Nâng cao chất lượng công tác TTPBGDPL: Cần có sự quan tâm hơn

08:07, 26/07/2011
.

(QNg)- Những năm qua, công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL)  trên toàn tỉnh đã nâng dần chất lượng. Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay, công tác này  vẫn cần có sự quan tâm hơn từ nhiều phía...
 
Những năm gần đây, công tác TTPBGDPL đã được quan tâm chỉ đạo tích cực từ tỉnh đến cơ sở,  có hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Hàng năm UBND tỉnh đều xây  dựng kế hoạch TTPBGDPL, đề án TTPBGDPL phù hợp với từng đối tượng vùng, miền triển khai sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp cũng thường xuyên được kiện toàn, phân công rõ trách nhiệm của các ngành thành viên, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách đồng bộ, sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên từ cấp tỉnh đến xã được củng cố, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công tác TTPBGDPL trong tình hình mới.
 
Cán bộ UBMTTQVN huyện Minh Long về tận cơ sở tuyên truyền chính sách pháp luật lĩnh vực tôn giáo, dân tộc cho đồng bào H’re thôn Làng Ren, xã Long Môn.
Cán bộ UBMTTQVN huyện Minh Long về tận cơ sở tuyên truyền chính sách pháp luật lĩnh vực tôn giáo, dân tộc cho đồng bào H’re thôn Làng Ren, xã Long Môn.

Hằng năm đã có hàng chục ngàn cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được tập huấn kiến thức pháp luật; việc xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật được chỉ đạo thực hiện nhiều hơn. Bên cạnh đó nhiều ngành, nhiều cấp đã xây dựng các mô hình TTPBGDPL như tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật dưới nhiều hình thức, để thu hút  mọi tầng lớp nhân dân tham gia tìm hiểu pháp luật: Mô hình câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật" của Hội Nông dân, câu lạc bộ "Thanh niên với pháp luật" của Đoàn thanh niên, câu lạc bộ "Phụ nữ với pháp luật" của Hội LHPN...

 Tuy nhiên công tác TTPBGDPL vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là việc phối hợp giữa các ngành thành viên hội đồng chưa đồng bộ, tính chủ động còn hạn chế, đặc biệt là cấp cơ sở; công tác tuyên truyền còn thiếu chiều sâu, hình thức tuyên truyền còn hạn chế về số lượng, chưa sâu về nội dung. Công tác TTPBGDPL cho người lao động trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn chưa được quan tâm. Đội ngũ cán bộ làm công tác TTPBGDPL còn thiếu về kinh nghiệm và hạn chế về chuyên môn, kinh phí dành cho công tác này chưa thỏa đáng... Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác TTPBGDPL. Một số mô hình khi triển khai điểm thì hiệu quả, nhưng kém hiệu quả khi nhân rộng. 

Để khắc phục tình trạng trên từ nay đến cuối năm 2011, Hội đồng phối hợp công tác TTPBGDPL tỉnh yêu cầu các cơ quan phối hợp nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động hơn nữa trong công tác TTPBGDPL, làm cho hoạt động này ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả. Đa dạng hình thức tuyên truyền, đồng thời lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; chú trọng phổ biến quy định pháp luật cụ thể, để các tầng lớp nhân dân dễ nắm bắt và thực hiện. Gắn giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức văn hóa truyền thống và bồi dưỡng, rèn luyện ý thức tự nguyện, tự giác tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là trong cán bộ, công chức, viên chức. Đầu tư hiệu quả, hợp lý các phương tiện, điều kiện phục vụ và các hình thức PBGDPL, đặc biệt là những địa bàn xảy ra nhiều vi phạm pháp luật và những vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Hội đồng phối hợp công tác TTPBGDPL tỉnh yêu cầu, khi TTPBGDPL phải xác định cụ thể đối tượng, nội dung, hình thức và biện pháp TTPBGDPL, nhằm nâng cao tính hiệu quả khi triển khai. Cụ thể sẽ chú trọng tuyên truyền pháp luật gắn với thực tiễn cuộc sống (luật Đất đai, Dân sự, Khiếu nại Tố cáo...) trong nhân dân toàn tỉnh. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động triển khai học tập các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; hội nhập kinh tế - quốc tế, cải cách hành chính.

Đối với cấp huyện, xã, công tác TTPBGDPL phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, tập trung vào các lĩnh vực đất đai, dân sự, khiếu nại tố cáo, môi trường, văn hóa. Riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, tôn giáo thì ngoài việc phổ biến các quy định pháp luật chung, cần phổ biến sâu về quy định của pháp luật đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo vệ phát triển rừng, hộ tịch, hộ khẩu, pháp luật về biên giới hải đảo...
Bà Bùi Thị Lệ Thủy - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh cho biết: "Để làm tốt công tác này cần phải có sự quan tâm phối hợp từ nhiều phía, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh ngày càng phát triển".

Bài, ảnh: THANH NHỊ

.