tô, đường Sơn Cao, Sơn Giang lên sông Re, làm cầu qua sông Trà Khúc. Sau Hiệp định Giơnevơ, một bộ phận thanh niên xung phong Sơn Hà tập kết ra Bắc, tham gia lao động sản xuất tại các công trình kinh tế-xã hội trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế ở hậu phương miền Bắc.

Ở miền Nam từ năm 1955-1961 có hàng trăm thanh niên xung phong làm giao liên cho cách mạng. Năm 1963 thanh niên Sơn Hà đã tham gia "Ban hành lang-H70" của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi thành lập, với nhiệm vụ ban đầu là quản lý vận chuyển hàng, xây dựng đường thồ phục vụ chiến đấu. Đầu năm 1965 thanh niên xung phong huyện Sơn Hà được biên chế thành đại đội, cùng với 3.000 thanh niên xung phong trong tỉnh hình thành Tổng đội thanh niên xung phong Quảng Ngãi, với chiến công đầu gắn liền với chiến thắng Ba Gia, tiếp đó là chiến thắng Vạn Tường. Với phương châm: "Sống bám cầu, bám đường-chết kiên cường dũng cảm".

Từ năm 1968-1975 lực lượng thanh niên xung phong Sơn Hà trưởng thành và lớn mạnh về số lượng, đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng phục vụ cho các chiến trường trong tỉnh với những công việc thầm lặng như bám sát trận địa, tải đạn cung cấp kịp thời vũ khí, lương thực, gỗ ván bắc cầu phục vụ các chiến dịch. Ngày 17/3/1975 huyện Sơn Hà được giải phóng, thắng lợi này có một phần đóng góp to lớn của các thế hệ thanh niên xung phong ở huyện. Lịch sử 61 năm xây dựng và trưởng thành cùng với các lực lượng thanh niên xung phong trong cả nước, các thế hệ thanh niên xung phong huyện Sơn Hà đã có những hy sinh thầm lặng, góp một phần không nhỏ vào trang sử vẻ vang của lực lượng thanh niên xung phong cả nước.

Về xóm Suối, xã Sơn Trung gặp chị Võ Thị Kim Mai - một cựu thanh niên xung phong thời chống Mỹ, chị kể cho tôi nghe những tháng ngày tham gia làm đường Sơn  Bao đi Trà Thọ, hoặc đi tải đạn phục vụ cho trận đánh ở Hà Thành. Chị Mai quê gốc ở Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) đi thanh niên xung phong năm 1968, đến năm 1970 chị vào bộ đội, thuộc đơn vị 22 của Tỉnh đội Quảng Ngãi (lúc bây giờ  gọi là đơn vị cầu đường), đơn vị chuyên làm đường, làm cầu để vận tải quân lương, vũ khí.

Chị Mai cho hay: "Thế hệ của chị ngày ấy tham gia thanh niên xung phong nhiều lắm, bây giờ có hàng chục chị vẫn đang sống ở thôn Làng Rào, xã Sơn Thuỷ. Ngày ấy các chị vào thanh niên xung phong là mong muốn được cống hiến một phần công sức cho cuộc kháng chiến. Nhiều chị không biết chữ, đến bây giờ phiên hiệu đơn vị của mình cũng không nhớ". Kinh tế gia đình chị Mai bây giờ đã qua cái thời nghèo khó nhờ biết chắt chiu dành dụm, chịu khó làm ăn, nên cuộc sống đã được ổn định, chị cùng chồng nuôi bò sinh sản, cải tạo bò lai sind tạo thêm thu nhập cho gia đình.

Còn anh Đinh Văn Tría (ở thị trấn Di Lăng), hiện đang công tác tại Đội vệ sinh phòng dịch huyện Sơn Hà khẳng định: "Thanh niên xung phong ngày ấy sống rất có lý tưởng, nhận nhiệm vụ nào cũng hoàn thành". Bản thân anh Tría ngày ấy tham gia lực lượng thanh niên xung phong được biên chế vào đơn vị C1 - thuộc lực lượng  thanh niên xung phong Sơn Hà, giai đoạn 1972-1975 đơn vị đảm nhiệm làm đường Sơn Bao-Trà Thọ, Sơn Tân-Sơn Dung, khi tổ chức phân công, việc gì các anh cũng phấn đấu hoàn thành, sau ngày đất nước thống nhất anh được đi học văn hoá và vào bộ đội, năm 1986 ra quân đi học lớp y tá và về công tác ở Bệnh việân Sơn Hà. Năm 1990 vì trình độ chuyên môn là y tá sơ cấp, bệnh viện giảm biên chế, nên anh nghỉ việc một lần. Năm 1993 anh tiếp tục tham gia học lớp y sĩ và về làm hợp đồng ở đội vệ sinh phòng dịch huyện Sơn Hà, thu nhập hiện nay của anh khoảng hơn 1 triệu  đồng/tháng, nên đời sống kinh tế có phần khó khăn.

Bà Lê Thị Minh Huệ - Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong huyện Sơn Hà cho biết: "Đến thời điểm cuối tháng 6/2011, Toàn huyện Sơn Hà có 12.000 hội viên thanh niên xung phong, nhưng chỉ mới có khoảng 500  người làm thủ tục nhận kỷ niệm chương, phần lớn anh, chị em  đều có đời sống khó khăn, chưa được giải quyết các chế độ chính sách. "Những thanh niên xung phong ngày ấy bây giờ người còn sống tóc đã điểm sương. Cuộc sống của họ sau ngày đất nước thống nhất chỉ 2 bàn tay trắng, nhưng với nghị lực của thanh niên xung phong các anh, chị đã ra sức cải tạo vườn tạp thành các mô hình kinh tế.

Thời gian đi qua cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc cho vay vốn làm ăn, cộng với tinh thần chịu thương chịu khó, đời sống kinh tế của họ đã từng bước được cải thiện. Gặp họ giữa đời thường, nghe họ nói về những tháng ngày gian nan vất vả trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt và nhìn vào thành quả lao động hôm nay, chúng ta mới thấy hết được nghị lực cũng như những cống hiến thầm lặng của họ. Những gì mà họ làm được thật đáng trân trọng...

Bài, ảnh: Đức Toàn

.